Phải có chính sách cho vay ưu đãi
Các quỹ cho vay phải có chính sách hỗ trợ người lao động cụ thể hơn, cho vay dài hạn hơn từ 25-35 năm thì các đối tượng thu nhập thấp mới tiếp cận được NƠXH
Ông LÊ VĂN NGHĨA, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Sớm có nghị quyết để làm nhà ở cho công nhân
Hiện quá trình triển khai các thiết chế Công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc. Tổng LĐLĐ Việt Nam đứng ra làm các thiết chế văn hóa để có nơi cho người lao động có khu vui chơi, thể dục thể thao và kết hợp với nhà đầu tư làm dự án nhà ở thì sẽ đồng bộ, giúp công nhân ổn định chỗ ở và nâng cao đời sống. Tuy nhiên, thực tế đang vướng vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, thủ tục đầu tư nhà ở công nhân cũng khá chậm trong khi nhà đầu tư muốn nhanh để tiết kiệm và sớm thu hồi vốn.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất cho Tổng LĐLĐ Việt Nam đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi chờ có hành lang pháp lý, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để thực hiện ngay nhằm đẩy nhanh tiến độ làm dự án nhà ở cho công nhân.
Ông TRƯƠNG ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Đột phá thủ tục đầu tư
Hiện nay, cơ chế, chính sách dành cho phát triển NƠXH rất tốt. Chính quyền dành 20% quỹ đất là rất lớn. Nhiều nơi, DN tự bỏ quỹ đất, tự đầu tư, giải phóng mặt bằng để làm NƠXH.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết như lãi suất cho vay để công nhân, người lao động có thể tiếp cận được. Với lãi suất 9%-10% thì công nhân, người lao động không thể mua được nhà. Chính phủ, ngân hàng, phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, cần đột phá về thủ tục đầu tư NƠXH, quỹ đất làm NƠXH, nhất là ở những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội…
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM: Quy định rõ trách nhiệm
Sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại điều 75 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về hình thức hỗ trợ NƠXH, trong đó quy định hỗ trợ vay vốn ưu đãi của nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định để mua, thuê mua hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa NƠXH. Việc luật hóa biện pháp hỗ trợ này chính là điểm sáng trong đợt sửa đổi Luật Nhà ở sắp tới, mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.
Để tạo điều kiện đầu tư phát triển NƠXH trong thời gian tới, nhà nước nên xem xét, xây dựng nội dung về mức vốn cho vay cũng như thời hạn cho vay theo hướng có lợi hơn cho người hưởng chính sách. Các gói tài chính nên kéo dài hơn, tối đa 20 năm hoặc 25 năm, với các mức hỗ trợ tối đa 80% hoặc 85% giá trị hợp đồng. Bởi nếu chờ tích lũy đủ tiền để mua, thuê mua NƠXH với mức giá như hiện nay, người có thu nhập thấp gần như không có cơ hội, trong khi đây lại là đối tượng chính cần được hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
Ngoài ra, ở nhiều nước có quy định về chính sách "đầu tư có trách nhiệm". Do đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng nên có quy định cụ thể trách nhiệm đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Cần phải thể hiện cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận. Việc quy định rõ trách nhiệm sẽ hạn chế tình trạng đùn đẩy dẫn đến không ai thực hiện.
Ông NGUYỄN VĂN THANH HUY, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC: Nhà ở xã hội không phải ban, tặng, cho
Tổng Công ty Becamex là đơn vị tiên phong trong phát triển NƠXH tại tỉnh Bình Dương. NƠXH là một sản phẩm nhà ở dành cho phân khúc người thu nhập thấp và trung bình, giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Nhà nước phải đóng vai trò để NƠXH có giá hợp lý, chứ không phải ban, tặng, cho…
Tất cả doanh nghiệp đều mong muốn đóng góp cho sự phát triển của địa phương, xã hội, trong đó có lĩnh vực NƠXH nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn… Vì thế, các gói kích cầu Chính phủ phải giải quyết được câu chuyện nguồn vốn. Các quỹ cho vay phải có chính sách hỗ trợ người lao động cụ thể hơn, cho vay dài hạn hơn từ 25-35 năm thì các đối tượng thu nhập thấp mới tiếp cận được NƠXH.
Thuê hay sở hữu NƠXH cũng là vấn đề nhiều người quan tâm. Thuê là vấn đề ban đầu nhưng sở hữu là vấn đề lâu dài. Muốn công nhân, người lao động sở hữu nhà ở thì phải có nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp.
Chị LÊ THỊ HẰNG, công nhân Công ty CCHTop-KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM): Mong tiếp cận nguồn vay lãi suất thấp
Tôi đang ở nhà trọ tại quận 7 (TP HCM), điều kiện không tốt nên rất muốn có được một căn NƠXH. Mức lương hiện nay 8 triệu đồng/tháng trong khi giá cả ngày càng leo thang, vì vậy cơ hội tiếp cận NƠXH ngày càng khó.
Tôi mong được tiếp cận nguồn vay lãi suất thấp để mua căn hộ có diện tích 45-50 m2, giá khoảng 1 tỉ đồng, trả trước 20% và trả góp mỗi tháng khoảng 3-4 triệu đồng.
Cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ chức hội thảo về chủ đề này và tạo điều kiện cho tôi tham gia để nói lên nguyện vọng của mình và của nhiều công nhân, người lao động.
Người lao động