PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Đường lây của virus SARS-CoV-2 và 3 cách giúp chúng ta chiến thắng đại dịch
Để cắt đứt con đường lây lan của virus không còn cách nào khác là áp dụng ba biện pháp chính là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng, giãn cách với người khác trên 2m.
- 09-04-2020PGS.TS Nguyễn Huy Nga: 3 căn cứ phủ định việc ca bệnh 243 có thời gian ủ bệnh lớn hơn 14 ngày
- 07-04-2020PGS.TS Nguyễn Huy Nga: "Nếu chúng ta không thực hiện tốt giãn cách xã hội thì dịch bùng phát và lúc đó sẽ có đỉnh"
- 05-04-2020PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Vì sao dịch Covid-19 khó có khả năng bùng phát mạnh ở Việt Nam?
Trong thời gian gần đây các bạn quan tâm đến Đại dịch Covid-19 đang tranh luận sôi nổi về các đường lây truyền của virus SARS-CoV-2.
Quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới là virus bệnh Covid-19 lây truyền qua đường giọt bắn (droplet) và đường tiếp xúc. Nhưng một số quan điểm lại cho rằng nó lây truyền qua đường không khí (airborne) và tiếp xúc.
Để nói lại cho rõ về vấn đề này tôi muốn đóng góp một số ý kiến của mình.
Trước hết chúng ta cùng thống nhất lại quan điểm con đường lây nhiễm.
Tổ chức Y tế giới trong tài liệu hướng dẫn phòng chống đại dịch năm 2014 có đưa ra khái niệm rằng các bệnh truyền nhiễm hô hấp có thể lan truyền thông qua giọt bắn với các kích thước khác nhau khi các giọt mịn có đường kính lớn hơn 5-10 micromet thì gọi là giọt bắn (droplet) và khi các giọt mịn có đường kính bé hơn 5 micromet thì gọi là giọt nhân (nuclei). Khi virus lây nhiễm qua các giọt nhân thì người ta gọi là lây nhiễm qua không khí.
Ảnh PGS.TS Nguyễn Huy Nga.
Theo các bằng chứng hiện nay thì virus gây bệnh Covid-19 chủ yếu truyền từ người sang người qua các giọt bắn hô hấp và các con đường tiếp xúc.
Một phân tích tại 75.465 ca bệnh Covid-19 ở Trung Quốc của một nhóm các nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore công bố ngày 4 tháng 3 năm 2020 thì không có ca nào lây nhiễm qua con đường không khí (giọt nhân).
Lây nhiễm qua giọt bắn xảy ra khi người ta tiếp xúc gần với người bị bệnh bô hấp (trong vòng dưới 2 m, chủ yếu là dưới 1m) có các hiện tượng ho, hắt hơi, khạc nhổ… và do đó có nguy cơ các màng nhầy trong miệng, mũi hoặc củng mạc của họ bị phơi nhiễm các giọt có thể mang theo virus.
Việc lan truyền cũng có thể xảy ra thông qua các vật thể môi trường trung gian xung quanh người bệnh khi các giọt bắn chưa virus bám lên bề mặt. Như vậy việc lây bệnh có thể xảy ra trực tiếp khi tiếp xúc với bệnh nhân và gián tiếp khi tiếp xúc với các vật thể môi trường trung gian sử dụng cho người bệnh như ống nghe, nhiệt kế.
Virus cũng có thể lan truyền khi ta sờ lên các bề mặt có virus nằm trong các giọt bắn bám vào như nút ấn cầu thang máy, điện thoại, vô lăng, khẩu trang... Sau đó ta đưa tay sở lên mặt, miệng, mũi, mắt thì virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Lan truyền qua không khí khác với lan truyền qua giọt bắn đó là sự có mặt của vi sinh vật trong hạt nhân, thông thường là các hạt nhỏ hơn 5 micromet, có thể tồn tại một thời gian lâu trong không khí rồi được truyền qua người khác với khoảng cách lớn hơn 1 mét.
Trong trường hợp Covid-19 sự lan truyền qua không khí chỉ xảy ra trong những điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt mà trong đó các thủ thuật hoặc các biện pháp hỗ trợ điều trị được tiến hành có tạo ra aerosol (khí dung) như đặt ống nội khí quản, chụp khí quản, hút dịch hở, thực hiện điều trị phun khí dung, thổi thông khí quản, thao tác lật bệnh nhân nằm sấp lại, tháo máy thở từ bệnh nhân, lọc máu dưỡng khí, mở khí quản, hồi sức tim phổi...
Đã có một vài bằng chứng là Covid-19 có thể lan truyền qua đường tiêu hóa và virus có mặt trong phân. Nhưng cho đến giờ thì cũng chỉ có một nghiên cứu đó từ một mẫu phân. Tuy vậy, cho đến nay chưa có báo cáo nào về sự lan truyền Covid-19 quan đường phân-miệng.
Như vậy để cắt đứt con đường lan truyền của virus và để bảo vệ bản thân khỏi bệnh Covid-19 mỗi chúng ta cần thực hiện ba biện pháp chính là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc chất sát khuẩn, thực hiện giãn cách với người khác trên 2m.
Trí thức trẻ