Phải thi kiến thức... mới được bán hàng rong
Với quy định tại Thông tư số 13/2014, sau một đợt triển khai, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở thì phải có bài thu hoạch là hướng tới mục tiêu thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
- 25-07-2013Ngành thép 'chết' dở, công nhân đi bán hàng rong, xe ôm
- 16-10-2012'Giáo sư Nộm' kiếm tiền triệu với xe hàng rong
- 09-09-2012TP.HCM: Cầu vượt 2 tỷ đồng thành nơi bán hàng rong
- 15-08-2012Những tỷ phú từng trông xe, rửa bát, bán hàng rong
- 05-12-2011Gánh hàng rong bạc triệu của anh chàng miền Tây
Nội dung nổi bật:
- Từ 26/5, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh sẽ phải trải qua phần kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm, phải trả lời được 80% câu hỏi ở hai phần kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành mới được cấp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và phải có xác nhận này thì các chủ cửa hàng mới được tiếp tục kinh doanh.
- Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, nhiều hàng rong vẫn không hề biết về thông tin các khóa học hay chuyện thi cử. Hầu hết họ đều cho rằng việc an toàn thực phẩm nên dừng ở việc tuyên truyền, thông tin tới từng địa phương là đủ.
- Cuộc thi này gặp nhiều không ít khó khăn xuất phát từ ý thức của người bán hàng và cả ý thức của người mua hàng. Ngoài ra ở nước ta có hàng nghìn người chuyên bán hàng rong, nay chuyển địa điểm, mai đổi thời gian nên rất khó có thể quản lý.
Thi thế nào?
Theo Thông tư liên tịch số 13/2014, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm với các mặt hàng: ngũ cốc, rau củ quả, chè, cà phê, sữa tươi nguyên liệu, trứng, thịt tươi và đông lạnh, phụ phẩm ăn được của gia súc gia cầm, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản, các thực phẩm có chứa thủy sản, các loại sản phẩm có chứa thịt như xúc xích, jambon, thực phẩm biến đổi gen...
Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm các mặt hàng: bia, rượu, nước giải khát, một số loại sữa đã qua chế biến (không gồm sữa bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng), bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo...
Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm các mặt hàng: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, phụ gia và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước đá uống và các sản phẩm khác không có trong danh mục quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
Thông tư liên tịch này sẽ có hiệu lực từ ngày 26/5. Theo đó, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh sẽ phải trải qua phần kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm, phải trả lời được 80% câu hỏi ở hai phần kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành mới được cấp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Để đáp ứng một trong những điều kiện cần và đủ, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì chủ cơ sở sẽ được mời đến chính quyền địa phương học kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ là các cơ quan đầu mối tổ chức việc cấp giấy xác nhận.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Từ một tháng nay, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã triển khai, tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở. Thực tế, từ trước đến nay, theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn, thì chủ cơ sở, những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm sẽ phải trải qua lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm và kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Đó là một trong những điều kiện cần và đủ đi kèm với các điều kiện khác (thẩm định cơ sở) thì cơ sở đó mới được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Với quy định tại Thông tư số 13/2014, sau một đợt triển khai, tập huấn xong thì phải có bài thu hoạch là hướng tới mục tiêu thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Nếu chưa đạt thì, chủ cơ sở kinh doanh phải học lại, thi lại cũng là bình thường".
"Thí sinh" bức xúc
Từ khi có thông tin về cuộc thi này, những tưởng những người bán hàng rong sẽ phải lo sốt vó để "đi học". Thế nhưng không, qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, nhiều hàng rong vẫn không hề biết về thông tin các khóa học hay chuyện thi cử. "Tôi không biết" đó là câu trả lời của hầu hết những chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các hàng quán vỉa hè khắp Hà Nội theo khảo sát của phóng viên CSTC khi Thông tư liên tịch số 13-2014 chưa đầy chục ngày nữa là có hiệu lực, đồng thời cũng không ai cho biết mình nhận được thông báo gì từ UBND phường liên quan đến vấn đề này.
Hầu hết họ đều cho rằng việc an toàn thực phẩm nên dừng ở việc tuyên truyền, thông tin tới từng địa phương là đủ.
Chủ quán ăn vỉa hè cũng phải học và viết “bài thu hoạch”, nếu không đạt sẽ phải thi lại.
Ngoài các gánh hàng rong, ngay cả các cửa hàng ăn tại chỗ dường như cũng rất thờ ơ với chuyện thi cử và đi học. Theo chị Giang, một chủ hàng bún ở phố Thái Thịnh cho biết: "Tôi mải bán hàng có để ý sách báo gì đâu. Với lại làm gì có thời gian mà đi học. Cả ngày tối mắt tối mũi với cái quán ăn này. Mà có đi học kiểu gì người ta chẳng bảo là phải đeo găng tay, hàng bán phải có nhãn mác đàng hoàng. Nhãn mác hàng hóa thì cứ kiểm tra đi thì biết, có đầy đủ cả. Ôi dào, quan trọng là người bán hàng có thực hiện không, chứ nếu đã muốn thực hiện thì kiểu gì họ chả biết là làm thế nào cho hợp vệ sinh, không mất an toàn thực phẩm".
Còn chị Hà chuyên bán đồ ăn nhanh ở Nghĩa Tân cho hay: "Tôi cũng nghe nói đến lớp học về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thấy bảo phải đóng tiền, mà học lại như "cưỡi ngựa xem hoa" nên chẳng ai màng đến. Mà bảo có giấy xác nhận này mới được kinh doanh, nhưng ai đảm bảo là sau khi có giấy thì các cơ sở này sẽ bán hàng an toàn".
Quan trọng là ý thức
Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của việc cấp phép kinh doanh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở các nước phát triển, với những nhà hàng bán đồ ăn, chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu. Mỗi năm đều có nhiều đợt kiểm tra đột xuất nhà bếp, kho thực phẩm và nhất là độ an toàn của thực phẩm đó. Thậm chí nhiều nhà hàng chỉ cần có chuột bọ là đã bị tước giấy phép mở hàng ăn và phải đóng cửa vĩnh viễn.
Điều khó khăn thứ nhất chúng ta gặp phải chính là từ ý thức của người bán hàng và cả ý thức của người mua hàng. Có cung ắt có cầu, như các gánh hàng rong, thực phẩm không thể kiểm định hết được nên dù họ có bán đồ không sạch thì vẫn có người mua. Hàng ăn cũng vậy, nếu không vào tận bếp ăn để xem thì chúng ta cũng không thể biết được món ăn được chế biến bẩn đến mức nào. Nhưng chẳng khách hàng nào lại phải tìm về tận nơi trồng rau để xem rau có sạch không hay vào tận bếp để xem chủ quán nấu nướng.
Trên thực tế, ở nước ta có hàng nghìn người chuyên bán hàng rong, nay chuyển địa điểm, mai đổi thời gian. Đó cũng là khó khăn thứ hai chúng ta gặp phải khi muốn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Hầu hết các gánh hàng rong này đều bán đồ nhà làm được hay mua buôn ở các chợ đầu mối. Không ai biết họ trồng rau ở nhà ra sao, họ mua rau ở chỗ nào mà đề phòng. Dù họ có thi, có biết được quy trình sản xuất sạch ra sao thì cũng đâu chắc chắn họ bán thực phẩm sạch.
Cùng với đó, chính những gánh hàng rong này cũng là khó khăn của cơ quan chức năng khi cấp phép an toàn thực phẩm vì rất khó kiểm tra họ định kì mỗi năm như các cửa hàng ăn. Hơn nữa, các cửa hàng ăn dù được kiểm tra nhưng cũng chưa chắc đã đảm bảo an toàn thực phẩm, huống chi là hàng rong! Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc kiểm tra an toàn thực phẩm thường xuyên nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là tính hiệu quả của phương pháp thi cử liệu có đi đến đâu?
Theo N.Mai - N.Minh