Phát hiện hơn 25.000 vụ hàng giả
Ngày 25/5, Cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công thương) cho biết, năm 2015 phát hiện hơn 25.100 vi phạm hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ.
- 19-05-2016Siêu thị bán hàng giả, nhái?
- 14-01-2016Buôn lậu, hàng giả, hàng nhái: Có bảo kê và móc ngoặc
- 27-12-2015Bất cập xử lý hàng giả, nhái từ người tiêu dùng
Tại Hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của DN” do Bộ Công thương tổ chức ngày 25/5, Cục QLTT cho biết, phương thức, thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi. Có đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện. Đầu mối khác cung cấp các loại bao bì, tem nhãn giả. Hàng giả được sản xuất gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở 1 nơi rồi lắp ráp, hoàn chỉnh ở nơi khác. Có hoá đơn đặt hàng mới gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá và giao liền cho khách hàng. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không tích trữ.
Tình trạng hàng giả có nguồn gốc nước ngoài, kinh doanh hàng giả qua mạng internet ngày càng phổ biến, phúc tạp. Đối tượng vi phạm trà trộn vào khu dân cư, làng nghề, tại doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, thông qua internet …rất khó phát hiện.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho rằng, để làm tốt việc chống hàng giả, nhái cần có sự vào cuộc của DN bị làm nhái, giả sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết các DN né tránh, không dám công bố sản phẩm của mình bị làm nhái vì sợ mất khách hàng.
“Giám đốc DN có hàng hoá bị làm giả sau khi lên truyền hình, chạy như chết đến hiệp hội, nói với tôi: “Tết đến nơi mà nói có hàng giả, hàng nhái thì ai còn mua hàng của tôi nữa”. Có DN cung cấp thông tin về hàng giả cho hiệp hội thì dặn đi dặn lại: “Anh đừng nói là tôi nói nhé. Có ông A, B từng nói rồi bị ném đá vỡ đầu”, ông Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, cán bộ ngồi ghế QLTT, ghế công an phải chống buôn lậu, chống hàng giả, chống gian lận thương mại nhưng nhìn thấy mà không bắt hàng lậu thì không ai làm gì vì “không có luật nào trị người sai phạm ngoài việc tuyên truyền, giáo dục”.
Trong quá trình điều tra các hành vi sai phạm, ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho rằng, vấn đề lớn nhất là thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng, làm việc theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
“Anh nào cũng sợ trao đổi với lực lượng khác thì lộ thông tin. Rồi lực lượng khác lại báo cho DN hoặc đối tượng vi phạm chủ động che giấu hành vi. Truyền thông tin ra chỉ sợ nhất các bác núp trong bụi rậm, các bác biết ngay và báo cho đối tượng vi phạm”, ông Trực nói.
Tiền phong