Phát hiện hơn 11 tỷ thùng dầu trong 2 thập kỷ qua, quốc gia có dân số chỉ bằng 1/10 Hà Nội sắp 'hoá rồng' nhờ dầu mỏ
Doanh thu từ sản xuất dầu của Guyana dự kiến sẽ vượt mốc 1 tỷ USD trong năm nay, đưa quốc gia này vào nhóm những nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
- 24-07-2022Lithium - 'Dầu mỏ mới' là thách thức sống còn với các ông lớn trong 'cuộc chiến' ô tô điện
- 16-07-2022Ai đang kiểm soát 2/3 lượng dầu mỏ đã phát hiện của thế giới?
- 05-07-2022Nga phát hiện thêm mỏ dầu thô khổng lồ ở Bắc Cực
Theo Rystad Energy, ngành công nghiệp dầu khí của Guyana đang phát triển mạnh mẽ. Minh chứng là việc doanh thu của chính phủ từ sản xuất dầu trong nước đang trên đà phá vỡ mốc 1 tỷ USD trong năm nay và tăng lên 7,5 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
2022 được xem là năm bước ngoặt để chính phủ nước này tận dụng nguồn dự trữ đầu thô khổng lồ ở ngoài khơi với doanh thu tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Doanh thu này sẽ đưa Guyana từ một nhà sản xuất tương đối nhỏ trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực dầu khí toàn cầu, củng cố vị thế đất nước như một đối thủ cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng đầu.
Nguồn thu dự kiến từ dầu khí của Guyana sẽ tăng lên 4,2 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025. Sau thời điểm này, dự kiến giá dầu thô có thể giảm, đồng thời Guyana sẽ đầu tư mạnh để phát triển các mỏ mới, khiến doanh thu giảm xuống còn khoảng 2,4 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, nhờ những đầu tư này, doanh thu của quốc gia có dân số chỉ bằng 1/10 Hà Nội có thể đạt cao nhất 16 tỷ USD vào năm 2036. Những dự đoán này chưa tính đến các nguồn tài nguyên chưa được khám phá.
Hàng loạt các mỏ dầu mới được phát hiện gần đây giúp chính phủ Guyana liên tục gặt hái những thành tựu lớn với tổng doanh thu tích luỹ từ dầu mỏ có thể đạt 157 tỷ USD vào năm 2040.
Guyana là quốc gia dẫn đầu thế giới về các mỏ dầu ngoài khơi mới khám phá ra kể từ năm - tương đương 11,2 tỷ thùng dầu, chiếm khoảng 32% lượng dầu được phát hiện. Con số này vượt xa quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 là Mỹ với sản lượng phát hiện mới tương đương 2,8 tỷ thùng. Đáng chú ý, toàn bộ lượng dầu mới phát hiện tại Guyana đều nằm ở lô Stabroek nhưng các khám phá gần đây cho thấy tiềm năng phát hiện thêm dầu mỏ ở những nơi khác cũng là cực lớn.
Guyana được dự báo sẽ sản xuất 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2035 (chưa tính đến sản lượng chưa được khám phá ra), đưa quốc gia này lên vị trí thứ 4 trong danh sách các nhà sản xuất dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới, vượt xa Mỹ, Mexico và Na Uy.
"Guyana chỉ mới bắt đầu khai thác và kiếm tiền từ nguồn tài nguyên khổng lồ của mình. Những năm tới, họ sẽ tạo ra những cơn gió mạnh trên thị trường toàn cầu. Đất nước này đã trải qua nhiều thập kỷ khám phá và giờ là lúc gặt hái thành quả", Scheiner Parker – Phó chủ tịch cấp cao, đồng thời là người đứng đầu khu vực Latin và Caribe của Rystad Energy cho biết.
Chi phí sản xuất/cung ứng là một yếu tố quan trọng trong việc định giá nguồn thu từ dầu mỏ của các chính phủ. Điều biến Guyana thành một quốc gia có trọng lượng trên toàn cầu là chi phí sản xuất của họ chỉ ở mức trung bình 28 USD/thùng. Các mỏ dầu ngoài khơi của Guyana có chi phí khai thác gần như rẻ nhất nếu không tính khu vực Trung Đông và Na Uy, rẻ hơn nhiều so với khai thác tại Mỹ hay Nga.
Ngoài ra, cường độ phát thải từ hoạt động khai thác ngoài khơi ở Guyana cũng thấp hơn mức trung bình toàn cầu, giúp họ chịu ít áp lực hơn từ các mục tiêu trung hoà carbon. Lượng khí thải thượng nguồn từ các hoạt động nước sâu của Guyana ở mức trung bình 9 kg Co2/mỗi thùng dầu, tương đương với Brazil và cao hơn một chút so với Na Uy.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Việc quản lý thể chế tốt, minh bạch sẽ rất quan trọng để mở ra tiềm năng khai thác tài nguyên của Guyana. Dù chính phủ đã thực hiện nhiều bước đi quan trọng để cải thiện yếu tố quản trị như thành lập quỹ tài sản quốc gia hay cải thiện tính minh bạch của chính sách tài khoá, vẫn còn những cải tiến khác cần được thực hiện.
Guyana, tên chính thức Cộng hòa Hợp tác Guyana, là quốc gia duy nhất thuộc Khối thịnh vượng chung Anh nằm trên lục địa Nam Mỹ. Nước này ở phía bắc xích đạo trong vùng nhiệt đới và nằm trên Đại Tây Dương. Guyana có biên giới phía đông với Suriname, phía nam và tây nam với Brasil và phía tây với Venezuela. Guyana là nước duy nhất tại Nam Mỹ có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và là một trong hai nước còn lại trên lục địa châu Mỹ vẫn áp dụng giao thông bên trái .
Guyana là một từ Amerindian có nghĩa "Vùng đất nhiều nước". Nước này có đặc trưng là những khu rừng nhiệt đới rộng lớn bị chia cắt bởi nhiều con sông, lạch và thác nước, nổi tiếng nhất là Thác Kaieteur trên Sông Potaro.
Nước này có diện tích 214.970 km2 - hạng 85 thế giới, dân số xấp xỉ 800.000 người - bằng khoảng 1/10 so với thủ đô Hà Nội (8,2 triệu người, tính đến tháng 2/2022), GDP năm 2021 đạt hơn 18,3 tỷ USD.