PGS.TS Phương Mai: Có những câu đùa với trẻ nhỏ ngày xưa là bình thường, bây giờ trở nên khó nghe!
Đã từ lâu, chúng ta thường quen với việc thể hiện tình cảm với trẻ nhỏ qua lời nói, cử chỉ. Thế nhưng càng ngày, một số cách bày tỏ đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chúng ta đang quan tâm hơn tới việc bảo vệ trẻ em và tạo ra một môi trường lành mạnh để trẻ nhỏ phát triển.
- 23-07-20223 kiểu trẻ hồi nhỏ khiến cha mẹ lo sốt vó vì khó nuôi, lớn lên lại đầy triển vọng: Thử xem con bạn có giống vậy không!
- 11-07-2022Nói chuyện với 70 cặp cha mẹ nuôi con thành công, tôi nhận ra: Đây là 4 điều họ chưa bao giờ làm khi trẻ còn nhỏ
- 24-06-2022Vì sao nhiều đứa trẻ hồi nhỏ THÔNG MINH tuyệt đỉnh nhưng lớn lên bỗng TẦM THƯỜNG?
Đã từ lâu, chúng ta thường quen với việc thể hiện tình cảm với trẻ nhỏ qua lời nói, cử chỉ. Thế nhưng càng ngày, một số cách bày tỏ đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chúng ta đang quan tâm hơn tới việc bảo vệ trẻ em và tạo ra một môi trường lành mạnh để trẻ nhỏ phát triển. Đây cũng là lúc để ta dần thay đổi suy nghĩ, tư duy trong cách hành xử mỗi ngày để góp phần vào một sự thay đổi chung của toàn cộng đồng.
Mạng xã hội một lần nữa tranh luận và lên án kịch liệt những fanpage lấy hình ảnh của một học sinh lớp 7 với bình luận khiếm nhã.
Thời gian gần đây, đã có không ít những sự việc làm nóng lên cuộc tranh luận về khái niệm “tình dục hóa trẻ em”. Từ những hành động bày tỏ tình cảm không nhận được sự đồng thuận của trẻ, hay những câu nói đùa tưởng như vô thưởng vô phạt nay đã trở thành độc hại - tất cả đều tạo nên không ít luồng ý kiến về cách hành xử đúng đắn với trẻ em trong thời hiện đại.
Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Phó giáo sư, tiến sĩ Phương Mai để hiểu thêm những khía cạnh khác của vấn đề hết sức mới mẻ này.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Chị là tác giả của nhiều bài viết quan điểm sắc sảo về các vấn đề bình đẳng giới, quyền lợi và bảo vệ trẻ em.
"Con gái là người tình kiếp trước của cha", "Lớn nhanh lên cô/ chú đợi"... đây là những câu đùa rất phổ biến của nhiều người lớn từ trước đến nay. Tại sao lại có những câu nói như vậy?
Nhìn một cách đơn giản nhất, đây là một cách thể hiện của sự gắn bó và yêu thương. Khi ta cảm mến một ai đó, việc mong muốn và tưởng tượng họ trở thành một phần gắn liền với cuộc đời mình là điều hoàn toàn tự nhiên. Loại bỏ yếu tố ruột thịt sang một bên, sự gắn bó sâu nặng nhất, tự nhiên nhất, bản năng nhất của loài người chính là kết nghĩa lứa đôi.
Chính vì thế, ta thường nói mỗi người luôn đi tìm "một nửa" của mình. Ta hẳn phải yêu thương ai đó lắm khi coi ai họ là một nửa của bản thân, dù trong quá khứ như câu nói "con gái là người tình kiếp trước", hay trong tương lai như câu đùa "lớn nhanh cô/ chú đợi".
Yêu thương về bản chất là điều cao quý, vấn đề ở đây là ta thể hiện tình yêu thương ấy như thế nào.
Nhiều người hẳn từng nhìn một em bé bụ bẫm mà không kìm được thốt lên "yêu quá muốn cắn cho một cái". Tâm lý học giải thích hiện tượng này là phương thức dùng một ý nghĩ tiêu cực để cân bằng một ý nghĩ tích cực thái quá.
Tất nhiên là không ai yêu một em bé đến mức muốn làm đau em bé ấy. Tương tự, rất ít người thực sự liên tưởng đến khía cạnh dục tính của những câu nói nhắc ở trên. Về mặt tâm lý học, đó chỉ là cách ta thể hiện tình yêu của mình một cách hơi thái quá, nhằm cân bằng lại sự tấn công của một cảm xúc tích cực quá tràn đầy.
Đặt trong bối cảnh hiện đại, tại sao những câu nói này lại có gì… sai sai?
Nếu muốn nói đến bối cảnh hiện tại thì trước tiên, ta phải nhắc đến quá khứ. Trong lịch sử, việc gắn khía cạnh tình dục với một em nhỏ vị thành niên là điều khá bình thường ở nhiều nền văn hóa khác nhau.
Ví dụ, cổ Hy Lạp, La Mã và samurai Nhật vốn bình thường hóa mối quan hệ dục tính giữa một người đàn ông và một thiếu niên, coi đó là phương cách để các em nhỏ học làm người lớn. Ở Trung Đông thời xưa từng có các cô dâu trẻ con được gả bán từ tấm bé, thậm chí về nhà chồng để chờ ngày có dấu hiệu trưởng thành là động phòng. Người vợ yêu Aisha của nhà tiên tri Muhammad – người sáng lập ra đạo Hồi, cũng từng được gả cho ông khi mới 6 tuổi, và trở thành vợ theo đúng nghĩa năm cô 9 tuổi. Tại Việt Nam, các thiếu nữ ngày xưa có thể lấy chồng năm 13 tuổi.
Tuy nhiên, xã hội văn minh cũng khiến ta thay đổi ngưỡng tiêu chuẩn để xác định khi nào thì một em bé trưởng thành. Ta không còn thường xuyên dùng tín hiệu của một cơ thể dậy thì để đánh giá, lại càng ít quốc gia vẫn coi một người mới 9 hay 13 tuổi là một kẻ trưởng thành. Ta hiểu rằng một cơ thể trưởng thành không có nghĩa là một khối óc trưởng thành. Lứa tuổi đó còn quá nhỏ để có thể gánh chịu những trách nhiệm lớn lao.
Sự thay đổi về ngưỡng trưởng thành này chính là lý do khiến những câu nói, câu đùa ngày xưa vốn bình thường, nay bỗng thành bất thường. Trong quá khứ, việc gắn một em nhỏ với khía cạnh dục tính ở mức độ nào đó là điều tự nhiên. Nhưng giờ đây, nó trở nên khó nghe vì tuổi thơ của các em đã được kéo dài hơn, cộng với những quy chuẩn mới của một xã hội đang trở nên văn minh hơn.
Bên cạnh những câu đùa, thì còn những cách ứng xử, cách bày tỏ tình cảm nào khác của người lớn với trẻ nhỏ mà chúng ta cần thay đổi?
Với nhiều người, sức ỳ của quá khứ và thói quen khiến ta thấy những câu đùa này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc tuổi thơ được kéo dài và trẻ em được bảo vệ bởi những quy chuẩn văn minh khiến việc gắn trẻ em với các khía cạnh khác nhau của dục tính (thuật ngữ chuyên môn là sexualization of children) ngày càng được gọi mặt chỉ tên rõ ràng hơn. Bằng cách thảo luận, chỉ ra điều cần chú ý, chuyển từ vô thức (thói quen) sang ý thức (nhận biết), chúng ta có thể nhìn ra vấn đề và sửa sai những tàn dư của quá khứ.
Một ví dụ khác của việc tình dục hóa là khi quần áo của bé có các câu chữ, hình ảnh và kiểu dáng gợi dục. Ví dụ, một em bé được ba mẹ mua cho bộ quần áo có chữ: "Nhìn mông tôi có to hơn trong chiếc bỉm này không?"
Không chỉ quần áo mà đồ chơi và các hoạt động xã hội của trẻ em cũng có thể bị tình dục hóa. Ví dụ, các con búp bê có kiểu dáng cơ thể và quần áo sexy, các cuộc thi nhan sắc trẻ con khi bé được ăn mặc, trang điểm và có các động tác hình thể không khác mấy người lớn với các trang phục gợi dục.
Hay một ví dụ gần đây là việc hoa hậu Thùy Tiên vì thấy một em bé 3 tuổi quá xinh xắn mà nói đùa rằng cô muốn bé thành chồng tương lai của mình. Trên sân khấu, cô xin được hôn má bé dù bé quay đi, thậm chí có lúc còn được mọi người đẩy bé vào vòng tay để cô được ôm bé dù bé không hào hứng.
Như trên đã nói, yêu quý một em bé bằng cách gắn em với những khía cạnh dục tính ngày xưa thì có thể bình thường, nhưng giờ đây lại dễ thành việt vị. Với những quy chuẩn mới của xã hội, ta có thể bày tỏ sự yêu mến với một em bé bằng cách nói rằng ta mong sau này sẽ đẻ được một thiên thần y hệt. Tưởng tượng một em nhỏ 3 tuổi sẽ là con mình sẽ ổn hơn nhiều so với tưởng tượng một em nhỏ 3 tuổi sau này sẽ là người tình của mình.
Một vấn đề khác nữa ở đây là không ai hỏi ý kiến xem bé có muốn được ôm hôn hay không, và kể cả khi bé tỏ ý không thích thì vẫn bị người lớn dụ để bé đồng tình. Sự đồng thuận của bé hoàn toàn bị lãng quên.
Khái niệm sự đồng thuận của trẻ nhỏ dường như vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam, theo chị, tại sao chúng ta cần quan tâm hơn tới việc này?
Phải nhắc lại là trong đa số trường hợp, ôm hôn trẻ con là một hành động thể hiện sự yêu thương. Tuy nhiên, với những quy chuẩn văn minh mới về bảo vệ quyền trẻ em, sự đồng thuận của bé cũng cần được tôn trọng. Quyền được lựa chọn là một phần cơ bản của quyền con người. Và trẻ con cũng là người.
Nếu ta chỉ chăm chăm nghĩ đến cảm xúc của mình (yêu thì mới ôm hôn hay đùa cợt) thì ta đang vô tình và ích kỷ coi bé chỉ như một thực thể thụ động. Dù còn nhỏ, nhưng bé cũng có cảm xúc, ý kiến, và sự yêu thích riêng của mình. Ta hẳn từng chứng kiến nhiều trường hợp vì quá xinh xắn mà bé bị bao người đòi ôm hôn và bồng bế đến mức khóc ré lên. Một em bé dù nhỏ đến mấy cũng đã có khả năng thể hiện việc có muốn bị đụng chạm hay không. Bé có thể khóc, quay mặt, lắc đầu, giằng ra, chạy đi, hoặc thậm chí đánh trả.
Việc ta thể hiện tình yêu thương với trẻ con không có nghĩa là bé cảm thấy được yêu thương. Người lớn chúng ta cần hiểu rằng trẻ con không phải là búp bê, không phải vật sở hữu để ta có thể bẹo má, xoa đầu, ôm ấp, hôn hít, thậm chí sờ mó và đùa cợt về giới tính cũng như cơ thể của bé.
Như vậy, trẻ con cần được dạy về tư duy độc lập, quyền lựa chọn và khả năng quyết đoán. Nếu bé được chọn quần áo để mặc, đồ chơi để chơi thì tại sao quyền đó không bao gồm cơ thể của chính bé? Nếu ta không muốn chính mình bị ép phải ôm hôn kẻ khác thì tại sao ta lại ép trẻ con làm việc đó? Việc tôn trọng ý kiến và cảm xúc của bé chính là một phần quan trọng của việc giúp bé trưởng thành.
Bình thường hóa những câu đùa độc hại, bình thường hóa việc đụng chạm, bày tỏ tình cảm với trẻ nhỏ dù bé không thích - có phải là những viên gạch sơ khai nhất dẫn đến việc tạo môi trường thuận lợi cho những kẻ quấy rối có thể núp bóng?
Đây chính là lý do quan trọng nhất khiến sự đồng thuận của trẻ con trở thành tâm điểm của giáo dục gần đây. Việc giúp trẻ có chính kiến và chủ động là biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn cản các vụ quấy rối và xâm hại tình dục. Hầu hết nạn nhân nhỏ tuổi đều im lặng vì "vâng lời" và "sợ hãi". Bé vâng lời vì cho rằng người lớn đã làm chắc là phải đúng. Bé cũng sợ người lớn mắng, sợ mình chính là kẻ có lỗi, sợ không nghe lời thì sẽ bị coi là hư...
Hẳn ta đã từng có lần nghe người lớn nói rằng: "Hôn ba/mẹ/ông/bà/ chú/ bác một cái nào?" Nếu bé từ chối, câu trả lời có thể là: "Thế là không ngoan, không yêu ba/mẹ rồi", hoặc "Không hôn thì không được ăn kem".
Một cách vô thức, ta đã dạy bé rằng tình cảm và sự động chạm cơ thể không phải là một cảm xúc tự nguyện. Nó là trách nhiệm với người trong gia đình, là thước đo đạo đức, thậm chí là điều kiện để đánh đổi lấy vật chất.
Ta không nên quên là 90-97% các vụ lạm dụng tình dục, nhất là lạm dụng tình dục với trẻ con đến từ chính những người trong gia đình hoặc những người bé quen biết. Ở Việt Nam, gần đây nhất là trường hợp một em nhỏ 12 tuổi đã cùng mẹ tố cáo chính bố đẻ xâm hại tình dục con mình.
Bé cần được dạy từ nhỏ để có thể nói KHÔNG với những hành vi đụng chạm mà bé không thích, kể là khi hành vi đó đến từ những người trong gia đình và người quen. Điều này giúp bé trở thành chủ thể bảo vệ chính bản thân mình, bởi người lớn không phải ai cũng tốt.
Khi lớn lên, khả năng nói KHÔNG một cách cương quyết ấy sẽ giúp các thanh thiếu niên đối mặt với nguy cơ bị quấy rối tình dục mà không ngại định kiến, không lo xấu hổ, không sợ bị đổ lỗi ngược cho nạn nhân, không ngán kẻ kia mếch lòng dù họ có lớn tuổi và quyền lực đến đâu.
Những sự thay đổi nào về tư duy của người lớn để tạo ra một môi trường văn minh và an toàn cho trẻ nhỏ?
Về mặt tổng thể, nhà trường cần lồng ghép giáo dục tình dục vào các chương trình chính khóa như nhiều nước đã làm. Nhiều chương trình giáo dục tình dục hiện nay thậm chí đã kỹ càng đến mức yêu cầu cả ông bà cũng phải hỏi ý kiến cháu mình nếu muốn được ôm hôn.
Ở Hà Lan và Úc nơi tôi sống và làm việc chẳng hạn, ngày càng nhiều ba mẹ được dạy rằng họ nên thông báo trước cho họ hàng và bạn bè về việc phải hỏi ý kiến trẻ con trước khi ôm hôn. Nếu bé không thích hôn thì thay bằng bắt tay, cúi chào, hoặc vẫy tay. Một trong những video lan truyền mạnh mẽ nhất vài năm trước quay lại cảnh các thầy cô giáo đón học sinh ở cửa lớp học, trên tường có dán 3 lựa chọn thay lời chào: ôm, high-five, và thực hiện một động tác nhảy. Các bé được quyền lựa chọn hôm nay sẽ chào thầy cô kiểu gì.
Trong từng gia đình, chúng ta cũng có thể dạy bé về ba loại đụng chạm khác nhau. Thứ nhất là động chạm an toàn như chạm vai, khoác tay. Vùng an toàn là vùng bên ngoài bộ đồ bơi một mảnh và bên ngoài khẩu trang đeo mặt. Thứ hai là động chạm nguy hiểm như đánh, đấm, đá. Thứ ba là động chạm không mong muốn, bao gồm tất cả những gì bé thấy khó chịu. Khi bé đủ lớn, ta có thể dạy bé rằng động chạm không mong muốn đôi khi là để an toàn, như việc bé đi khám bác sĩ.
Quan trọng hơn cả là bé có thể coi ba mẹ như bạn để tin tưởng sẻ chia mỗi ngày. Và để làm bạn, ba mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến, cảm xúc và quyền làm chủ thân thể của bé.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Phụ nữ Việt Nam