PGS.TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp đứng dậy cần phải 'dần dần', không thể nghĩ mình là 'Thánh Gióng'
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, khi nền kinh tế mở cửa lại sau một thời gian dài bị hạn chế, một số lĩnh vực sẽ bùng nổ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi.
- 08-11-2021PGS. TS Trần Đình Thiên: Đây là lúc đất nước phải “bơm máu” thật nhanh, nếu không là “ngất”
-
Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được
Chỉ còn khoảng gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021, điều kiện tạo ra cơ hội trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam là gì?
Trong thời gian còn lại của năm 2021, chúng ta còn đủ thứ việc. Bởi lần đầu tiên sau bao nhiêu năm đổi mới, chúng ta mới có một quý mà mức tăng trưởng âm cao như thế. Vậy thì cơ hội phục hồi nằm ở đâu, cũng như điều gì đảm bảo cho cơ hội phục hồi biến thành hiện thực trong 3 tháng cuối năm?
Điều kiện đầu tiên là quan điểm về dịch và chống dịch đã thay đổi. Chúng ta không phải chạy đua theo nguyên lý Zero Covid thì mới có thể đưa các hoạt động kinh tế trở lại được. Sự thay đổi này đã tạo cho Việt Nam cơ hội để mở cửa nền kinh tế trở lại, để cho mọi nguồn lực có thể được phát huy một cách bình thường. Đặc biệt là nguồn lực lao động sau một thời gian bị đứt đoạn, phong tỏa.
Điều kiện thứ hai là nền kinh tế thế giới đang bắt đầu bình thường hóa trở lại. Thậm chí, xu thế phục hồi tại nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra suốt cả năm nay. Kế hoạch mở cửa lại một số lĩnh vực then chốt, gặp nhiều khó khăn nhất như du lịch, hàng không đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa cao. Từ đó, chúng ta có thể tiếp cận với không gian, điều kiện phát triển bình thường của Việt Nam.
Điều kiện thứ ba là Nhà nước bao gồm Chính phủ, Quốc hội đã hướng đến câu chuyện phục hồi và phát triển theo dài hạn, chứ không phải chỉ là câu chuyện cấp cứu. Chúng ta có lẽ đã bắt đầu giảm bớt cách tiếp cận theo kiểu cứu nguy, tức là theo từng vụ việc, từng khu vực, từng đợt ngắn hạn hay từng nhóm phong tỏa. Bây giờ chúng ta cần đặt vấn đề một cách tổng thể hơn, tương thích với cách tiếp cận về chống dịch.
Với cách tiếp cận như vậy, các chính sách hỗ trợ, mở cửa và các gói hỗ trợ kinh tế sẽ được thiết kế để đón thời cơ theo đúng tinh thần trỗi dậy. Điều này hiện nay chưa được chính thức công bố, mà vẫn còn được thảo luận và cân nhắc, nhưng khí thế trỗi dậy đã bắt đầu được lan tỏa ra khắp xã hội.Tôi nghĩ đó là khả năng phục hồi của nền kinh tế trên 3 nền tảng cơ bản được xác lập.
Những doanh nhân, chủ thể thực của nền kinh tế, cũng đang chuẩn bị tâm thế để hoạt động trở lại. Ngay cả ở những nơi tình hình dịch bệnh phức tạp như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, nền kinh tế bị nén ép lâu quá rồi nên khí thế đang trở lại một cách tích cực. Ba điều kiện này sẽ đảm bảo cho khả năng phục hồi và trỗi dậy cho nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Theo như ông vừa nói, Việt Nam có độ mở vô cùng lớn. Vậy thì, lĩnh vực nào có dư địa để phục hồi lớn nhất trong nền kinh tế hiện nay?
Thực ra, đây là một câu hỏi khó trả lời được bởi Việt Nam vẫn còn nhiều biến số rủi ro, còn chưa chắc chắn. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp, dù tư thế sẵn sàng cao nhưng việc mở cửa thực sự cần một quá trình. Vậy nên, việc trả lời đích xác một lĩnh vực nào là câu chuyện khó. Chúng ta đừng trả lời như kiểu như là đọc đáp án nêu ra.
Về ngắn hạn, lĩnh vực có dư địa phục hồi cao nhất là những lĩnh vực có đơn hàng đến từ thế giới, đặc biệt là các đơn hàng vào các dịp lễ cuối năm gồm Noel và năm mới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở các lĩnh vực may mặc, giày dép, quần áo, các đồ quà tặng hiện đang tăng tốc sản xuất trở lại. Những cơ hội phục hồi cho các lĩnh vực này là tương đối rõ ràng. Cho nên, điều này dẫn đến những cái giải pháp hướng đến các lĩnh vực này phải mạnh hơn.
Tiếp theo, dư địa lớn cũng nằm ở các nhóm ngành liên quan đến mở cửa để tạo ra giao thương tích nén, còn được gọi là "Tiêu dùng trả thù". Tức là, khi nền kinh tế mở cửa sau một thời gian dài bị hạn chế ghê gớm, các lĩnh vực này sẽ bùng nổ giúp đẩy nhanh khả năng phục hồi. Ví dụ như lĩnh vực du lịch chẳng hạn.
Hiện nay, ngành du lịch nội chỉ chờ thông lại các chuyến bay và một phần nào đó đảm bảo an toàn thực tế, chứ không phải là theo kiểu cấm đoán hành chính. Nếu mà giải tỏa được cấm đoán hành chính, trên nền tảng là tiêm vaccine và sống thích ứng với dịch bệnh, hàng không mở cửa thì du lịch có thể trỗi dậy.
Tôi nghĩ rằng hai ngành du lịch và hàng không chịu đau thương ghê gớm nhất thì bây giờ là cơ hội phục hồi rất lớn. Chúng ta nên nhớ rằng 2 ngành này chịu thiệt hại khủng khiếp trong 2 năm dịch dã vừa qua. Tổn thất với ngành hàng không có thể tính rất rõ, lên đến mấy chục nghìn tỷ.
Tuy nhiên, du lịch lại có khối tài sản bị "đóng băng" vô cùng lớn. Với vốn vay nợ lớn, khi những khách sạn "to oạch" dừng lại không hoạt động, bộ máy nhân viên bao nhiêu người không hoạt động, bao nhiêu tài sản đứng yên. Cứ tính ra tiền, lãi suất thì số nợ nần khủng khiếp như nào. Khi mở lại, không chỉ là cơ hội phục hồi mà còn là cứu nguy họ để chúng ta có thể đứng dậy phục hồi.
Khi mở cửa lại, giao thông vận tải sẽ tốt lên, sản xuất tại khu công nghiệp cũng sẽ được mở lại. Từng bước theo đà đó, khí thế phục hồi sẽ trỗi dậy. Nhắc đến ngành nông nghiệp Việt Nam, hiện nay thế giới đang chịu cảnh thiếu lương thực. Khi mở cửa lại đúng dịp mùa đông này, các thực phẩm tươi của Việt Nam sẽ là liều thuốc cho thế giới.
Tôi nghĩ ngành nào cũng có cơ hội, có ngành đi trước có ngành đi sau. Nhưng cách tiếp cận là nên tính cơ hội theo nghĩa tổng thể và mỗi ngày đều phải tìm thấy, nhận diện các cơ hội để tích cực chuẩn bị. Khi cơ hội đến thì kéo theo cơn lốc rất là mạnh.
Với các ngành bị tổn thương khá nặng như nhà hàng, khách sạn thì họ có khả năng tăng tốc, thậm chí là cất cánh trong thời gian tới không?
Chắc chắn là tăng tốc rồi. Nhưng chúng ta phải xem nó tăng tốc như thế nào, một cách từ từ hay tự nhiên phi thẳng đứng lên. Khi dùng từ tăng tốc, nhiều người nghĩ sẽ có một đợt cất cánh nhanh, nhưng tôi nghĩ chắc chắn không thể như vậy được.
Một số ngành như du lịch chắc chắn sẽ tăng tốc nhanh, thậm chí có thể nhanh hơn. Nhưng tôi nghĩ vẫn là tăng tốc từ từ, chứ để đứng trở lại dậy ngay không phải là dễ dàng. Chúng ta chưa bàn đến việc, muốn vực dậy, ngoài những điều kiện khách quan ra còn cần những điều kiện gì.
Ví dụ, bây giờ phải lấy vốn từ đâu, hay vấn đề nguồn lao động ở đâu. Nếu muốn nối lại các chuỗi, các khách sạn phải nối lại rất nhiều chỗ cung cấp sản phẩm, dịch vụ, chăn ga, gối đệm để đáp ứng khách hàng. Cả nền kinh tế đều phục vụ cho hoạt động du lịch nên cần phải nối lại được các chỗ đó. Mấy năm trời đi những vùng du lịch thấy hoang vắng kinh khủng.
Khi lao động bỏ đi thì bây giờ sẽ trở lại như thế nào? Có phải hôm trước hôm sau chúng ta thổi còi là họ kéo ra, rồi tập thể dục xong vào phục vụ khách đâu. Rất mất thời gian. Các doanh nghiệp cũng cần nhiều thời gian để phục hồi. Thế thì, quá trình phục hồi diễn ra dần dần, phải được tạo điều kiện để từng lĩnh vực khởi động, đứng dậy từ từ. Một yếu tố rất quan trọng ở đây chính là những điều kiện hỗ trợ, bởi bản thân doanh nghiệp nào cũng thích phục hồi nhanh.
Tôi nghĩ là có 2 yếu tố then chốt trong quá trình này. Đầu tiên, những hỗ trợ từ phía Nhà nước, thể chế giúp nối thông các tuyến, làm cho các nguồn lực quay trở lại, đặc biệt là nhân lực. Chứ chúng ta kiểm soát quá nhiều là không doanh nghiệp nào phục hồi được đâu. Hiện nay doanh nghiệp yếu rồi, thủ tục nhiều quá, mà thủ tục là chi phí, gồm cả chi phí về thời gian và kinh tế, thì chúng ta phải tháo bỏ dần đi.
Bây giờ quan niệm thích ứng phải được thực hiện đúng. Tức là, cứ tiêm hai mũi vaccine là bảo đảm an toàn. Thích ứng trong thời đại không phải Zero Covid thì chỉ có những ai mà phát bệnh quá nặng mới phải đi bệnh viện. Những người tiêm rồi có thể bị nhiễm nhưng sẽ bị nhẹ hơn, nên phải có cách tiếp cận bình thường thực sự. Lĩnh vực y tế nên bình thường cũ theo kiểu này, thì nền kinh tế mới bình thường mới được. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phải tiếp cận theo kiểu ấy.
Yếu tố thứ 2 là đa số doanh nghiệp Việt Nam có phải hùng mạnh gì đâu, nên họ phải được tạo điều kiện để tiếp cận vốn. Với điều kiện hiện nay, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch thì càng phải có cách tiếp cận vốn thật nhanh. Như thế, họ mới khôi phục lại được. Ví dụ như đảm bảo cho họ trong 6 tháng đầu vay vốn sẽ không có lãi suất hoặc lãi suất thấp. Sau đó mới vào chu trình tính lãi suất. Bởi họ phải làm ra được tiền thì mới trả lại được. Chúng ta vừa mới chỉ cho vay đã đòi tiền nợ cũ luôn thì cũng không được.
Những yếu tố bảo đảm bản chất vẫn là lưu thông nguồn lực cho doanh nghiệp. Lúc đó, chúng ta mới bàn đến chuyện tăng tốc. Hơn nữa, ta cũng cần tăng tốc dần dần vì doanh nghiệp lúc đầu còn yếu lắm. Lúc mới đứng dậy, tư thế cũng phải dần dần thì mới đứng thẳng được. Rồi cũng phải khởi động dần dần doanh nghiệp mới tăng tốc được. Chứ còn "hoa mắt" lên, nghĩ mình là Thánh Gióng, phi một phát có khi ngã luôn thì không được.
Khi mà Chính phủ bảo đảm những điều kiện, nỗ lực cho cách tiếp cận tích cực như trên thì các ngành như dịch vụ, du lịch sẽ khôi phục rất nhanh. Đây có thể coi là điểm lan tỏa, lôi kéo sự phục hồi cho cả nền kinh tế chứ không phải chỉ mỗi ngành đó.