Tiếp tục truy tố ông Phạm Trung Cang
Cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao xác định bị can Phạm Trung Cang phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho ACB.
- 26-01-2014Ông Phạm Trung Cang đã có mặt ở Việt Nam
- 24-01-2014Ngày 25/1: Sếp cũ ACB Phạm Trung Cang về nước theo triệu tập
- 22-01-2014Ông Phạm Trung Cang tuyên bố sẽ về Việt Nam phục vụ điều tra vụ bầu Kiên
- 17-01-2014Ông Phạm Trung Cang có tội hay không?
- 15-01-2014Ông Phạm Trung Cang không có mặt tại Việt Nam
VKSND Tối cao vừa tống đạt cáo trạng lần 2 truy tố 9 bị can trong vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu (ACB) và một số đơn vị khác tại Hà Nội, TP HCM.
Ông Phạm Trung Cang có vai trò đồng phạm
Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB), bị truy tố 4 tội danh: “kinh doanh trái phép”; “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế”.
Hai bị can Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị can Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều là nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB, bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Cang song cáo trạng của VKSND Tối cao bất ngờ đình chỉ vụ án đối với ông này. Ngày 3-1-2014, TAND Hà Nội trả hồ sơ do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đề nghị điều tra bổ sung ông Cang và ông Huỳnh Quang Tuấn.
Theo TAND TP Hà Nội, dù đã có quyết định miễn nhiệm thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ACB nhưng ông Cang vẫn còn giữ chức vụ thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB.
Vì thế, ông Cang đã ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền huy động của dân để ủy thác cho 19 nhân viên gửi 718,9 tỉ đồng vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM. Còn ông Huỳnh Quang Tuấn biết rõ chủ trương của HĐQT. Sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn cũng ký vào biên bản họp HĐQT nêu trên.
Cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao xác định 2 bị can Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho ACB.
Bầu Kiên thao túng ACB
Cáo trạng xác định ông Nguyễn Đức Kiên với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ đã có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ACB. Bầu Kiên cùng các bị can kể trên đã ký biên bản họp thường trực HĐQT ACB cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định.
Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2-1-2009, Thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này.
Về tội trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, bầu Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng. Về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bầu Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỉ đồng bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.
Theo Nguyễn Quyết