Phạm Công Danh đổ lỗi cho Hứa Thị Phấn
Cuối phần xét hỏi vụ án thiệt hại 6.126 tỉ đồng tại VNCB, các bên vẫn nói nhiều đến số tiền 4.500 tỉ đồng chứ không phải mức án tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên.
- 14-12-2018Phạm Công Danh: 'Chúng tôi chỉ là người giải quyết hậu quả'
- 14-12-2018Xử phúc thẩm Phạm Công Danh: Đề nghị thu hồi “sạch” tiền chuyển cho Hứa Thị Phấn
- 13-12-2018Phạm Công Danh mất bình tĩnh khi nói về 4.500 tỉ đồng
Ngày 14-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay gọi là CB Bank).
Rắc rối với 4.500 tỉ đồng
Ở phần xét hỏi, đại diện CB Bank cho rằng khi các bên góp vốn vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ nhưng tăng không thành công thì đây là quan hệ giao dịch dân sự. Theo CB Bank, Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá 0 đồng lúc đó vốn điều lệ hơn 3.000 tỉ đồng. CB Bank cho rằng ông Danh nộp tiền vào ngân hàng và đã sử dụng hết, số tiền này ngân hàng dùng vào mục đích riêng, còn nội dung chi tiết thì sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận.
Luật sư (LS) của ông Danh hỏi CB Bank về đơn kháng cáo của ngân hàng này có nội dung số tiền 4.500 tỉ là nguồn tiền bị cáo sử dụng cho các sai phạm tiếp theo, trục lợi cá nhân. Vậy căn cứ nào chứng minh cho nội dung kháng cáo, chứng minh ông Danh rút để sử dụng riêng?
Trả lời, đại diện CB Bank cho rằng căn cứ cho nội dung kháng cáo đã trả lời rất nhiều lần và sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận. CB Bank cho rằng việc sử dụng 4.500 tỉ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng nên không xác định được cụ thể việc sử dụng số tiền này nhưng tất cả khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng đều có chứng từ rõ ràng.
Tại tòa, Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cho rằng hệ thống kiểm toán của ngân hàng rất cụ thể. Vì thế bị cáo không đồng ý với kết luận điều tra cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng đã hòa chung vào dòng tiền, không thể tách ra được. Khương đề nghị xem xét trả lại số tiền 4.500 tỉ đồng cho ông Danh.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: YẾN CHÂU
Đổ lỗi cho bà Hứa Thị Phấn
Cũng theo bị cáo Khương, bản án sơ thẩm đã xác định khi tái cơ cấu thì ngân hàng âm 18.000 tỉ đồng nhưng chưa xác định số tiền âm này do ông Danh hay bà Hứa Thị Phấn gây ra. Trong vụ án Hứa Thị Phấn, tòa tuyên buộc bà Phấn bồi thường nên cần xem xét cấn trừ số tiền này vào tổng số tiền âm vốn. Theo Khương, xử vụ bà Phấn sau vụ ông Danh gây bất lợi cho các bị cáo. Nếu giải quyết được hậu quả của bà Phấn, lấy tiền giải ngân cho các khoản vay thì sẽ không âm vốn mà còn tạo lợi nhuận cho CB Bank.
Tại tòa, ông Danh cho rằng do áp lực tăng vốn điều lệ nhằm đưa ngân hàng đi lên nên mới phạm tội. “Hậu quả là do bà Phấn gây ra, chúng tôi (ý nói ông và nhân viên ngân hàng - PV) chỉ là những người giải quyết hậu quả. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác vì đã quá tin tưởng vào chúng tôi, vào đề án tái cơ cấu” - ông Danh nói.
Ông Danh tiếp tục nhắc lại việc đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền mà bị cáo này cho là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Bị cáo đề nghị thu hồi để khắc phục hậu quả, đây là tình tiết giảm nhẹ cho mình cũng như các bị cáo khác. Tuy nhiên, sau đó HĐXX nhắc nhở kháng cáo của ông Danh là xin giảm nhẹ cho các bị cáo khác chứ không xin giảm nhẹ cho mình.
Khi LS bảo vệ cho BIDV hỏi ông Danh về việc cấp sơ thẩm buộc hai chi nhánh của BIDV phải trả lại số tiền hơn 1.600 tỉ đồng cho VNCB thì ông Danh nói tôn trọng phán quyết của tòa sơ thẩm. Theo ông Danh, LS của ông đã đề nghị làm việc với BIDV để giải quyết các khoản nợ và khi thu hồi được tiền thì ông sẽ có căn cứ làm việc với BIDV, không để BIDV bị thiệt hại...
Trong khi bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) trình bày số tiền hơn 3.600 tỉ đồng ông Danh trả cho bà Phấn (mua tài sản tại Ngân hàng Đại Tín nhưng không nhận được tài sản), hiện CB đang giữ cả tiền và tài sản. Theo bị cáo, đây là vấn đề mấu chốt của vụ án khi bà Phấn đã phá vỡ sự thỏa thuận của hai bên. Quan điểm của bị cáo là CB Bank có trách nhiệm hoặc trả lại tiền hoặc trả lại tài sản cho ông Danh.
HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, sáng thứ Hai (17-12) sẽ bắt đầu phần tranh luận.
Bật khóc vì bị kháng nghị không cho hưởng án treo
Tại tòa, trả lời các câu hỏi của LS bảo vệ, hai bị cáo Hồ Thị Đi và Nguyễn Tấn Thành đều kể rằng khi biết bị VKS kháng nghị không cho hưởng án treo rất hoang mang, lo sợ vì không biết như thế nào. Tại tòa, Thành nêu một số tình tiết giảm nhẹ, mong HĐXX xem xét như được Hội Chữ thập đỏ tặng bằng khen, bị cáo là con liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng...
Bị cáo Đi thì bật khóc tại tòa, giọng nói run rẩy, nghẹn ngào, hai tay nắm chặt vào nhau. Bị cáo Đi trình bày: "Khi cấp sơ thẩm cho bị cáo án treo, bị cáo rất mừng. Bị cáo có hai con nhỏ nên nếu được hưởng án treo sẽ có thời gian lo cho con. Hiện nay bị cáo là lao động chính trong gia đình, chồng bị cáo thì đang thi hành án ở tỉnh Bình Định nên mong HĐXX xem xét".
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh