MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân khúc bất động sản nào đang xảy ra tình trạng cắt lỗ trên diện rộng?

31-10-2022 - 06:30 AM | Bất động sản

Phân khúc bất động sản nào đang xảy ra tình trạng cắt lỗ trên diện rộng?

Từng được mệnh danh là phân khúc đầu tư “vua”, mang đến khoản chênh khổng lồ cho những nhà đầu tư nhờ cơn sốt đất xuất hiện, đến thời điểm hiện tại, khi thị trường trầm lắng, thị phần đất nền, đất thổ cư đang ghi nhận tình trạng cắt lỗ.

Đã 7 tháng trôi qua, anh Quảng (môi giới khu vực Hà Đông, Chương Mỹ, Hà Nội) mới chốt thành công 2 giao dịch đất nền. Trong khi đó, 1 năm trước, trung bình mỗi tháng, anh Quảng môi giới thành công ít nhất 2 giao dịch. Thậm chí có thời điểm thị trường tốt, số lượng đất chuyển nhượng thành công lên tới con số 8.

“Nhà trong ngõ cũng chững. Nhưng đất nền, đất thổ cư càng khó thanh khoản. Vì đa phần người mua là để đầu cơ. Hiện tại, ngân hàng siết tín dụng. Việc vay tiền mua đất rất khó vì đây là sản phẩm mà phía ngân hàng không ưu tiên.

Tâm lý hiện tại của người mua cũng muốn đợi giá xuống mới vào tiền. Nhiều người cũng còn lo ngại khủng hoảng kinh tế nên họ không muốn giữ tiền mặt, không dám mạnh tay đầu tư”, anh Quảng cho hay.

Tùng, môi giới từng “nằm gai đếm mật” tại khu vực Láng Hoà Lạc cho biết, mấy tháng nay, văn phòng giao dịch gần như không có khách đến xem. Lượng người bán nhiều hơn lượng người mua. Nhiều người cần tiền gấp đang phải hạ giá để tìm khách. Một số khách cũng phải chấp nhận cắt lỗ.

Theo chia sẻ của Tùng, các điểm sốt nóng vùng ven như Ba Vì, Thạch Thất… đều chững lại. Đặc biệt, loại hình đất nền dự án, đất thổ cư rơi vào tình trạng “đóng băng”. Rất khó để nhà tư thoát được hàng vì nhu cầu của người mua cho mục đích đầu tư thấp. Nếu mua để xây nhà thì thực tế gần như hiếm người lựa chọn vì thủ tục xây dựng phức tạp. Chi phí nguyên vật liệu tăng khiến người mua nhà hạn chế.

Một báo cáo quý III/2022 của PropertyGuru đã cho thấy một bức tranh ảm đạm của thị trường đất nền phía Bắc khi giá đất và mức độ quan tâm của người tiêu dùng giảm mạnh so với quý trước.

Cụ thể, tại Hà Nội, giá đất nền và mức độ quan tâm ở huyện Quốc Oai giảm lần lượt 1% và 39%, ở huyện Thanh Trì giảm 9% và 24%, ở huyện Đông Anh giảm 1% và 8%, ở quận Long Biên giảm 10% và 21%...

Hiện tượng giảm giá bất động sản tại các tỉnh phía Bắc diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, lượt tìm kiếm tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc đều sụt giảm khá mạnh so với quý II, sâu nhất lên đến 45% tại các địa bàn như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nam. Các thành khác cũng ghi nhận lượt tìm kiếm giảm 10-20%.

Ngược lại, những tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên ghi nhận lượt tìm kiếm tăng so với quý 2, trong đó địa bàn tăng mạnh nhất là Lai Châu, lên đến 82%.

Về mức giá, Bắc Ninh ghi nhận mức giá bán đất nền sụt giảm 6% trong quý III/2022 so với quý II/2022 (từ 28 triệu đồng/m2 xuống 26 triệu đồng/m2). Hưng Yên ghi nhận mức biến động giá bán đất nền không đổi, giátrung bình gần 20 triệu đồng/m2.

Tại Đà Nẵng, khu vực Tây Bắc thành phố hiện ghi nhận sự sụt giảm rất mạnh của giá đất nền tại các khu Golden Hills, tái định cư Hòa Liên.

Diễn biến ảm đạm cũng xuất hiện tại khu vực miền Nam. Theo Báo cáo thị trường TP.HCM và vùng phụ cận của DKRA, từ quý III/2022, thanh khoản đất nền diễn biến ngày càng xấu. Sức cầu của thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt 52%, là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Mặc dù giá thứ cấp tăng 2% - 4% so với đầu quý trước tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM, căn nguyên của việc thị trường trầm lắng, làn sóng “cắt lỗ” diễn ra ồ ạt ở phân khúc đất nền hay nhà ở thấp tầng là do dòng tiền đầu cơ rút khỏi thị trường.

Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng ghi nhận, đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, cho biết, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước.

Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

"Tại các địa phương không còn tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ như những tháng đầu năm. Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng", Bộ Xây dựng nhận định.

Triệu Vương

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên