Phân lân 'nhái' vẫn tung hoành ở Tây Nguyên
Nghiễm nhiên lấy tên gọi là phân lân, song hàm lượng P2O5 có 0,01 - 3%, trong khi theo quy định hàm lượng lân tối thiểu phải 13,5% trở lên với lân nung chảy và 15% P2O5 với lân super.
Hơn nữa, trong khi rất nhiều địa phương ra quân xử lý mạnh tay sản phẩm lân nhái, lân giả một số huyện tại tỉnh Lâm Đồng, mặt hàng “nửa dơi nửa chuột” này vẫn được bày bán công khai.
Nơi bắt nơi không
Đầu tháng 6/2016, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin Công an huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cùng ngành chức năng đã phục kích, phát hiện cơ sở nhà xưởng của doanh nghiệp tư nhân Lâm Hoàng, thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai có chứa gần 400 bao phân bón nghi bị làm giả.
Theo thông tin ban đầu, gần 400 bao phân bón trên có trọng lượng 50 kg/bao nhãn hiệu ghi trên bao bì là sản phẩm phân lân trung lượng Lân - Magie Faba của Cty CP Xuất nhập khẩu Hưng Tường có trụ sở quận 7, TP.HCM.
Tuy nhiên, hiện rất nhiều đại lý phân bón cấp 2, cấp 3 tại tỉnh Lâm Đồng chúng tôi khảo sát trong tháng 8, tháng 9/2016 vẫn đang bày bán công khai các sản phẩm phân trung vi lượng và chất cải tạo đất làm giả, làm nhái phân lân tương tự, song không thấy lực lượng chức năng nào xử lí (?).
Không đâu xa, ngay tại đại lý T.N, ở xã ĐamBri, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, chúng tôi thấy bày bán la liệt các sản phẩm phân trung vi lượng đột lốt, nhái phân lân.
Đó là sản phẩm Super Lân Pig Eon của Cty TNHH XNK Tân Thành Nam Agriculture có địa chỉ tại quận Bình Tân, TP.HCM. Ngay ở mặt trước bao bì đơn vị này ghi hoành tráng thành phân nguyên liệu gồm: Hàm lượng lân super: 16%, nhưng mặt sau bao bì ghi thành phân lân (P2O5) vỏn vẹn có 0,01%.
Tiếp theo là sản phẩm Super lân - Canxi - Magie của Cty TNHH SX-TM Nông Việt có trụ sở phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM cũng ghi nguyên liệu Super lân lên tới 17%, nhưng thành phần lân (P2O5) lại chỉ vỏn vẹn 1%.
Tiếp tục khảo sát, chúng tôi thấy tại đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật Đ.T tại Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng bày bán sản phẩm Lân Super CaSiMg của Cty CP Phân bón Thiên Phước có trụ sở tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM, nhưng hàm lượng P2O5 được chú thích từ: 2 - 4%.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất phân bón, chỉ có những doanh nghiệp “cuốc xẻng” không có máy móc, hệ thống cân định lượng điện tử, làm bằng tay mới không xác định được chính xác hàm lượng dinh dưỡng trong từng mẻ phân của mình.
Ảnh: Nguyên Huân
Tại đại lý D.P ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng có bày bán sản phẩm Super - Canxi - Lân hiệu Con Rồng Xanh của Cty TNHH Thuận Long có trụ sở tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM còn “ngu ngơ” đến nỗi dám ghi cả hàm lượng lân (ts) tổng số: 15% trên bao bì trong khi Nghị định 202 quy định rất rõ với phân đơn như lân phải ghi thành phần hữu hiệu. Ghi cho "oai" để đánh lừa nông dân chứ thưc tế trong thành phần tìm mỏi mắt không thấy lân (P2O5) ở đâu và hàm lượng bao nhiêu %?
Ngoài ra, quá trình khảo sát chúng tôi còn thấy tại đại lí cấp 2 P.Đ ở xã Liên Đầm, huyện Di Linh, Lâm Đồng bán các sản phẩm phân lân nhái tương tự như: Vôi - Lân - Canxi mang thương hiệu Song Long TNP của Cty TNHH SX-TM Thuận Nông Phát có trụ sở tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM có hàm lượng lân (P2O5) “hoành tráng” những tận... 0,2%; Sản phẩm Super lân - Magiê, Vôi lân Càng Long của Cty CP Sumo trụ sở tại phường 5, quận 11, TP.HCM hàm lượng lân cũng chỉ 1,2 - 3%.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau khi Nghị định 202 về quản lí phân bón có hiệu lực, trách nhiệm trong quản lí, thanh kiểm tra sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón vô cơ thuộc Bộ Công thương. Trong khi đó, các sản phẩm phân bón trung, vi lượng, chất cải tạo đất làm giả, làm nhái phân lân chúng tôi phản ánh trong bài viết thuộc phân vô cơ nên trách nhiệm chính thuộc Bộ Công thương mà cụ thể ở đây là Cục Hóa chất và lực lượng Quản lý thị trường các cấp.
Trong quá trình thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên, gần đây nhất là Lâm Đồng, chúng tôi thấy các mặt hàng phân trung vi lượng làm giả, làm nhái phân lân được đóng dấu hợp chuẩn, hợp quy không biết là thật hay giả. Nếu dấu hợp quy là thật thì trách nhiệm đầu tiên thuộc Sở Công thương, nơi tiếp nhận sản phẩm phân bón đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của Nghị định 202, cụ thể ở đây là Sở Công thương TP.HCM khi để lọt các sản phẩm này ra thị trường.
Bởi Nghị định 202 quy định rất rõ, nếu là phân lân, hàm lượng P2O5 tối thiểu phải từ 13,5% trở lên với lân nung chảy và 15% với lân super. Còn phân NPK, tổng hàm lượng đạm, lân, kali cộng lại phải từ 18% trở lên. Ngoài ra, còn có nhóm phân trung vi lượng và phân bón khác gồm: canxi, magie, silic, lưu huỳnh, kẽm, đồng, bo… nên các sản phẩm thuộc phân trung, vi lượng nhưng vẫn cố tình ghi lân nhưng không có hoặc chỉ có 0,01 - 3% (P2O5) chẳng thuộc dạng phân bón nào?
Trách nhiệm thứ hai chính là lực lượng quản lí thị trường các cấp khi để sản phẩm phân trung vi lượng giả, nhái phân lân bày bán công khai mà không bị xử lí, thậm chí còn khó hiểu hơn khi nơi xử lý nơi không? Trong khi đó, dựa theo Nghị định 202, Luật Nhãn hàng hóa, Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật hoàn toàn có thể xử phạt công khai các sản phẩm “nửa dơi nửa chuột” trên, nhưng không hiểu sao các sản phẩm này vẫn còn đất sống khỏe và không ngừng lừa dối, bóc lột người nông dân?
Nông nghiệp Việt Nam