MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hiện một lượng "khủng" phụ gia thực phẩm quá đát

15-04-2016 - 14:53 PM | Thị trường

Một số lượng “khủng” nguyên liệu, phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ xuất xứ vừa bị cơ quan quản lý thị trường TP.HCM phát hiện.

Trong ngày 13-4, đội quản lý thị trường 12B phối hợp với đội cảnh sát kinh tế Q.12 bất ngờ kiểm tra kho chứa hàng của ba công ty chuyên kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm tại Q.12, hàng loạt sai phạm được hé lộ. Tổng lượng hàng hóa vi phạm bị tạm giữ gần 300 tấn hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp sơn và chất phụ gia, chất bảo quản, thuốc thú y...

Số hàng tạm giữ ban đầu được xác định thuộc sở hữu của ba doanh nghiệp: Công ty TNHH sản xuất thương mại Amigos, Công ty TNHH sản xuất thú y Đại Dương Trắng và Công ty TNHH hương liệu và hương thơm Hướng Tây. Cả ba doanh nghiệp này đều thuê kho chứa tại đường Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM).

Chuyển công an xử lý

Tại kho hàng thuộc Công ty TNHH hương liệu và hương thơm Hướng Tây, đại diện của công ty không xuất trình được đầy đủ các giấy tờ liên quan xuất xứ của hơn 18 tấn hương liệu thực phẩm (hương chanh, hương trà xanh...) đựng trong các thùng phuy lớn.

Đặc biệt, tại kho chứa hơn 11 tấn (gồm 514 bao) đường nguyên liệu nhãn hiệu Dextrose, xuất xứ Mỹ đã hết hạn sử dụng từ ngày 8-11-2015 và 19-9-2015. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện thêm gần 400kg (35 bao) phụ gia thực phẩm nhãn hiệu Silicon Dioxide nhập khẩu từ Mỹ không ghi thông tin hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, đội trưởng đội quản lý thị trường 12B, cho biết toàn bộ số nguyên phụ liệu quá hạn sử dụng đã được cơ quan chức năng đưa về kho tạm giữ, số hương liệu hơn 18 tấn còn lại giao doanh nghiệp bảo quản.

“Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường ngay sau đó đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật cho đội cảnh sát quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.12 tiếp tục điều tra, làm rõ” - ông Hùng cho hay. Đến chiều 14-4, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện trong kho hàng của công ty có 1.672,3kg hương liệu quá hạn sử dụng từ giữa tháng 6-2015.

Tương tự, khi kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH sản xuất thương mại Amigos, cơ quan chức năng phát hiện 850kg chất phụ gia thực phẩm hiệu Guar Gum BI Col F21, loại 25kg/bao do Ấn Độ sản xuất, đã hết hạn sử dụng từ 25-3-2016. Trên sản phẩm không có thông tin nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Đặc biệt, tại kho hàng của Công ty TNHH sản xuất thú y Đại Dương Trắng có gần 130 tấn bao gồm các loại thuốc kháng sinh, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất bảo quản các loại... Đại diện công ty chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ của số lượng hàng “khủng” này.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện 5 tấn (500 bao) thức ăn chăn nuôi hiệu Belac 300-10kg do Thái Lan sản xuất, đã hết hạn sử dụng từ 6-3-2016.


Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra kho hàng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm hết hạn tại một công ty trên địa bàn Q.12 - Ảnh: Lê Sơn

Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra kho hàng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm hết hạn tại một công ty trên địa bàn Q.12 - Ảnh: Lê Sơn

Hết hạn cũng tuồn ra thị trường

Ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết đơn vị này tiếp tục phối hợp với công an để mở rộng điều tra vụ việc. Đồng thời chỉ đạo tất cả đội quản lý thị trường quận huyện đồng loạt kiểm tra, tập trung các kho chứa là nguồn cung chủ yếu hóa chất, nguyên phụ liệu thực phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kiếm nói rằng những vi phạm được phát hiện cho thấy thị trường mặt hàng này khá phức tạp. Trong đó nổi bật là các vi phạm hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ xuất xứ, quá hạn sử dụng. Thực tế chỉ khi cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra tổng kho chứa trữ mới có thể phát hiện được vi phạm hàng quá hạn sử dụng.

Trong khi đó, tại chợ hóa chất Kim Biên (Q.5), các nguyên phụ liệu, hương liệu thực phẩm được đựng trong can nhựa, túi nilông để bán. Do đó, khách hàng có nhu cầu không thể xác định được chất lượng hàng hóa có đúng như công bố.

“Việc sang chiết, chia nhỏ từ bao, thùng lớn để bán cho khách hàng xảy ra phổ biến tại các cửa hàng ở chợ Kim Biên. Không loại trừ trường hợp hàng hết hạn sử dụng cũng được tuồn ra thị trường. Qua các đợt kiểm tra, những lỗi vi phạm này đều bị xử phạt.

Theo thống kê, khu vực chợ Kim Biên có 17 cửa hàng (1 cửa hàng mới ngừng hoạt động) đều có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng.

Tuy nhiên thực tế, người mua sử dụng vào mục đích chính đáng hay không thì đơn vị không kiểm soát vấn đề này. Rõ ràng, cần có quy định nhằm ràng buộc giữa người bán và mục đích của người mua cùng chế tài xử lý mạnh hơn mới có thể quản lý chặt chẽ thị trường này” - ông Kiếm cho hay.

Nguy cơ ung thư từ phụ gia thực phẩm

Mới đây, tại tọa đàm “Người tiêu dùng và nỗi lo an toàn sức khỏe khi mua sắm” do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM tổ chức, bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - cảnh báo nguy cơ ung thư khi sử dụng thực phẩm chứa nhiều phụ gia.

Theo ông Ký, phụ gia không gây độc hại khi được dùng đơn lẻ, nhưng nếu kết hợp nhiều phụ gia trong quá trình chế biến có thể phát sinh những chất độc hại do phản ứng hóa học hay do tác động vật lý.

Trong khi đó, cơ quan chức năng hiện chỉ quy định hàm lượng phụ gia tối đa cho từng loại mà không quy định hàm lượng tổng các chất tương tự.

Quy định cũng yêu cầu các thực phẩm phải ghi đầy đủ chất phụ gia được sử dụng lên nhãn, nhưng người tiêu dùng không dễ tìm được các thông tin này do chữ bị ẩn hoặc in rất nhỏ. Thậm chí nhà sản xuất đưa ra... danh sách “ảo” của các phụ gia.

Người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên đọc kỹ nhãn mác để biết thực phẩm có chứa bao nhiêu chất phụ gia (theo quy định bắt buộc phải ghi trên nhãn) để có quyết định lựa chọn.

Trong quá trình chế biến thực phẩm tại gia đình không nên lạm dụng phụ gia như bột ngọt, bột nêm, màu caramel, phẩm màu, chất làm mềm, chất tẩy trắng...

Theo Lê Sơn

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên