Vụ 14.000 điện thoại bị nghe lén: Bắt tạm giam Phó Giám đốc Cty Việt Hồng
Liên quan đến vụ nghe lén hơn 14.000 thuê bao điện thoại của Cty TNHH công nghệ Việt Hồng (Cty Việt Hồng), 4 đối tượng xây dựng, phát triển phần mềm nghe lén Ptracker đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
- 25-06-2014Người dân bất bình về hành vi nghe lén điện thoại
- 25-06-201414.000 thuê bao điện thoại bị nghe lén: Công an chưa thể thông báo đến từng nạn nhân
- 25-06-2014Nếu nghe lén để làm gián điệp thì có thể bị tử hình
- 25-06-2014Dấu hiệu nhận biết điện thoại cá nhân bị nghe lén
Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà mạng, đơn vị cung cấp đầu số, của người thuê Cty Việt Hồng giám sát đời tư người khác, cũng cần được xem xét để xử lý.
Bắt tạm giam thủ phạm
Chiều 1.7, theo đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CA TP.Hà Nội (PC45): Cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 158 về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet" theo Điều 226 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Cty TNHH công nghệ Việt Hồng (trụ sở tại phố Tô Vĩnh Diện, P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội).
Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 đối tượng gồm: Nguyễn Việt Hùng (SN 1974, trú tại phố Khương Hạ, Khương Đình, Q.Thanh Xuân, là PGĐ Cty Việt Hồng), Lê Thanh Lâm (SN 1982, trú tại Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, trưởng phòng kỹ thuật Cty Việt Hồng), Trần Minh Ngọc (SN 1990, trú tại Thanh Trì, Hà Nội, nhân viên hỗ trợ khách hàng) và Đỗ Thị Nga (SN 1990, trú tại Định Công, Hà Nội, là nhân viên tư vấn khách hàng, hỗ trợ văn phòng). Hiện cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 3 đối tượng là Hùng, Lâm và Ngọc. Riêng Đỗ Thị Nga được tại ngoại do đang mang thai.
Đại tá Dương Văn Giáp cũng cho biết, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan CA xác định, từ tháng 6.2013, Nguyễn Việt Hùng đã chỉ đạo Lê Thanh Lâm, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Kiều, Lê Sỹ Phản xây dựng, phát triển, cung cấp phần mềm có chức năng giám sát điện thoại có tên gọi là Ptracker. Phần mềm này nếu được cài đặt vào điện thoại di động chạy ngầm trên hệ điều hành Android sẽ thực hiện các chức năng giám sát như đọc tin nhắn, nghe nội dung các cuộc trò chuyện, lấy danh bạ...
Ngoài ra, phần mềm này còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa như ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật/tắt 3G/GPRS... Ngoài ra, toàn bộ dữ liệu của chiếc điện thoại bị cài đặt phần mềm Ptracker sẽ được lưu lại trên máy chủ, người sử dụng chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của Cty Việt Hồng là có thể lấy được toàn bộ thông tin từ chiếc điện thoại bị nghe lén.
Theo thống kê, kể từ khi cung cấp gói phần mềm trên, đã có 14.140 tài khoản từng sử dụng phần mềm Ptracker, trong đó số lượng tài khoản hiện vẫn còn lưu trong máy chủ của Cty Việt Hồng là 7.447 tài khoản. Hiện vẫn còn có khoảng 600/14.140 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm. Ước tính, số tiền Cty Việt Hồng thu được từ việc kinh doanh phần mềm này là khoảng 900 triệu đồng.
Nhà mạng, đơn vị cung cấp đầu số không liên quan?
Trả lời báo chí về việc nhà mạng, đơn vị cung cấp đầu số có liên quan tới việc cung cấp, truyền bá phần mềm Ptracker, bà Trần Minh Huệ - Phó Chánh Thanh tra Sở TTTT Hà Nội - cho biết, các nhà mạng không liên quan tới sự việc trên bởi phần mềm Ptracker bị cài đặt vào điện thoại chứ không phải bị cài sim.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, người dùng sẽ cầm máy điện thoại giám sát và tải theo địa chỉ trang web o.vhc.vn hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp DV gửi đến đầu số 8189 để lấy đường link tải phần mềm về máy. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng điện thoại bất kỳ rồi nhắn tin với cú pháp @*6xxx (xxx thay đổi theo từng nội dung điều khiển khác nhau như phần mềm có hoạt động hay không, bật tắt 3G, khởi động lại phần mềm...).
Khi tin nhắn thành công, tổng đài 8189 sẽ gửi trả tin nhắn với nội dung ptrackersms:ok (tin nhắn này không hiển thị trên máy điện thoại bị giám sát). Vậy trong trường hợp này, nếu nhà mạng không cung cấp dịch vụ tải phần mềm nghe lén thì liệu người sử dụng có dễ dàng phát tán phần mềm này chỉ bằng một thao tác tin nhắn? Chính vì vậy, việc xem xét trách nhiệm liên đới của các nhà mạng, đơn vị cung cấp đầu số là việc làm cần thiết, đồng thời là bài học cho những đơn vị buông lỏng việc quản lý nội dung phần mềm.
Về việc công bố danh sách hơn 14.000 thuê bao bị cài phần mềm theo dõi Ptracker, đại tá Dương Văn Giáp cho biết, chưa thể công bố cho các bị hại, bởi vấn đề này liên quan đến bí mật đời tư cá nhân nhiều người, nhiều gia đình.
Việc kiểm soát tin nhắn có liên quan an ninh quốc gia và tính mạng con người, cơ quan chức năng đang trích dữ liệu để nghe nội dung thông tin. Hiện tại, cơ quan chức năng đã rút thử 4 trường hợp, thì phần lớn liên quan đến vấn đề đời tư. Tuy nhiên, cũng phải có thời gian để cơ quan điều tra và cơ quan truyền thông làm rõ.
Về việc quản lý các thiết bị nghe lén hiện nay, đại tá Dương Văn Giáp cho rằng, việc này vẫn cần phải xem xét cụ thể. Hiện nay, ngoài Cty TNHH Công nghệ Việt Hồng, cơ quan điều tra vẫn chưa khẳng định còn Cty nào vi phạm tương tự như vậy. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của GĐ CA TP.Hà Nội, CA các quận, huyện, các phường, xã phải tổ chức rà soát trên địa bàn mình các cơ sở kinh doanh, buôn bán các phần mềm, thiết bị nghe trộm để theo dõi, quản lý, xác minh, nếu có vi phạm sẽ xử lý trong thời gian tới.
>> CHẤN ĐỘNG: Hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén ở Việt Nam
Theo Phi Long - Mỹ Hằng