Phập phù hoa kiểng Tết: "Thủ phủ" hoa điêu đứng
Thời tiết tại "thủ phủ" hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cuối năm diễn biến thất thường khiến địa lan nở sớm trước Tết, hoa cúc bị dịch bệnh... Nhiều nhà vườn buộc phải nhổ bỏ hoặc bán hoa với giá rẻ.
Hàng chục hecta hoa cúc, địa lan phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 tại các phường 7, 8, 9, 11 và các làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông, Xuân Trường... ở TP Đà Lạt đang bị dịch bệnh hoặc bung nở sớm. "Người trồng hoa Tết năm nay lại chịu cảnh bấp bênh" - một nhà vườn ở làng hoa Thái Phiên rầu rĩ.
Lỗ nặng
Dù đã có nhiều biện pháp kìm hãm sự phát triển của hoa - như dùng lưới đen che tối khu vườn, hạn chế chất dinh dưỡng, dùng lưới bọc hoa… - nhưng những tháng giáp Tết năm nay, thời tiết tại Lâm Đồng nắng nóng kết hợp mưa gió thất thường khiến địa lan tại nhiều nhà vườn bung nở sớm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Long (ngụ phường 9, TP Đà Lạt) có 5.000 m2 trồng hoa. Năm nay, ông tập trung trồng địa lan để cung ứng cho thị trường Tết. "Hơn 70% địa lan của vườn tôi năm nay nở sớm, dù đã dùng tất cả biện pháp kìm hãm, thập chí sử dụng cả thuốc đặc trị cho thực vật cũng không cứu được. Gia đình tôi đành phải thay phiên nhau cắt tỉa cành bán giá rẻ để bù lại công sức, vốn liếng bỏ ra" - ông than thở.
Theo ông Long, mỗi cành địa lan ông chỉ bán được 50.000 đồng. "Giá này chỉ bằng khoảng 1/10 so với giá hoa chậu bán vào thời điểm giáp Tết năm ngoái" - ông cho biết.
Một chủ vườn tiếc rẻ khi địa lan nở rộ quá sớm trước Tết
Không riêng gia đình ông Long, nhiều nhà vườn ở TP Đà Lạt cũng lâm cảnh khốn khổ vì địa lan nở sớm. Theo ghi nhận của phóng viên, cách đây vài hôm - tức còn hơn 10 ngày nữa mới tới Tết, địa lan nhiều nơi đã nở xòe, nhiều cánh hoa nhanh chóng úa tàn khiến người trồng phải cắt cành bán với giá rẻ.
Chủ vườn hoa Quỳnh Anh (phường 8, TP Đà Lạt) cho biết thời tiết tại địa phương không thuận lợi nên ảnh hưởng đến lượng hoa đưa ra thị trường dịp Tết năm nay. Chị lo lắng: "Hồi Tết 2017 cũng vậy, khoảng 5.000 m2 địa lan của vườn nhà tôi nở sớm đến 70%. Tết năm nay, khách đến đặt hàng lại thưa hơn mọi năm, chỉ đạt khoảng 30%, chủ yếu là mối quen từ nhiều năm trước".
Theo quan sát của phóng viên, hiện trên các tuyến đường ở "thủ phủ" hoa Đà Lạt như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Quảng trường Lâm Viên... nhiều nhà vườn đã đưa sản phẩm ra trưng bày phục vụ Tết. Giá địa lan Tết thấp hơn mọi năm, phổ biến từ 300.000-800.000 đồng/chậu (ghép nhiều cành).
Nếu địa lan ở Đà Lạt phập phù vì thời tiết thì hoa cúc Tết năm nay lại dính dịch bệnh. Nhiều nhà vườn đành phải nhổ bỏ, làm lại đất cho vụ sau, nếu còn hoa thì chỉ bán với giá thấp hơn 3-5 lần so với năm trước.
Gia đình anh Nguyễn Tấn Lực (phường 4, TP Đà Lạt) cũng ngậm ngùi nhổ bỏ những cây hoa cúc èo uột vì bị nhiễm bệnh nặng, không còn khả năng cứu chữa. Vụ hoa Tết này, gia đình anh trồng 1.000 m2 hoa cúc nhưng phần lớn đã hư hại. Giá hoa cúc tại các nhà vườn đang lao dốc, dao động khoảng 2.000-4.000 đồng/bó (10 cây), thậm chí không có thương lái thu mua
"Loại bệnh này do virus gây ra, lúc đầu cúc bị vàng lá, thân đen có đốm, sau đó cây quẹo gãy, hoa không trổ được. Gia đình tôi đã bơm xịt nhiều loại thuốc nhưng không có kết quả, đành tranh thủ vớt vát được khoảng 30%, còn lại phải nhổ bỏ. Ước tính gia đình tôi lỗ đến 60% vốn đầu tư và công chăm sóc" - anh Lực xót xa.
Theo ông Phan Khắc Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, phục vụ Tết Kỷ Hợi, "thủ phủ" hoa này trồng 550 ha cúc các loại. Đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về tổng diện tích hoa cúc thiệt hại, phải nhổ bỏ. Nguyên nhân khiến hoa cúc ở Đà Lạt nhiễm bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người trồng có thể là do nguồn giống cung cấp không bảo đảm.
Hoa cúc đổ bệnh, nhà vườn phải bán rẻ hoặc nhổ bỏ
Chủ yếu "tự bơi"
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết hiện nay, hầu hết nhà vườn phải "tự bơi" là chính. Để tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng phập phù của hoa kiểng Tết, cần có nhiều cuộc làm việc hơn giữa Hiệp hội Hoa Đà Lạt với các hộ sản xuất, người buôn bán trung gian, vựa hoa sỉ, nhà xe vận chuyển, ban quản lý chợ, chủ cửa hàng kinh doanh phân phối hoa…
Nói về tình trạng này, ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH LangBian - chuyên sản xuất hoa và rau công nghệ cao tại TP Đà Lạt, nhìn nhận: "Nông dân sản xuất phải thay đổi tư duy, hướng dần đến việc sử dụng công nghệ bảo quản hoa sau khi thu hoạch. Lúc đó không cần phải phụ thuộc thời tiết hay phải điều khiển cho hoa nở đúng dịp lễ, Tết. Điều đó cũng sẽ giúp tránh được sự bấp bênh của giá cả thị trường. Việc xử lý sau thu hoạch là cực kỳ quan trọng, chiếm khoảng 70% chất lượng hoa khi bán".
Đến thời điểm này, sản lượng hoa ở Đà Lạt không tăng nhiều so với năm 2018. "Thủ phủ" có khoảng 2.000 ha hoa được người dân trồng cho dịp Tết. Các sản phẩm hoa của Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ trong nước, tập trung tại TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Theo cơ quan chức năng TP Đà Lạt, để tránh tình trạng hoa dội chợ, người dân nên cân đối số lượng trồng, hạn chế việc quá tập trung vào dịp lễ, Tết và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, người trồng hoa cần xây dựng mối quan hệ sòng phẳng giữa bên bán và bên mua, cần lập hợp đồng thỏa thuận rõ ràng để có cơ sở làm việc.
Trồng hoa khác để tránh bệnh
Ông Phan Thanh Sang khuyến cáo: "Dịch bệnh trên hoa cúc ở Đà Lạt vẫn đang có xu hướng ngày càng tăng. Trước tình trạng này, người dân cần nhổ bỏ hoa và tiêu hủy toàn bộ diện tích đã nhiễm bệnh rồi xử lý đất. Sau đó, bà con nên chuyển đổi sang trồng các loại hoa khác họ để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng".
Người lao động