Phát hiện lớp áo giáp khổng lồ đang bảo vệ Vạn Lý Trường Thành: Giới khoa học kinh ngạc
Phát hiện mới nhất liên quan đến Vạn Lý Trường Thành đang khiến giới khoa học kinh ngạc.
- 08-12-2023Ảnh hiếm cuối thời nhà Thanh: Hé lộ hình ảnh "phú nhị đại" 100 năm trước, cảnh tượng Vạn Lý Trường Thành gây bất ngờ
- 22-09-2023Đoạn đường nguy hiểm nhất trên Vạn Lý Trường Thành, chỉ những người gan dạ mới dám chinh phục
- 18-09-2023Bộ ảnh Vạn Lý Trường Thành cực hiếm: Pháo đài 556 năm "giao" Hoàng Hà hùng vĩ
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc đã từng lớn hơn nhiều. Những gì còn sót lại ngày nay chỉ là một phần nhỏ trong số các công sự mở rộng được xây dựng ở biên giới phía bắc của nước này bắt đầu từ hơn 2000 năm trước và sau đó bị xói mòn theo thời gian.
Nhưng nhiều phần còn lại của Vạn Lý Trường Thành đang được bảo vệ một cách âm thầm theo cách khó ai ngờ tới.
Theo khám phá mới của các nhà khoa học, phần lớn Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc được bao phủ bởi lớp vỏ sinh học gồm địa y, rêu và vi khuẩn lam - hóa ra điều này không phá hủy dần dần bức tường như người ta nghĩ trước đây mà đang làm chậm quá trình xuống cấp của nó, giúp bảo vệ tuyệt tác kiến trúc khỏi bị xói mòn theo thời gian, Livescience đưa tin ngày 8/12.
Phát hiện gây kinh ngạc cho giới khoa học
Các nhà khoa học đã khám phá ra điều này khi phân tích một đoạn của Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc - công trình trải dài hơn 21.000 km và được xây dựng trong suốt nhiều thế kỷ, bắt đầu từ năm 221 trước Công nguyên.
Ngạc nhiên hơn nữa, lớp vỏ sinh học được tiến hành một cách có chủ ý. Cụ thể, trong quá trình xây dựng, các công nhân cổ đại đã sử dụng đất nện, bao gồm hỗn hợp các vật liệu hữu cơ như đất và sỏi được nén lại với nhau để xây nên bức tường khổng lồ. Mặc dù những vật liệu này có thể dễ bị xói mòn hơn các vật liệu khác nhưng chúng thường giúp thúc đẩy sự phát triển của lớp vỏ sinh học.
Để tăng cường độ bền cơ học, những người xây dựng thời xưa luôn làm đất nện bằng đất sét, cát và các chất kết dính khác như vôi. Những thành phần này cung cấp mảnh đất màu mỡ cho các sinh vật sinh sống và tạo nên lớp vỏ sinh học.
Theo công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances ngày 8/12, việc phát hiện "áo giáp" hoàn toàn tự nhiên đang bảo vệ Vạn Lý Trường Thành khỏi gió, mưa và các lực ăn mòn khác này có thể giúp các nhà khoa học tạo ra các lớp vỏ sinh học mới, nhiều hơn nữa, nhằm bảo vệ kỳ quan của thế giới cổ đại không bị xuống cấp thêm.
Nhà khoa học đất Bo Xiao tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh và các đồng nghiệp của ông trước đó đã lấy mẫu một đoạn tường dài 600 km và phát hiện ra rằng hơn 2/3 diện tích đó được che phủ trong lớp vỏ sinh học. Ngoài tác dụng chống xói mòn, "áo giáp" này còn hoạt động như một chất cách điện, làm giảm nhiệt độ khắc nghiệt và giảm ảnh hưởng của độ mặn lên bức tường.
Những phát hiện này có thể thay đổi cách các nhà quản lý các di sản trên khắp thế giới nhìn nhận thảm thực vật trên các công trình kiến trúc cổ xưa, đặc biệt là những công trình có phần lớn được xây dựng bằng đất nện. Giáo sư Bo Xiao tin rằng lớp vỏ sinh học đại diện cho một chiến lược đầy hứa hẹn và sáng tạo để bảo tồn di sản trên toàn thế giới, Newscientist thông tin.
Bettina Weber, một nhà sinh thái học tại Đại học Graz (Áo), ca ngợi nỗ lực của nhóm trong việc kiểm tra xem tác dụng bảo vệ của lớp vỏ sinh học có thể áp dụng cho khu di sản văn hóa hay không. Cô cho rằng những phát hiện của họ có thể giúp nhiều nhà khoa học nghiên cứu thêm về vỏ sinh học cho các lĩnh vực khoa học mới.
Science.org cho biết, phát hiện về "lớp áo giáp" của Vạn Lý Trường Thành đi ngược lại với quan điểm phổ biến trong bảo tồn di sản rằng sự phát triển của thực vật sẽ phá hủy các tòa nhà hoặc địa điểm khảo cổ.
Điều đáng nói, các lớp vỏ sinh học nói chung đang bị đe dọa. Một số nghiên cứu gần đây đã cảnh báo rằng do biến đổi khí hậu và việc sử dụng đất thâm canh lan rộng trong vài thập kỷ tới, nhiều lớp vỏ sinh học có thể biến mất, kéo theo những lợi ích bảo vệ của chúng.
Nghiên cứu mới cảnh báo sự mất mát đó có thể gây ra hậu quả cho Vạn Lý Trường Thành. Gần đây, các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang nghiên cứu xem liệu họ có thể khôi phục các lớp vỏ sinh học bị hư hỏng hoặc xuống cấp hay không bằng cách thúc đẩy chúng tái sinh.
Nguồn: Livescience, Newscientist, Science.org
Đời sống & pháp luật