MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu hội nhập là gì làm sao có chuyện tận dụng được cơ hội!

Hội nhập là cuộc chơi lớn đầy cơ hội và thách thức, tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị, dẫn đến bị động, hụt hơi trên sân chơi này.

Kết quả khảo sát PCI năm 2015 cho thấy số doanh nghiệp "không biết" hoặc "không biết gì sâu" về hiệp định TPP chiếm đến 74% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, và lần lượt là 72%, 65%, 50% đối với doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn. Tỷ lệ "biết sơ" hoặc "tương đối kỹ" về hiệp định này lần lượt là 24%, 28%, 35% và 49% đối với nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn. Tình trạng tương tự đối với các loại hiệp định khác. Duy chỉ có Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thông tin có phần phổ biến hơn nhưng tỉ lệ vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, với số doanh nghiệp biết và đã tìm hiểu thông tin về hiệp định AEC là 44% doanh nghiệp siêu nhỏ, 49% doanh nghiệp nhỏ, 52% doanh nghiệp vừa và 66% doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu quy mô của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhận thức về AEC của DNNVV của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế

Nhận thức về AEC của DNNVV của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế

Thiếu hiểu biết về TPP và FTA với EU, thì chúng ta vẫn còn có những cơ hội bù đắp bởi các Hiệp định này đang chờ phê chuẩn trong khi đó AEC thì đã đi vào triển khai ngày một sâu rộng hơn.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập cuối năm 2015 mở ra cơ hội cho các quốc gia thành viên tiếp cận thị trường chung với 622 triệu dân, tổng GDP gần 2.600 tỷ và tổng giá trị thương mại lên đến 2.700 tỷ USD (bằng 7% tổng thương mại thế giới). ASEAN cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 11% tổng vốn FDI toàn cầu.

Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua.

Các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ ba cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc). ASEAN cũng là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn cho Việt Nam. Tính đến tháng 11/2015, các nước ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam hơn 56,8 tỷ USD.

Thêm nữa, mức cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa khá cao trong AEC là một lợi thế rất lớn về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Theo ước tính, AEC có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm 14,5% và việc làm tăng thêm 10,5% đến năm 2025. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên 23,5% vào năm 2025. Đặc biệt, gia tăng hoạt động thương mại và vận tải hàng hóa, dịch vụ sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế, thậm chí đóng góp tới 41,3% tổng số lượng việc làm.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động thương mại hoặc sử dụng đầu vào từ nhập khẩu, còn nhận thức chưa đầy đủ về tận dụng ưu đãi trong khuôn khổ ASEAN.

Báo cáo về kinh tế quý II của CIEM đã chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay là việc đáp ứng quy tắc xuất xứ, dù ASEAN cho phép áp dụng quy tắc xuất xứ gộp.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ lưu tâm đến ưu đãi thuế nhập khẩu nếu mức ưu đãi là đủ lớn. Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp quan tâm đến việc đòi hỏi chứng nhận xuất xứ - CO cho hàng nhập khẩu (kể cả khi thuế nhập khẩu ưu đãi trong ASEAN không khác so với thuế nhập khẩu tối huệ quốc); do vậy, khi xuất khẩu sang một nước ASEAN khác, ít doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc xuất xứ gộp và không được hưởng thuế suất ưu đãi.

Đây cũng chính là một nguyên nhân khiến hàm lượng ASEAN trong xuất khẩu của Việt Nam chậm được cải thiện. Ở chiều ngược lại, vấn đề này sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi chào hàng xuất khẩu vào các nước ASEAN.

Những hạn chế trên còn lớn hơn trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng một chiến lược kinh doanh bài bản gắn với thị trường ASEAN. Chẳng hạn, doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc không đủ điều kiện để tìm hiểu mạng lưới các doanh nghiệp cung ứng đầu vào ở các nước ASEAN, để có thêm hàm lượng giá trị khu vực và đáp ứng yêu cầu xuất xứ gộp khi xuất khẩu vào một nước ASEAN khác.

Trong khi đó, báo cáo của EIU (2014) cho thấy nhiều tập đoàn đa quốc gia đã hoàn thiện, thực thi chiến lược kinh doanh ở cấp vùng để đón đầu AEC (như giảm số văn phòng đại diện và cơ sở sản xuất ở ASEAN, tập trung vào cung ứng đến mọi điểm ở ASEAN, tập trung vào khách hàng ở ASEAN thay vì quốc gia thành viên ASEAN, v.v.).

Bởi sự khác nhau về tư duy giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đó đã khiến cho Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi trên sân chơi hội nhập!

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên