MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hiện lô heo 130 con dương tính với chất cấm salbutamol

05-01-2023 - 17:20 PM | Thị trường

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với ông Ngạn (áo đen chấm bi) tại trụ sở UBND xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai về lô heo dương tính với chất cấm salbutamol - Ảnh: A LỘC

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với ông Ngạn (áo đen chấm bi) tại trụ sở UBND xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai về lô heo dương tính với chất cấm salbutamol - Ảnh: A LỘC

Ngày 5-1, ông Trần Minh Thành, phó phụ trách phòng thanh tra - pháp chế, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai cho hay đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an tiếp tục điều tra về lô heo 130 con dương tính với chất cấm salbutamol.

Trước đó, ngày 27-12-2022, phòng thanh tra - pháp chế chủ trì, phối hợp lực lượng cảnh sát môi trường Công an Đồng Nai kiểm tra trang trại của ông Trần Quang Ngạn (ấp 3, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động giết mổ và chăn nuôi trên địa bàn.

Thời điểm kiểm tra, trang trại rộng khoảng 10.300m2 của ông Ngạn ghi nhận có 130 con heo (trọng lượng khoảng 90kg/ con) tại hai ô chuồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy một mẫu mước tiểu (mẫu gộp) của 3/33 con heo tại hai ô chuồng. Kết quả xét nghiệm nhanh trên mẫu thử dương tính với chất cấm salbutamol.

Sau đó, đoàn kiểm tra đã lấy hai mẫu nước tiểu heo tại trang trại gửi Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y trung ương II (TP.HCM) để kiểm tra chất cấm salbutamol. Đồng thời, yêu cầu cơ sở không được mua bán, di dời đàn heo khỏi trang trại đến khi có kết quả xét nghiệm. Giao chính quyền địa phương giám sát đàn heo trên đến khi có kết quả xét nghiệm.

Đến ngày 30-12-2022, kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y trung ương II cho thất mẫy mẫu nước tiểu heo lấy từ nhà ông Ngạn là 10,9 ug/l, vượt gấp đôi quy chuẩn (5.0 ug/l).

Ngày 4-1, đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với ông Trần Quang Ngạn và trả phiếu kết quả thử nghiệm trên. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, 130 con heo vẫn còn đầy đủ tại trại của ông Ngạn.

Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở tự bảo quản số heo trên, không được mua bán, di dời đàn heo khỏi trang trại. Đề nghị UBND xã Sông Trầu tiếp tục giám sát số heo trên đến khi có kết luận.

Tại buổi làm việc, chủ cơ sở không đồng ý kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y trung ương II mà đề xuất được tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm lại để đối chiếu. Đoàn kiểm tra đã giải thích việc này không phù hợp với quy định nên không chấp nhận.

Kết thúc buổi làm việc này, đoàn kiểm tra đã lập biên bản làm việc với sự chứng kiến của chính quyền địa phương và thành viên đoàn. Tuy nhiên, chủ cơ sở nhất quyết không ký vào biên bản.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Minh Thành cho biết vụ việc có dấu hiệu tội phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên chuyển hồ sơ cho Công an huyện Trảng Bom tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Cũng theo ông Thành, thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm ngăn chặn "mầm họa" chất cấm salbutanol từng gây xôn xao dư luận, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Nguy hại cho sức khỏe người ăn thịt heo tồn dư salbutamol

Salbutamol (còn gọi là chất tạo nạc) là chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist quy định tại điều 1, Thông tư 57 của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist trong chăn nuôi.

Salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc để điều trị bệnh hen suyễn và một số bệnh về đường hô hấp khác với liều lượng rất nhỏ, được kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc.

Tuy nhiên khi sử dụng trái phép trong chăn nuôi, với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với quy định sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đặc biệt, chất này được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa nên tồn dư trong thực phẩm bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu.

Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa… trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo A Lộc

Tuổi Trẻ

Trở lên trên