MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ rửa tiền của Liberty Reserve tại VN: Cơ quan công an vào cuộc điều tra 4 ngân hàng

31-05-2013 - 07:47 AM |

Sau khi có thông tin 4 ngân hàng của VN liên quan đến mạng lưới rửa tiền toàn cầu vừa bị cảnh sát Mỹ phá vỡ, hôm qua 30.5, lực lượng chuyên trách của Bộ Công an đã chính thức nhập cuộc điều tra.

Một lãnh đạo Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an chính thức nhập cuộc điều tra, tìm hiểu đường đi nước bước của Liberty Reserve (LR - Công ty chuyên chuyển ngoại hối và thanh toán trực tuyến đặt trụ sở tại Costa Rica), sau khi có thông tin các ngân hàng (NH) Ngoại thương, Công thương, Á Châu và Đông Á có liên quan trong vụ rửa tiền qua mạng của công ty này.

Tiếp tục tìm hiểu trên mạng, qua theo dõi trên một đoạn video hướng dẫn rút tiền từ tài khoản LR về VN, ở phần phương thức nhận tiền của video này hiện ba tên NH trong nước Vietcombank, Đông Á và ACB.

Xem xét “bản chất thật”

Dù đã nhận được phản hồi từ phía 4 NH “không liên quan gì tới LR”, nhưng trước một vụ việc chấn động, cơ quan chức năng cần làm rõ. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Phòng chống rửa tiền nhìn nhận, trang mạng của LR đã xuất hiện khá lâu tại VN nhưng không có một cơ quan nào biết nó có được đăng ký hay không và cũng không có ai quản lý.

Chính vì vậy, hiện tại phía NHNN đã chính thức phối hợp với C50 nhập cuộc điều tra, tìm hiểu. “Khi sự việc xảy ra chúng tôi cũng rất phân vân chưa biết tiền ảo LR có phải ngoại tệ không và trang mạng trên có phải điểm thanh toán ngoại tệ hay không.

Tuy nhiên, sau khi Vụ Pháp chế rà soát lại, thì không có quy định nào xác định tiền ảo này là ngoại tệ, trang mạng thanh toán không phải là điểm giao dịch hoặc thu đổi ngoại tệ nên NHNN cũng khó xử lý”, vị lãnh đạo này cho hay.

Lãnh đạo này phân tích, việc các cá nhân tham gia mua tiền ảo LR trên trang mạng, sau đó dùng tiền thật để chuyển cho nhau qua các NH cứ cho là một kênh chuyển tiền hợp pháp, thì hiện nay không có bất cứ quy định nào của pháp luật điều chỉnh hành vi và giao dịch kiểu như thế này. Đây chính là những rủi ro khó lường mà người tham gia phải hứng chịu.

“Bản chất thật của nó như thế nào thì hiện nay NHNN và Bộ Công an đang phối hợp xem xét. Chúng tôi sẽ chính thức công bố trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, với việc dùng tiền ảo mua tiền thật thì hiện chưa có quy định nào của pháp luật điều chỉnh và nó đang gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước”, lãnh đạo Cục Phòng chống rửa tiền cho biết.

“Có khách hàng liên quan”

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 28.5, LR - website chuyển tiền tại Mỹ đã phải đóng cửa ngay lập tức sau cáo buộc rửa tiền với giá trị lên tới 6 tỉ USD.

Tại VN, trang mạng đứng tên tổ chức này lâu nay cung cấp dịch vụ chuyển tiền, cho phép người dùng mua, bán tiền LR và theo giới thiệu, việc chuyển tiền sẽ được gửi qua một trong bốn NH của VN là Vietcombank, Vietinbank, Đông Á (DongA Bank) và Á Châu (ACB). Ngay sau khi vụ rửa tiền bị phanh phui ở Mỹ, trang mạng LR tại VN cũng gửi thông báo dừng mọi hoạt động và khẳng định: “Trong thời gian này mọi hoạt động giao dịch sẽ không thể thực hiện được, kể cả giao dịch đổi tiền liên NH VN”.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 30.5, Phó tổng giám đốc Vietcombank Đào Minh Tuấn khẳng định: Vietcombank không có một sự dính dáng nào đến công ty này. Mọi hoạt động thanh toán tiền vào - tiền ra đều phải qua tài khoản, nếu giao dịch tiền mặt, ngoại tệ phải theo quy định về quản lý ngoại hối, trong khi đó tiền của LR là tiền ảo trên mạng nên không thể “chạy” vào Vietcombank.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng: “Nếu một cá nhân nào đó nhận tiền hoặc chuyển tiền qua LR, rồi đến NH nộp tiền vào, họ vẫn hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý. Tiền của họ là tiền mặt, đến nộp vào tài khoản và đảm bảo đủ điều kiện quản lý về ngoại hối thì NH không thể biết được”.

Cũng theo ông Tuấn, với một cá nhân có tiền gửi tiết kiệm tại NH, nếu số tiền này không vượt quá hạn mức quy định về giao dịch lớn (500 triệu đồng) theo quy định của luật Phòng chống rửa tiền thì các NH không thể kiểm soát.

Chỉ khi nào lớn hơn số tiền 500 triệu, các NH mới phải báo cáo lên NHNN. Hiện tại, theo quy trình thanh toán tại Vietcombank, tiền của một đối tác khác thanh toán thì đối tác đó phải có đầy đủ pháp nhân, cơ sở pháp lý và phải qua 3 tổ chức có ký kết với Vietcombank là MoneyGram, TNMonex của Mỹ và Uniteller.

“Tất cả các công ty này đều có giấy phép của Mỹ và phải tuân thủ các quy định về hệ thống chuyển tiền do nước Mỹ ban hành. Về nguyên tắc, một khách hàng nào đó qua 3 công ty này chuyển tiền cho ai đó ở phía VN, thì Vietcombank đứng ra trả tiền cho người nhận. Công ty đó phải mở tài khoản tại NH Mỹ và NH này phải có quan hệ NH đại lý với Vietcombank, và tiền là tiền thật chứ không phải tiền ảo”, ông Tuấn cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết sau khi rà soát lại thì phát hiện có khách hàng liên quan đến LR mở tài khoản tại ACB chi nhánh Hải Dương. Tuy nhiên, ông Toại khẳng định: “ACB không hề ký hợp đồng hợp tác với công ty chuyển tiền LR này”.

Cảnh sát Malaysia đã theo dõi 2 năm

Ngày 30.5, tờ The Star dẫn lời Giám đốc Lực lượng đặc nhiệm cảnh sát Malaysia là Datuk Mohamad Fuzi Harun cho biết lực lượng chức năng nước này đang hợp tác chặt chẽ với đồng nghiệp những nước khác trong vụ rửa tiền của LR. Ông nói thêm, cảnh sát Malaysia đã phối hợp với NH trung ương nước này theo dõi dòng tiền và các giao dịch của LR trong 2 năm qua.

Những tuyên bố trên được cho là nhằm đáp lại chỉ trích từ phe đối lập trong quốc hội Malaysia về việc nước này, cùng VN, Nga và Nigeria, bị cáo trạng của các công tố viên Mỹ cho là những nơi tập trung giao dịch mờ ám của LR. “Đã đến lúc chính phủ nhìn vào sự thật và tiến hành cải cách tài chính để trong sạch hóa và ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như trên”, AFP dẫn tuyên bố của nghị sĩ đối lập Lim Guan Eng viết.

Hạo Nhiên


Theo Anh Vũ - Thanh Xuân

duchai

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên