MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phấn đấu để hạnh phúc không có nghĩa là né tránh khổ đau, bình tĩnh trước mọi biến cố của cuộc đời, vượt qua và trưởng thành hơn mới là hạnh phúc thực sự

25-01-2018 - 07:13 AM | Sống

Trong cuộc đời, không có ai là “vô nạn”. Song những gian nan, khó khăn và bi kịch cuộc đời (hữu nạn) khi ập đến đôi khi lại là những thử thách và chất xúc tác cho những thay đổi lớn lao để có hạnh phúc đích thực và dài lâu hơn.

Trên hai thập kỷ qua, trào lưu tâm lý học tích cực đã rọi sáng nghiên cứu tâm lý bằng khoa học về hạnh phúc, sự phồn thịnh và tiềm năng con người. Trào lưu này cho rằng các nhà tâm lý cần nghiên cứu không chỉ về tâm bệnh mà còn về điều khiến cuộc sống đáng sống.

Martin Seligman, cha đẻ học thuyết tâm lý học tích cực, mô tả hạnh phúc là trải nghiệm những cảm xúc tích cực thường trực, như niềm vui, sự phấn khởi, hài lòng cùng với những cảm xúc sâu lắng hơn về ý nghĩa và mục đích. Điều đó nói lên tư duy tích cực trong hiện tại và cái nhìn lạc quan về tương lai. Điều quan trọng là các chuyên gia về hạnh phúc đã cho rằng hạnh phúc không phải là một đặc tính nhất thành bất biến, ổn định mà là sự linh hoạt chúng ta cần tìm kiếm và hướng tới.

Theo bà Lowri Dowthwaite, Giảng viên bộ môn Can thiệp Tâm lý thuộc trường Đại học Central Lancashire (Anh), phấn đấu để có một cuộc đời hạnh phúc là một cái đích, song sẽ không thực tế nếu cố gắng để luôn luôn hạnh phúc.

Các công trình nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tính mềm dẻo trong tâm lý là yếu tố chính để có được sự hạnh phúc và trạng thái thân tâm an lạc hơn. Ví dụ, thái độ cởi mở để đón nhận các cung bậc tình cảm và khả năng vượt qua những giai đoạn gian nan có thể cho phép chúng ta tiến tới sự tồn tại giàu có và ý nghĩa hơn.

Các công trình nghiên cứu cho thấy rằng chính thái độ và cách chúng ta vượt qua các hoàn cảnh sống tác động nhiều hơn đến hạnh phúc của chúng ta hơn là những bi kịch cuộc đời. Việc trải qua stress, nỗi buồn, sự lo âu trong thời hạn ngắn không có nghĩa là chúng ta không thể hạnh phúc dài lâu.

Phấn đấu để hạnh phúc không có nghĩa là né tránh khổ đau, bình tĩnh trước mọi biến cố của cuộc đời, vượt qua và trưởng thành hơn mới là hạnh phúc thực sự - Ảnh 1.

Hai thể dạng hạnh phúc

Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã phân loại hai thể dạng hạnh phúc, đó là hedoinism (chủ nghĩa khoái lạc) và eudaimonism (phúc từ hạnh). Những người theo chủ nghĩa hedoinism tin rằng để sống đời hạnh phúc, chúng ta cần phải tối đa hóa niềm vui và tránh khổ đau. Theo triết lý sống này, an lạc có được từ sự thỏa mãn các nhu cầu và niềm vui mang tính vật chất, song trên thực tế điều này thường ngắn ngủi.

Ngược lại, chủ nghĩa eudaimonic có tầm nhìn dài hạn hơn. Triết lý sống này cho rằng chúng ta cần sống chân thật và vì điều gì đó cao cả. Chúng ta cần sống ý nghĩa và phát huy mặt mạnh của mình thông qua lòng từ bi, sự công bằng, sự chân thành và dũng cảm.

Nếu chúng ta muốn hạnh phúc theo chủ nghĩa hedoinism, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm những thú vui và trải nghiệm mới để niềm hạnh phúc được thăng hoa. Chúng ta cũng sẽ cố gắng hạn chế tối đã những cảm xúc đau đớn và không dịu êm để giữ vững niềm vui.

Tuy nhiên, nếu theo chủ nghĩa eudaimonism, chúng ta sẽ phấn đấu tìm kiếm ý nghĩa, sử dụng các mặt mạnh của mình để đóng góp vì một điều gì cao cả hơn chính bản thân mình. Điều này có thể bao gồm những trải nghiệm không dịu êm và những cảm xúc ở nhiều thời điểm song thường dẫn tới mức niềm vui và hài lòng sâu sắc hơn. Vì vậy, sống một cuộc đời hạnh phúc là không có nghĩa là né tránh, buông xuôi hay tiêu cực trước những bi kịch của cuộc đời, mà là thái độ tích cực và biết cách vượt qua để trưởng thành hơn từ đó.

Trưởng thành từ nghịch cảnh

Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy trải qua sự bất hạnh trên thực tế có thể tốt cho chúng ta và tùy vào cách chúng ta nhìn nhận và xử lý nó. Chịu đựng sự đau khổ có thể khiến chúng ta bền bỉ, kiên cường hơn và giúp chúng ta dám hành động trong cuộc sống của mình, như thay đổi công việc hay chấp nhận thử thách và vượt qua khó khăn.

Phấn đấu để hạnh phúc không có nghĩa là né tránh khổ đau, bình tĩnh trước mọi biến cố của cuộc đời, vượt qua và trưởng thành hơn mới là hạnh phúc thực sự - Ảnh 2.

Trong các công trình nghiên cứu những người trải qua chấn thương tâm lý, nhiều người mô tả trải nghiệm đó là chất xúc tác để họ có những thay đổi và chuyển mình lớn lao, dẫn tới một hiện tượng được biết đến là “tăng trưởng hậu chấn thương tâm lý”. Thường thì, khi những người đã vấp phải khó khăn, bệnh tật hay mất mát, họ mô tả cuộc sống của họ sau đó hạnh phúc và ý nghĩa hơn bởi mỗi khó khăn trong cuộc đời đều đem lại một bài học và giá trị nhất định. Và đó chính là lý do chúng ta cần có thái độ hàm ơn cuộc đời.

Khác với cảm giác hạnh phúc vật chất ngắn ngủi, việc theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc hơn là một quá trình trưởng thành cá nhân thông qua việc tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Nó bao hàm việc chấp nhận những thăng trầm vốn có trong đời người, mang trong mình thái độ tích cực, vượt qua những cảm xúc đau buồn để đạt được mọi tiềm năng của bản thân.

Xuân Hương

The Conversation

Trở lên trên