MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải vay tiền lãnh đạo trả nợ trái phiếu, TNH làm ăn ra sao?

31-08-2022 - 12:48 PM | Doanh nghiệp

Công ty CP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HoSE: TNH) vừa ra Nghị quyết HĐQT thông qua việc vay vốn thành viên HĐQT để trả nợ trái phiếu đã phát hành năm 2020.

Theo đó, HĐQT TNH thông qua việc vay vốn của 4 thành viên với số tiền là hơn 92 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu đã phát hành năm 2020. Thời hạn vay là 12 tháng với mức lãi suất bằng lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng BIDV.

Phải vay tiền lãnh đạo trả nợ trái phiếu, TNH làm ăn ra sao?  - Ảnh 1.

Công ty CP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên phải vay tiền lãnh đạo để trả nợ trái phiếu đến hạn.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên cho vay 35,62 tỷ đồng, Uỷ viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thuỷ cho vay 35 tỷ đồng, Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Tân cho vay 11,4 tỷ đồng và Uỷ viên HĐQT Nguyễn Xuân Đôn cho vay 10 tỷ đồng.

Lý do vay được TNH nêu ra là do hồ sơ phát hành cổ phiếu theo phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ tại tờ trình của HĐQT công ty ngày 18/5/2022 đã được thông qua theo Nghị quyết 551 ngày 20/5/2022 của ĐHĐCĐ công ty đến nay chưa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phê duyệt, trong khi ngày 01/09/2022 là ngày đáo hạn trái phiếu đã phát hành năm 2022. Do đó, công ty cần huy động nguồn vốn hợp pháp khác để trả nợ cho các trái chủ khi đến hạn.

Trước đó, TNH cũng lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 25,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động được dự kiến 518 tỷ đồng sẽ được TNH sử dụng để Đầu tư xây mới Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên (342 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và trả nợ gốc trái phiếu đến hạn (176 tỷ đồng).

Ngoài ra, TNH cũng sẽ phát hành ESOP tối đã 4,82% lượng cổ phiếu lưu hành tương ứng 2,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Thời gian thực hiện sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và UBCKNN chấp thuận chào bán, dự kiến từ quý II - IV/2022 hoặc quý I/2023. Nếu thực hiện thành công các phương án phát hành trên, vốn điều lệ của TNH dự kiến sẽ tăng từ 519 tỷ đồng lên 907 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, quý II/2022, TNH ghi nhận doanh thu thuần đạt 118,5 tỷ đồng, tăng 8,79% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 8,57%, lên mức 57,8 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 3,68%, lên mức 9,9 tỷ đồng. Kết quả, TNH ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 38,2 tỷ đồng; tăng 10,69% so với cùng kỳ.

Theo giải trình, lợi nhuận sau thuế TNDN quý II/2022 tăng 10,69% so với quý II/2021 do ảnh hưởng của các yếu tố doanh thu tăng 8,79% do Công ty đã hoàn thành việc đầu tư mở rộng bệnh viện tại tỉnh Thái Nguyên nên phụ vụ được thêm nhiều nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và khu vực lân cận.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, TNH ghi nhận doanh thu đạt 207,5 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 54,35 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, TNH đặt mục tiêu doanh thu 433 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, đều tăng khoảng 5% so với thực hiện 2021. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, TNH đã thực hiện được 47,92% chỉ tiêu doanh thu và 36,22% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Phải vay tiền lãnh đạo trả nợ trái phiếu, TNH làm ăn ra sao?  - Ảnh 2.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu TNH.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, TNH ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh chính đạt dương gần 38 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ ghi nhận dương gần 63 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 36,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm hơn 16 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của TNH tăng 3,2% so với đầu năm lên 1.326 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt hơn 944 tỷ đồng, chiếm 71,2% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền đạt gần 119 tỷ đồng, chiếm 9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 91 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Ngoài ra, tính tới cuối quý II, Công ty đang đầu tư hơn 43 tỷ đồng vào CTCP Bệnh viện Sản Nhi Quốc tế TNH (chiếm 48% vốn điều lệ, vốn điều lệ 90 tỷ đồng) và 31,5 tỷ đồng CTCP Bệnh viện Mắt Quốc tế TNH (chiếm 45% vốn điều lệ, điều lệ 70 tỷ đồng). Hiện tại, hai công ty trên vẫn đang trong quá trình xin cấp phép, chưa đi vào hoạt động.

Theo Chứng khoán SSI, năm 2022 tăng trưởng của TNH sẽ chưa có nhiều bứt phá do bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội trong quý 1 vì biến chủng Omicron, và mức nền so sánh có phần cao của quý 3 và quý 4 năm ngoái vì doanh thu của các dịch vụ xét nghiệm Covid được dự báo sẽ không đóng góp đáng kể trong năm nay.

Tuy nhiên, SSI cho rằng, triển vọng của TNH từ năm 2023 trở đi đang trở nên hấp dẫn hơn, nhờ vào các yếu tố: Làn sóng nhân viên y tế cân nhắc chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư; Đầu tư FDI có sự đột biến trong giai đoạn 2022-2023 ở tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang; Chính phủ Việt Nam mở thêm ưu đãi để khuyến khích xây dựng thêm bệnh viện nhằm tăng tốc độ đô thị hóa; Số lượng các thương vụ M&A cùng với định giá ngành bệnh viện đang tăng lên trong thời gian gần đây.

Mặc dù vậy, các chuyên gia của SSI cũng chi ra một số rủi ro đầu tư cần lưu ý: Một là, rủi ro pháp lý. Theo SSI, môi trường pháp lý trong ngành bệnh viện liên tục thay đổi gần đây và khó dự đoán do Chính phủ đang nỗ lực cải cách các bệnh viện công và giải quyết các vấn đề pháp lý hiện có trong ngành y tế. Đồng thời, thủ tục hành chính trong việc thành lập bệnh viện còn rườm rà, phức tạp, và điều này có thể làm cho tiến độ thành lập Bệnh viện sản phụ TNH và Bệnh viện Việt Yên bị chậm trễ hơn so với kế hoạch trước đây. Những thay đổi khác cũng có thể xảy ra đối với các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến triển vọng của công ty.

Hai là, rủi ro bùng phát đại dịch. SSI cho rằng, trong những năm gần đây, bên cạnh đại dịch COVID-19 toàn cầu, ngày càng có nhiều bệnh truyền nhiễm được đánh giá ở tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đối với các bệnh truyền nhiễm, các bệnh viện không chỉ phải chịu gánh thêm gánh nặng về công suất giường bệnh, chi phí y tế mà còn có thể phải đối mặt với tình trạng giảm mạnh số lượt khám bệnh do bệnh nhân lo sợ bị lây nhiễm, như trong đợt bùng phát COVID-19 trước đây.

Ba là, rủi ro về quản trị công ty. Theo SSI, mặc dù công ty đã cải thiện đáng kể các thông lệ quản trị công ty. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm TNH cần phải cải thiện, chẳng hạn như sử dụng các công ty kiểm toán Big 4 để tăng cường minh bạch tài chính, tránh các kế hoạch ESOP đột ngột. Đồng thời, áp dụng chế độ thưởng ổn định hơn cho cấp quản lý công ty, và tăng cổ phần kiểm soát tại Bệnh viện Mắt & Phụ sản như đã thống nhất trong nghị quyết ĐHCĐ năm 2021.

Theo Đình Đại

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên