MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá sản chỉ trong 2 tuần vì ham lãi cao, Covid-19 khiến những nhà đầu tư "tay mơ" cháy túi như thế nào?

05-06-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Mải mê đi tìm mức lợi suất cao, không ít nhà đầu tư đã bỏ số tiền dành dụm cả đời vào những tài sản đầu tư phức tạp sử dụng đòn bẩy. Trong thị trường giá lên kỷ lục như những năm trước, đó có vẻ là lựa chọn sáng suốt. Nhưng bỗng chốc cú suy thoái kinh tế do virus corona gây ra khiến không ít người trắng tay.

Phá sản chỉ trong 2 tuần vì ham lãi cao, Covid-19 khiến những nhà đầu tư tay mơ cháy túi như thế nào? - Ảnh 1.

Khi William Mark quyết định quay trở lại thị trường sau khủng hoảng tài chính 2008, ông đã xem xét khá kỹ lưỡng cả cổ phiếu và trái phiếu. Cuối cùng cựu kỹ sư quyết định đặt cược vào 1 sản phẩm phức tạp mà ông hi vọng sẽ đem lại lợi suất hàng năm ở mức hai con số.

Chiến lược này đã tỏ ra hiệu quả. Trung bình mỗi năm Mark kiếm được mức lợi tức 18%, và cuối cùng ông đã rót tổng cộng 800.000 USD cho loại tài sản này: chứng khoán ETN (leveraged exchange-traded notes) - loại chứng khoán nợ không có đảm bảo được giao dịch trên sàn chứng khoán như cổ phiếu. Chúng giống như các trái phiếu nhưng không trả lãi. Thay vào đó, giá ETN biến động như giá cổ phiếu.

Tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 ập đến, ông đã mất trắng, thậm chí mất cả những đồng xu cuối cùng. "Tôi 67 tuổi và về cơ bản là đã phá sản chỉ trong 2 tuần", Mark nói.

Cú suy giảm kinh tế do đại dịch gây ra khiến gần như mọi ngóc ngách của thị trường tài chính rung chuyển, nhưng đặc biệt tồi tệ đối với những người như Mark. Họ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đặt cược vào thị trường các sản phẩm có cấu trúc phức tạp như một mê cung với quy mô lên đến gần 7.000 tỷ USD. Nhóm này bao gồm ETN, các chiến lược giao dịch dựa trên quyền chọn và chứng chỉ tiền gửi có lợi suất được gắn với cổ phiếu hoặc 1 loại tiền tệ.

Các ngân hàng và công ty môi giới quảng cáo rằng loại tài sản này mang lại lợi suất ổn định hơn và cao hơn so với những khoản đầu tư thuần khiết như trái phiếu hay các quỹ chỉ số.

Hầu hết các nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp đều tránh xa chúng. Còn đối với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ non nớt hơn, cú sụp đổ vừa qua dạy cho họ 1 bài học khá đau đớn mà chúng ta có thể rút ra từ gần như mọi cuộc khủng hoảng: không thể tồn tại khoản đầu tư nào vừa an toàn lại vừa sinh lợi cao.

Thị trường cũng đã trừng phạt một số ngân hàng đã bán các sản phẩm này dưới dạng chứng khoán phái sinh. Société Générale, BNP Paribas và Natixis, mỗi ngân hàng đã mất hơn 200 triệu USD ở mảng này kể từ đầu năm đến nay.

Phá sản chỉ trong 2 tuần vì ham lãi cao, Covid-19 khiến những nhà đầu tư tay mơ cháy túi như thế nào? - Ảnh 2.

Hệ lụy của kỷ nguyên lãi suất siêu thấp

Để hiểu rõ Mark và các nhà đầu tư khác đã bị hấp dẫn bởi các tài sản phái sinh phức tạp này như thế nào, chúng ta cần nhớ lại về những gì đã xảy ra sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. Các NHTW đồng loạt hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Điều này giúp ổn định hệ thống tài chính, nhưng đồng thời cũng khiến thu nhập tạo ra từ các tài sản đầu tư ổn định nhất, an toàn nhất sụt giảm mạnh, đẩy nhà đầu tư vào cuộc đi săn đầy rủi ro để tìm ra những sản phẩm giống như trái phiếu nhưng có lợi suất cao hơn nhiều.

Mark đã mua ETN phát hành bởi ngân hàng UBS, đặt cược vào những công ty đầu tư vào thị trường nợ thế chấp, cụ thể là các quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Những người khác thì đầu tư vào những công ty "đóng gói" các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ hoặc quyền khai thác đường ống dẫn dầu. Lợi tức mà họ thu về được hậu thuẫn bởi tiền đi vay vốn đang ở mức rẻ nhất trong lịch sử.

Điểm chung của tất cả các sản phẩm đầu tư này là chúng mang về lợi nhuận cao chót vót khi toàn bộ kinh tế thế giới tăng trưởng chậm chạp và trái phiếu chính phủ thì gần như không mang lại cho nhà đầu tư chút lãi nào.

Quỹ quản lý tiền tệ ProShares trở nên nổi tiếng nhờ tập trung vào những quỹ rủi ro hơn nhưng có thể giúp lợi suất của những sản phẩm truyền thống tăng gấp 2, gấp 3 lần. Từ con số hơn một chục năm 2006, ngày nay ProShares đã có hơn 130 quỹ ETF. Các môi giới làm việc cho Citigroup, Morgan Stanley, UBS và Wells Fargo đã bán được lượng ETF trị giá hàng tỷ USD trong năm 2008 và 2009.

Trong khi đó một số trader cho biết các quỹ quản lý tài sản lớn hiếm khi mua những sản phẩm này.

"Nếu các nhà đầu tư định chế không mua, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không nên mua vào. Nếu không họ sẽ trở thành những "con gà" trên bàn chơi poker mà không hề hay biết", Larry Swedroe, chuyên gia nghiên cứu tại Buckingham Wealth Partners nói. "Nếu 1 sản phẩm quá phức tạp đến nỗi bạn không thể giải thích cho người khác về nó thì cũng đừng nên mua vào".

Năm 2012, các nhà quản lý đã trừng phạt các ngân hàng vì không giải thích cho các nhà đầu tư đầy đủ về những rủi ro của các quỹ ETF sử dụng đòn bẩy. Cách đây không lâu Wells Fargo đồng ý nộp phạt 35 triệu USD để giàn xếp những cáo buộc rằng các cố vấn tài chính của ngân hàng đã khuyến nghị nhà đầu tư mua quỹ ETF đảo ngược, loại tài sản quá rủi ro đối với các khách hàng cá nhân.

Từ đầu năm đến nay, ít nhất 15 ETN được quản lý bởi UBS đã bị loại khỏi thị trường sau khi giá trị lao dốc không phanh. Các ETN điều hành bởi Citigroup và các ngân hàng khác cũng thua lỗ nặng. Khi tình hình xấu đi và những sản phẩm này và bị xóa bỏ, các nhà đầu tư thường chỉ nhận được một phần nhỏ của số tiền mà họ đã bỏ ra.

Bài học khủng hoảng 2008 nhanh chóng bị lãng quên

Giống như trước khủng hoảng tài chính 2008, trong thập kỷ vừa qua phố Wall đã "đóng gói" và bán nhiều sản phẩm đặc biệt được thiết kế để mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với các tài sản đơn giản hơn. Mức độ ưa chuộng chúng tăng vọt trong thị trường con bò. UBS, Citigroup, JPMogran Chase, Société Générale và Landesbank Hessen-Thuringen Girozentrale đều cung cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiều cách để tiếp cận những sản phẩm này.

UBS tạo ra ETN mà Mark đầu tư năm 2012, trong bối cảnh các công ty đầu tư vào tài sản thế chấp hồi phục sau khủng hoảng tài chính.

Bề ngoài các ETN không khác biệt quá nhiều so với các quỹ ETF hay quỹ tương hỗ thông thường (vốn theo dõi một nhóm các công ty). Cả hai sản phẩm đều cho phép nhà đầu tư đặt cược vào hiệu suất của bất cứ thứ gì, từ TTCK Mỹ đến đồng franc Thụy Sĩ hay giá lúa mì. Nhưng không giống các ETF, ETN không sở hữu tài sản mà chúng theo dõi. ETN là chứng khoán nợ. Và các ngân hàng phát hành chúng thường đưa ra điều khoản họ có quyền xóa bỏ các ETN nếu như giá trị của chúng rơi xuống thấp hơn 1 ngưỡng nhất định.

Một trong những lý do khiến các ETN bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng vừa qua là sử dụng đòn bẩy quá cao, dùng tiền đi vay để thổi phồng lợi suất nhưng cũng sẽ khiến thiệt hại tăng lên nhiều lần nếu thua lỗ. Thay vì tăng 3% một ngày khi giá dầu thô tăng 3%, 1 ETN trên giá dầu mỏ với mức đòn bẩy 3 lần sẽ mang lại cho bạn mức tăng tới 9% và ngược lại.

Phá sản chỉ trong 2 tuần vì ham lãi cao, Covid-19 khiến những nhà đầu tư tay mơ cháy túi như thế nào? - Ảnh 3.

James Zhu, giáo sư đại học 78 tuổi và đã nghỉ hưu, đã đầu tư tất cả số tiền mà ông và vợ tiết kiệm cả đời vào các ETN dựa trên dòng thu nhập từ các trái phiếu thế chấp bất động sản. Năm ngoái ông đã kiếm lời rất tốt, nhưng đến tháng 3 vừa qua thì tin xấu ập đến.

Đại dịch khiến các doanh nghiệp dáo dác đi tìm nguồn tiền mặt, khiến thị trường cho vay qua đêm mà loại tài sản Zhu đầu tư dựa vào biến động rất mạnh. ETN mà ông mua từ UBS đã giảm giá từ mức 14 USD thời điểm đầu năm nay xuống còn chưa đến 25 cent/cổ phiếu. Ngày 17/3, UBS hủy bỏ loại tài sản này, lưu ý với nhà đầu tư rằng họ chỉ được chi trả 0,2 USD cho mỗi chứng khoán mà họ nắm giữ. Kết quả là Zhu lỗ mất 700.000 USD vì ông đã mua ETN ở giá 13,35 USD.

Hiện Zhu đang đâm đơn kiện công ty môi giới trực tuyến TD Ameritrade, buộc tội họ đưa ETN cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà không cung cấp đủ thông tin về mức độ rủi ro của tài sản này.

ETN còn tập trung vào thị trường các khoản nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (quy mô 122 tỷ USD) thông qua các công ty phát triển kinh doanh (BDC). Giống như các công ty đầu tư vào các khoản nợ thế chấp, các BDC câu kéo khách hàng bằng những khoản cổ tức béo bở.

Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của 2 trong số những BDC lớn nhất đã giảm lần lượt khoảng 39% và 19%. Những BDC được quản lý bởi những quỹ danh tiếng như BlackRock, Carlyle và Investcorp đã giảm lần lượt 42%, 32% và 38% trong cùng kỳ. Giờ đây nhiều người lo ngại rằng các khoản thua lỗ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình thế rất khó khăn.

Tuy vậy một số nhà đầu tư cho rằng phố Wall chỉ chịu trách nhiệm một phần. Chính bản thân họ đã quyết định đầu tư vào những sản phẩm mà họ tự nhận thức được là giống như đánh bạc: mức độ rủi ro cao, khó dự đoán và khó có thể bền vững.

Bài: Thu Hương - Thiết kế: Hương Xuân

Tổ Quốc

Trở lên trên