MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải có chế tài đủ mạnh

23-12-2016 - 14:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Những vấn đề nghiêm trọng như tung tin đồn gây hoang mang lo lắng, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xã hội, hoàn toàn có thể quy tội hình sự. Ví như tung tin đổi tiền vừa qua có thể quy vào tội phá hoại kinh tế theo Bộ luật Hình sự.

Theo nhận định của luật sư Trương Thanh Đức, người dân Việt Nam nhẹ dạ cả tin nên dễ tin vào những điều không có căn cứ. Họ thấy lo lắng khi quyền lợi, cuộc sống của mình có thể bị ảnh hưởng nếu tin đồn đó là sự thật. Vì thế họ cứ chạy theo đám đông để ít nhất là yên tâm về mặt tâm lý.

Theo ông, làm thế nào để hạn chế việc người dân, nhà đầu tư chạy theo tâm lý bầy đàn?

Có hai vấn đề ở đây, nếu nhà đầu tư (NĐT) chuyên nghiệp, quá sành sỏi đương nhiên họ có tính toán theo cách riêng, thậm chí đi ngược dư luận, số đông. Số người còn lại, tôi nghĩ chắc không tránh được tâm lý bầy đàn. Hiện, có những vấn đề rủi ro rõ ràng và được cảnh báo nhưng do vẫn có người may mắn kiếm lợi được dù là rất ít nên người dân vẫn cứ theo tâm lý đám đông. Mà lẽ thường những người chậm chân thường bị thua thiệt vì họ không có cơ sở, căn cứ gì có thể thắng được trong cuộc đua tin đồn, số đông như vậy. Điều này không chỉ có lĩnh vực tài chính mà kể cả các lĩnh vực khác như ăn uống, giải trí…

Để giảm thiệt hại cho mình, trước khi định đầu tư thì người dân, NĐT phải cân nhắc trên nhiều yếu tố, khả năng tài chính của mình có theo được hay không. Vì đã có nhiều bài học đắt giá về đầu tư theo tin đồn, đám đông trong thời gian qua. Nếu NĐT, người dân vẫn cố chạy theo đương nhiên dẫn đến rủi ro, thua thiệt, thậm chí mất trắng như hoạt động đầu tư đa cấp, huy động vốn lãi suất cao…

Nhưng tôi cho rằng, vai trò của thông tin rất quan trọng trong việc hạn chế tâm lý đám đông. Mọi thông tin nhanh nhất, trung thực nhất cần được truyền tải kịp thời, một cách chính thống khi có sự việc xảy ra để định hướng dư luận, đảm bảo người dân tin tưởng chính sách. Nếu làm chậm sẽ “để đất” cho tin đồn, còn không chính xác thì thành “nuôi sống” tin đồn. Vì thế, vai trò của báo chí, đặc biệt báo chí chính thống cần phải đề cao trách nhiệm trong việc này.

Theo ông, cần có chế tài thế nào đủ sức răn đe đối với những người tung tin thất thiệt?

Có hai câu chuyện xử phạt đang được dùng phổ biến đó là hành chính và xử phạt hình sự tùy theo mức độ nặng, nhẹ. Những vấn đề nghiêm trọng như tung tin đồn gây hoang mang lo lắng, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xã hội, hoàn toàn có thể quy tội hình sự. Ví như tung tin đổi tiền vừa qua có thể quy vào tội phá hoại kinh tế theo Bộ luật Hình sự. Còn nếu vụ việc nhẹ hơn thì xử lý hành chính.

Theo tôi phải tăng mức xử phạt ở mức tương đối. Vì nếu chỉ vài trăm nghìn không ai quan tâm mà phải phạt tiền triệu có thể là chục triệu mới có thể hạn chế, răn đe những người tung tin đồn để đùa cợt nhưng tác hại là gây tâm lý bất ổn cho xã hội.

Năm 2017, trong các kênh đầu tư đang phổ biến như tiết kiệm, chứng khoán… theo ông, kênh nào sẽ “hút khách”?

Điều này còn phụ thuộc vào năng lực, sở trường, cơ hội, số tiền, độ trượt giá… Nhiều tiền đầu tư kiểu khác, còn người ít tiền lại có kênh đầu tư khác phù hợp hơn. Xét trên mọi khía cạnh, mọi người có thể thấy kênh tiết kiệm sẽ chiếm ưu thế hơn là kênh chứng khoán, bất động sản. Nhưng nguyên tắc chung của đầu tư là muốn lợi nhuận cao thường phải đi vào những lĩnh vực rủi ro cao. Còn cái gì an toàn, chắc chắn thì lợi nhuận thấp như gửi tiết kiệm, mua trái phiếu…

Theo tôi, cần phải khuyến khích phong trào khởi nghiệp, góp vốn thành lập DN, đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm, của cải mới thực sự mang lại giá trị bền vững lâu dài cho xã hội. Đây là những vấn đề cần tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Huyền thực hiện

Thời Báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên