Theo Nghị định 68, UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước và tiếp cận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, cơ quan trực tiếp tham mưu về mặt chuyên môn là Sở LĐTB&XH tỉnh, thành phố. Vậy thời gian qua công tác tham mưu tại chùa Bồ Đề được Sở thực hiện như thế nào thưa bà?

Bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội của Sở LĐ TB&XH Hà Nội: Sở Lao động TB&XH đã có nhiều buổi làm việc với UBND quận Long Biên và sư thầy Thích Đàm Lan; đã có văn bản đề nghị quận Long Biên chỉ đạo các phòng, ban liên quan của quận, UBND phường Bồ Đề và chùa Bồ Đề tổ chức rà soát, phân loại, bàn giao đối tượng về địa phương (đối với trường hợp có địa chỉ cụ thể); lập danh sách đề nghị tiếp nhận các đối tượng không rõ địa chỉ vào nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố. Sở cũng yêu cầu chùa Bồ Đề tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng và tạm dừng tiếp nhận đối tượng mới.

Năm 2013 Sở có tổ chức các đoàn kiểm tra làm việc với chùa Bồ Đề và yêu cầu chùa ngừng việc tiếp nhận trẻ. Tuy nhiên,  chùa vẫn nhận nuôi, thậm chí có tin đồn mua bán trẻ em. Phía Sở LĐTB&XH có biết việc này? Tại sao Sở yêu cầu dừng mà nhà chùa vẫn thực hiện?

Tháng 8.2013, Sở LĐTB&XH đã có văn bản yêu cầu tạm dừng tiếp nhận đối tượng mới vào nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Tuy nhiên, chùa Bồ Đề là cơ sở tôn giáo đóng trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên. Do vậy việc quản lý nhân khẩu thuộc trách nhiệm của UBND phường Bồ Đề. Theo báo cáo của UBND quận Long Biên, Quận đã chỉ đạo UBND phường Bồ Đề phân công cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, cập nhật thông tin, tình hình các đối tượng; định kỳ kiểm tra, đối chiếu, lập sổ quản lý, theo dõi đối tượng tại Chùa.

Theo Nghị định 68 của Chính phủ, những trường hợp nuôi dưỡng từ 10 đối tượng trở lên thì phải lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Vậy  chùa Bồ Đề đã được phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội chưa? Lý do vì sao đến nay vẫn chưa có?

Quận Long Biên đã hướng dẫn Chùa Bồ Đề làm thủ tục, hồ sơ thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Tuy nhiên đến nay, Chùa Bồ Đề chưa làm hồ sơ đề nghị thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Chính quyền địa phương không thể làm thay được việc này.

 Sở Lao động TB&XH đã chỉ đạo các Trung tâm BTXH chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng công tác tiếp nhận, nuôi dưỡng đối tượng từ chùa Bồ Đề chuyển đến.

Hiện nay, con số chính xác về trẻ em mồ côi, người già tàn tật được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề là bao nhiêu thưa bà?

Theo báo cáo của quận Long Biên, tại thời điểm ngày 18.7.2014, chùa đang nuôi dưỡng 106 trẻ em; 39 người cao tuổi, khuyết tật.

Được biết, ngày 6.8 vừa qua, Sở LĐTB&XH cùng các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra hoạt động nuôi dưỡng trẻ em, người già tại chùa Bồ Đề. Nội dung thanh tra gồm những gì? Kết quả thanh tra bước đầu như thế nào?

Đây là đoàn kiểm tra liên ngành do UBND quận Long Biên thành lập để kiểm tra về hoạt động quản lý, nuôi dưỡng đối tượng tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên. Sở LĐTB&XH được mời với tư cách giám sát. Hiện tại quận Long Biên chưa có kết luận về cuộc thanh tra.

Sau vụ nghi án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, Sở đã có hướng xử lý như thế nào?

"Nghi án mua bán trẻ em" đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Sở LĐTB&XH đã đề nghị quận Long Biên phân loại đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Đối tượng có địa chỉ phải đưa về địa phương nơi cư trú; đối tượng chưa xác định được địa chỉ sẽ được đưa vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố. Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo các Trung tâm BTXH chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng công tác tiếp nhận, nuôi dưỡng đối tượng từ chùa Bồ Đề chuyển đến.

Hàng năm Sở LĐTB&XH Hà Nội đều có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát, báo cáo về tình hình các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, các cơ sở nuôi dưỡng đối tượng diện bảo trợ xã hội trên địa bàn. Năm 2014, Sở LĐTB&XH tiếp tục có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thành lập Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng diện bảo trợ xã hội tại các cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn (kể cả cơ sở tôn giáo, cơ sở tư nhân tự phát...)

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu cơ sở chăm sóc nuôi trẻ em mồ côi, tàn tật, người già tàn tật như chùa Bồ Đề?

Trên địa bàn Hà Nội hiện chỉ có chùa Bồ Đề (quận Long Biên) là cơ sở tôn giáo chăm sóc nhiều loại đối tượng (trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người cao tuổi, khuyết tật...) với số lượng lớn.

Sở LĐTB&XH hiện có 11 cơ sở bảo trợ xã hội, tiếp nhận nuôi dưỡng chăm sóc gần 3.000 đối tượng bảo trợ xã hội (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ bị nhiễm HIV, người lang thang xin ăn...).

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 1 số cơ sở nuôi dưỡng đối tượng do 1 số đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân thành lập. Tuy nhiên chùa Bồ Đề là cơ sở tôn giáo có số lượng đối tượng đông nhất.

Xin cảm ơn bà!

>> Bồ Đề và bức tranh đời lệch, chùa nghiêng 

Theo Cao Nguyên