Phá Vạn Lý Trường Thành để làm... lối đi tắt
Hai người Trung Quốc đã bị bắt để điều tra về cáo buộc làm hư hại một phần của Vạn Lý Trường Thành ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây bằng máy xúc.
- 01-05-2023Chùm ảnh: Biển người mênh mông trong kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành kẹt cứng người "check-in"
- 22-02-2023Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành tốn bao nhiêu: Quy đổi ra tiền hiện đại, chi phí lớn gấp 13 lần dự án “siêu mặt trăng” của Dubai
- 23-12-2022Vạn Lý Trường Thành cao chưa tới 8m, người khỏe dễ vượt qua, vậy nó có thể ngăn điều gì?
Thông tin trên do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa ra vào ngày 4-9.
Theo thông tin tài khoản chính thức ứng dụng Wechat của Văn phòng công an huyện Hữu Ngọc, vào khoảng 16 giờ 20 phút ngày 24-8 (giờ địa phương), chính quyền huyện Hữu Ngọc cho biết họ nhận được báo cáo có một khoảng trống đã được mở ra trên bức tường Vạn Lý Trường Thành ở thị trấn Dương Thiên Hà.
Khi nhận được tin báo, đội Điều tra hình sự đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Sau khi kiểm tra dấu vết tại hiện trường, bước đầu cảnh sát xác định Vạn Lý Trường Thành bị hư hỏng do đào bới bằng máy móc cỡ lớn.
Tuần tra tuyến đường, cảnh sát phát hiện một người đàn ông 38 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi đã dùng máy xúc phá thủng bức tường Vạn Lý Trường Thành để mở đường tắt đi xuyên qua.
Khu vực được cho là do hai người dân ở Sơn Tây gây ra. Ảnh do Công an huyện Ngọc Hữu công bố ngày 31-8. Ảnh: guancha
Đoạn Vạn Lý Trường Thành bị phá để làm lối đi tắt. Ảnh: guancha
Hiện hai nghi phạm đã bị tạm giữ và vụ việc đang được tiếp tục điều tra.
Nhà chức trách cho biết hành động của hai người dân đã gây thiệt hại "không thể cứu vãn", làm mất đi sự nguyên vẹn, an toàn của phần công trình tường thành tại đây.
Theo đài CNN, khu vực này được gọi là Vạn Lý Trường Thành thứ 32, là một trong những bức tường và tháp canh hoàn chỉnh còn sót lại có từ thời nhà Minh (1368-1644) và được liệt kê là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Vạn Lý Trường Thành được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới vào năm 1987.
Theo báo chí Trung Quốc, đây không phải là lần đầu Vạn Lý Trường Thành bị phá hỏng. Khoảng 30% của Vạn Lý Trường Thành đã biến mất theo thời gian do các điều kiện tự nhiên bất lợi cũng như là do người dân quanh đó lấy cắp gạch để xây nhà.
Chẳng hạn vào năm 2016, dân làng ở khu vực phía Bắc của thủ đô Bắc Kinh, nơi có phần tường Vạn Lý Trường Thành, đã lấy trộm gạch và những tấm khắc lịch sử để bán cho du khách với giá 30-50 tệ (33.000 - 166.000 đồng).
Không chỉ vậy, nhiều khu vực của Vạn Lý Trường Thành bị hư hại nghiêm trọng do xói mòn. Nhiều bức tường thành bị bong tróc, lộ ra từng mảng đất.
Trước tình trạng báo động nghiêm trọng của di tích lịch sử này, Quỹ bảo tồn Di sản Văn hóa Trung Quốc đã phát động chiến dịch quyên góp tiền để bảo tồn những tường thành bị xuống cấp. Những nhà tổ chức cũng hy vọng chiến dịch sẽ giúp nâng cao nhận thức công chúng về việc có nhiều mối đe dọa đang tác động tới Vạn Lý Trường Thành.
Người Lao động