Phàm những người thành công đều có chung 2 đặc điểm tính cách này
Nhiều người trong số chúng ta mặc định rằng “thông minh vốn sẵn tính trời”, cho nên ông trời cho sao thì chịu vậy. Ông trời muốn mình giỏi giang thì mình được phép giỏi giang, còn bằng không thì có...
Làm ơn đi, đó chỉ là một cách để tự "ru ngủ" bản thân mà thôi. Theo lời của Thomas Edison thì thiên tài cũng chỉ có 1% là cảm hứng, còn lại tới 99% là mồ hôi. Cần cù bù thông minh, nếu bạn không tin, hãy cứ thử đi sẽ biết!
1. Ý thức phát triển tư duy và theo đuổi sự tìm tòi
Đừng bao giờ tỏ ra hời hợt với các vấn đề xung quanh bạn. Nếu vì thiếu hiểu biết mà bạn cố lờ đi, né tránh, hoặc bỏ qua… thì bạn luôn luôn nhận về những lỗ hổng kiến thức.
Mà tất nhiên, theo thời gian, việc không tự giác "trám" kiến thức vào chỉ khiến cho lỗ hổng của bạn trở nên to hơn mà thôi. Đừng để một ngày nào đó khi nhìn lại bỗng thấy mình rỗng tuếch!
Trong khi đó, một số người sẽ chọn cách tranh luận đến cùng để tìm ra cốt lõi của vấn đề. Họ có thể đúng, hoặc sai. Nhưng quan trọng là qua quá trình thảo luận cùng sếp cũng như đồng nghiệp của mình, họ sẽ nhận về những luồng ý kiến phản hồi khác nhau. Và chắc chắn rồi, đó là những gì họ sẽ học được.
Kiến thức không tự nhiên sinh ra đã có, mà chính là cả một quá trình bồi đắp. Nên nhớ, bất cứ ai sống cùng bạn, làm việc cùng bạn, đều có thể giúp bạn tiếp thu những biển trời kiến thức mới.
Cho nên, thay vì phó mặc cho số phận, hãy học hỏi từ xung quanh. Thái độ cầu thị tích cực của bạn mới chính là chìa khóa để dẫn đến sự tiếp thu thành công, ok?
Bên cạnh đó, bí kíp của những người vốn được cho là "thông minh", "nhanh nhạy" cũng chẳng có gì to tát ngoài việc: Luôn đặt câu hỏi tại sao?
Bạn lại đang hỏi tại sao đấy ư? Chính là khi người khác chỉ học một, bạn nhất định phải tìm hiểu tận cùng cho tới mười. Việc tìm tòi sâu rộng mọi vấn đề khiến kiến thức xung quanh bạn như một mạng nhện, ngày càng chăng nhiều tơ, ngày càng trở nên rộng lớn.
Cho đến một ngày, mọi thứ mà qua quá trình tìm tòi học hỏi của bạn có sự kết nối với nhau, bạn mới thấy rằng: Ồ, hóa ra mình cũng thông minh đấy nhỉ? Tất nhiên, lúc này thì chẳng ai cho rằng chỉ là ngẫu nhiên mà bạn thông minh cả!
2. Gặt thành công lớn từ những sai lầm nhỏ…
Thất bại là mẹ thành công, cho nên, bạn hãy cứ sai đi vì Tiên Tiên cho phép!
Đùa thôi, nói như vậy không có nghĩa là khuyến khích bạn thất bại hết lần này đến lần khác. Hãy học hỏi từ chính những lỗi sai của mình. Mỗi một lần vấp ngã là một kinh nghiệm mới. Những người mà bạn cho rằng họ tiếp thu nhanh thực chất là họ đã từng đi qua giai đoạn này.
Nghĩa là họ từng trải qua, nên khi gặp lại vấn đề đó, họ sẽ phân tích, suy luận một cách khá phức tạp để giải quyết chúng. Điều cốt lõi là họ sẽ né ra những gì sai lầm mà họ đã từng gặp trong quá khứ.
Vậy nên, dù cho mỗi người có một con đường đi khác nhau, nhưng người ta hoàn toàn có thể dạy nhau cách đi sao cho đúng. Những người học nhanh hiểu rộng sẽ dạy bạn trân trọng những lỗi sai của mình.
Thay vì nản lòng, hãy đứng dậy và bước tiếp. Với một nguồn năng lượng mới, với hành trang kiến thức mới, bạn sẽ đạt được những gì mà mình mong muốn.
Nhạy cảm với những lỗi sai của mình sẽ đưa mỗi người đến với hai trạng thái cảm xúc khác nhau. Những người buông xuôi cam chịu là những người chỉ mãi mãi cúi đầu trước lượng kiến thức mới mẻ và khổng lồ từ cuộc sống.
Trong khi đó, những người dù ngã đau, sai lầm lớn, vẫn có thể vui vẻ lạc quan chính là những người sẵn sàng bắc loa lên để hô vang với cả thế giới rằng: Tôi sẽ vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình của mình!
Nào, bạn chọn đi, bạn là người hèn nhát cúi đầu hay là người dù có ngã đến sứt đầu mẻ trán vẫn ung dung?
Và nên nhớ, đừng lãng quên con ong chăm chỉ trong bạn
Chính là 99% còn lại của sự thành công được gói gọn trong đó. Kể cả khi bạn không có được 1% sẵn có, thì bạn cũng còn cả đời để cày cuốc đem về cho mình số phần trăm dẫn tới thành công lớn nhất có thể. Chỉ cần bạn chăm chỉ!
Hãy nghĩ đơn giản rằng, khi người khác dành một khoảng thời gian nhất định để học hỏi, thì bạn không cố định việc học của mình. Học bất cứ đâu, về bất kỳ điều gì, miễn là bạn thấy có ích. Và khi người khác kê cao gối ngủ, thậm chí bạn lại phải kê cao sách để tiếp tục học.
Đương nhiên sự lựa chọn là do bạn. Nhưng nên nhớ, bạn không thể xây nên tòa thành trên một nền tảng ọp ẹp. Kiến thức là vôi vữa, là từng viên gạch để đặt những nền móng đầu tiên. Bạn có muốn tòa lâu đài của bạn giống như những bong bóng xà phòng, nhìn xa thì đẹp nhưng kỳ thực chạm nhẹ là tiêu tan?
Nếu câu trả lời là không, vậy thì chẳng còn gì để bàn cãi ngoài việc chăm chỉ hơn nữa. Và thay vì kêu ca hay tị nạnh với bất cứ con sâu lười nhác nào, hãy cổ vũ tinh thần cho chú ong thợ cần mẫn bên trong bạn.
Kiến thức là cho bạn, thành công là cho bạn. Nếu hôm nay bạn dám thách thức sự sợ hãi, dám thách thức sự biếng nhác của bản thân, thách thức cả sức mạnh của sáng tạo tìm tòi… thì ngày mai thành công sẽ hô tên bạn. Còn nếu không, thì bạn chỉ còn cách chấp nhận bài ca muôn thuở về "con nhà người ta", nhé!
Trí Thức Trẻ/ Kênh 14