Phá thế độc quyền những gã khổng lồ: "Miếng bánh" 1 tỉ USD và tiềm ẩn rủi ro
Google có kế hoạch chi trả 1 tỉ USD cho các hãng tin, báo chí toàn cầu để sử dụng tin tức của họ trong vòng 3 năm tới nhưng liệu chừng đó có đủ?
- 17-12-2020Phá thế độc quyền những gã khổng lồ
- 14-12-2020Vận đen liên tiếp ập đến với Alibaba: Hết vụ IPO "hụt" của Ant lại đến bị phạt vì vi phạm luật chống độc quyền
- 11-11-2020Amazon đối mặt án phạt 37 tỷ USD trong vụ kiện chống độc quyền của châu Âu
Thế giới đang chứng kiến doanh thu quảng cáo từ báo chí chuyển hướng sang các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của những gã công nghệ khổng lồ, khiến nhiều cơ quan truyền thông sụt giảm nguồn thu chính, buộc phải đóng cửa và gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.
Phép thử đầu tiên từ Úc
Dự luật yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho các hãng truyền thông nếu sử dụng tin tức của họ được trình lên Quốc hội Úc hôm 9-12. Nếu được thông qua, Úc sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc này nhằm bảo vệ nền báo chí độc lập đang chịu tác động từ những tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Facebook.
Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết theo dự luật, các tập đoàn công nghệ lớn phải đàm phán chi trả nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ với các nhà xuất bản và đài truyền thanh, truyền hình địa phương. Nếu không thể thống nhất thỏa thuận, một trọng tài do chính phủ Úc chỉ định sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Frydenberg nhấn mạnh dự thảo luật ban đầu sẽ áp dụng đối với Facebook và Google nhưng sẽ được mở rộng sang các nền tảng kỹ thuật số khác nếu có đủ bằng chứng cho thấy họ làm phát sinh sự mất cân bằng quyền thương lượng. Dự luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi về mặt chính trị ở Úc và có khả năng được đưa ra biểu quyết tại quốc hội vào đầu năm sau. Các nền tảng kỹ thuật số có thể phải đối mặt với khoản phạt lên tới 7,4 triệu USD trong trường hợp không tuân thủ quy định.
Theo hãng tin Reuters, dự luật được xem là phép thử mạnh mẽ nhất đối với sự ảnh hưởng toàn cầu của các tập đoàn công nghệ và là bước ngoặt sau 3 năm điều tra và tham vấn tại Úc. Phản ứng động thái của Úc, các tập đoàn công nghệ của Mỹ hồi tháng 8 cảnh báo có thể ngừng cung cấp dịch vụ của họ tại nước này. Google và Facebook chiếm khoảng 61% doanh thu quảng cáo trực tuyến bất chấp sử dụng phần lớn nội dung từ các hãng truyền thông. Theo ông Frydenberg, có sự mất cân bằng giữa quyền đàm phán giữa Google, Facebook và truyền thông khi nội dung do nhà báo sản xuất và được các công ty truyền thông sở hữu lại hiển thị trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm mà hầu như không có thỏa thuận nào liên quan đến kiếm tiền từ dữ liệu và nội dung đó.
Hồi tháng 10, Google tiết lộ kế hoạch trả 1 tỉ USD cho các tập đoàn truyền thông, hãng tin, báo chí toàn cầu để sử dụng tin tức của họ trong 3 năm tới. Sản phẩm tin tức mới của Google có tên Google News Showcase sẽ ra mắt đầu tiên tại Đức và ông trùm công nghệ này đã thỏa thuận về bản quyền tin tức với các báo Der Spiegel, Stern, Die Zeit, đồng thời làm điều tương tự với các tờ báo Folha de S.Paulo, Band và Infobae ở Brazil.
Google tháng trước cũng cho biết đã ký thỏa thuận bản quyền với 6 tờ báo, tạp chí của Pháp. Dự án này sẽ được triển khai tại Bỉ, Ấn Độ, Hà Lan và các quốc gia khác. Khoảng 200 cơ quan truyền thông ở Argentina, Úc, Anh, Brazil, Canada và Đức cũng đã đăng ký sản phẩm này. Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai cho biết đây là cam kết tài chính lớn nhất cho đến nay của họ, Google sẽ trả tiền cho các nhà xuất bản để tạo và quản lý những nội dung chất lượng cao cho một loại trải nghiệm tin tức trực tuyến mới. Google News Showcase cho phép các nhà xuất bản chọn và trình bày câu chuyện của họ để được phát hành trong Google News trên thiết bị Android trước và theo sau là thiết bị của hãng Apple.
Biểu tượng của 4 tập đoàn công nghệ lớn tại Mỹ Ảnh: REUTERS
Mặt trái của sự phụ thuộc
Theo tờ Business Insider, nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý đã bắt đầu kêu gọi cải cách và xem xét lại luật chống độc quyền để giải quyết không chỉ vấn đề các công ty công nghệ lớn chiếm lĩnh thị phần mà còn cả việc cơ sở hạ tầng tập trung của họ gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Sự cố gián đoạn hoạt động trên toàn cầu của Google kéo dài 1 giờ hôm 14-12 cho thấy tác hại của việc tập trung sức mạnh cơ sở hạ tầng vào những gã công nghệ khổng lồ. Hệ thống xác thực của Google ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến hầu hết các dịch vụ của Google đòi hỏi người dùng phải đăng nhập, gồm Gmail, Drive, YouTube. Google hồi tháng 10 xác nhận có 2,6 tỉ người dùng hằng tháng các ứng dụng, trong đó có 6 triệu tài khoản doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, chính phủ.
Gián đoạn dịch vụ là chuyện phổ biến nhưng sự cố ở quy mô và phạm vi như hôm 14-12 là hiếm thấy. Google cũng không phải công ty công nghệ duy nhất gặp phải những sự cố gián đoạn quy mô lớn. Hồi tuần trước, sự cố gián đoạn ứng dụng tin nhắn messenger của Facebook cũng làm tê liệt chức năng nhắn tin của ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram do tích hợp cơ sở hạ tầng chung gần đây.
Những sự cố trên là lời cảnh báo rõ ràng nhất về việc thế giới internet đang trở nên phụ thuộc thế nào vào sức mạnh cơ sở hạ tầng hợp nhất của những gã công nghệ khổng lồ. Những sự cố gián đoạn cho thấy tác động tiêu cực của việc tập trung vào các công ty công nghệ độc quyền không chỉ vấn đề về giá cả, cạnh tranh mà còn là lỗ hổng hệ thống mà người dùng đang phụ thuộc.
Thâu tóm để thống trị
Facebook mua lại 70 công ty trong 15 năm qua, nổi bật là hai vụ thâu tóm ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram 1 tỉ USD năm 2012 và ứng dụng nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỉ USD năm 2014.
Theo hãng tin Reuters, Facebook có thể buộc phải bán 2 ứng dụng WhatsApp và Instagram sau khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và gần 50 bang hôm 9-12 đệ đơn kiện đại gia công nghệ này sử dụng chiến lược "mua hoặc chôn vùi" để bắt kịp đối thủ lớn và kìm chân đối thủ nhỏ hơn.
NLĐ