Phát hiện nhà thờ trăm tuổi đậm nét châu Âu cách Hà Nội 2 giờ chạy xe, du khách nhận xét "ở ngoài đẹp hơn trong hình"
Chỉ mất chưa tới 2 giờ chạy xe, du khách có thể đặt chân tới nhà thờ được ví như "châu Âu thu nhỏ", sở hữu kiến trúc độc đáo nhưng chưa được nhiều người biết tới.
- 18-10-2023Cuộc sống của danh hài Quang Thắng tuổi 55: Mua nhà Hà Nội, vợ con lên ở một thời gian lại dọn về quê
- 18-10-2023Phương Oanh chính thức xác nhận mang thai, tiết lộ cảm giác lần đầu làm mẹ bầu
- 18-10-2023Lương hơn 20 triệu/tháng đi ăn cưới: Đáng sợ nhất là số tiền bỏ phong bì đo theo tiêu chuẩn của người khác
Nhắc tới những địa phương nổi bật về du lịch miền Bắc nước ta, không thể không nhắc tới cái tên Ninh Bình. Cách thủ đô Hà Nội chỉ chưa đến 100km, du khách chỉ mất khoảng 1,5 - 2 giờ đồng hồ, tùy vào hình thức di chuyển để tới đây.
Danh lam thắng cảnh Ninh Bình đa dạng và phong phú, bao gồm cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, hay những công trình, di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa. Bên cạnh những địa điểm đã vô cùng nổi tiếng với du khách như quần thể Tràng An - Bái Đính, Tam Cốc Bích Động, đầm sen hang Múa hay Cố đô Hoa Lư, ít ai biết nơi đây còn có một nhà thờ được ví như "châu Âu thu nhỏ".
Đó chính là nhà thờ Châu Sơn, hay còn có tên gọi khác là Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Đan Viện Châu Sơn. Vị trí chính xác của nhà thờ là nằm tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 35km. Theo thông tin trên trang của Sở Thông tin & Truyền thông Ninh Bình, Đan Viện Châu Sơn được xây dựng từ năm 1939 ở khu vực rừng núi yên tĩnh.
Toàn cảnh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn nhìn từ trên cao (Ảnh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn)
Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn hay Đan Viện Châu Sơn ở Ninh Bình sở hữu nét kiến trúc khác đặc biệt so với nhiều nhà thờ khác (Ảnh Nguyễn Xuân Thu)
Nhà thờ mang đậm kiến trúc châu Âu giữa lòng Cố đô
Khác với một số nhà thờ khác ở Ninh Bình nói riêng cũng như ở miền Bắc nước ta nói chung, Đan Viện Châu Sơn mang kiến trúc đặc biệt. Điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất đó là toàn bộ phần tường của nhà thờ không được sơn màu hay lát, ốp đá, mà giữ nguyên kết cấu gạch đỏ thô, không sơn trát. Cũng chính bởi vậy, nhiều người cũng gọi nhà thờ với cái tên là nhà thờ Gạch.
Qua những hình ảnh hay thước phim về Đan Viện Châu Sơn trên mạng xã hội, trên các hội nhóm và diễn đàn du lịch, nhiều du khách đã phải trầm trồ vì không nghĩ rằng nơi này ở ngay Việt Nam chứ không phải ở bất kỳ đất nước châu Âu nào. Có được điều này là bởi nhà thờ được xây dựng chủ yếu theo kiến trúc Gothic - kiến trúc được áp dụng trong nhiều nhà thờ và các trường đại học ở châu Âu, lan rộng trong suốt thế kỷ 19 và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tận thế kỷ 20.
Kiến trúc Gothic với các đỉnh tháp nhọn được thể hiện rõ rệt trong thiết kế chính tòa của Đan viện (Ảnh Nguyễn Xuân Thu)
Phần tường nhà thờ sử dụng gạch đỏ không sơn trát (Ảnh Thu Phương)
Sở hữu những nét đặc trưng của kiến trúc Gothic, Đan Viện Châu Sơn bao gồm nhiều cột tháp với đỉnh nhọn, xếp đối xứng, bao quanh chính tòa của nhà thờ với độ dài 64m. Trên tường của nhà thờ, tương ứng cũng là những ô cửa sổ được chia thành 2 tầng trên và dưới: Tầng trên là những ô cửa sổ mái vòm, tầng dưới là những ô cửa hình chữ nhật đan xen nhiều họa tiết. Bên trong thánh đường có mái vòm trắng cao 21m, tạo thêm điểm nhấn ấn tượng cho tổng thể kiến trúc đồ sộ, nguy nga ở Đan viện. Khu vực hành lang cũng có thiết kế tương tự.
Bởi vậy, nhiều du khách đến đây đã phải trầm trồ bởi khung cảnh thật sự như một tòa lâu đài mang vẻ đẹp cổ kính, bí ẩn. “Mình đã tới đây vào một dịp mùa đông cách đây vài năm, ở ngoài đẹp hơn trong hình nhiều”, du khách Đặng Quyên (TP.HCM) nhận xét. “Mình đã từng đến đây vào năm 2017 rồi và bên ngoài cực kỳ đẹp”, du khách Quỳnh Anh (Nam Định) nói thêm.
Khung cảnh bên trong chính tòa của Đan viện (Ảnh Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Jut Phạm)
Bên cạnh chính tòa, Đan Viện Châu Sơn cũng sở hữu khuôn viên rộng lớn, phủ kín bằng cây xanh. Có hàng trăm loài cây, hoa với nhiều màu sắc được trồng và chăm sóc kỹ lưỡng tại đây. Ngoài ra, tại khuôn viên cũng có một số công trình phụ, góp phần tạo điểm nhấn như khối hòn non bộ, các bức tượng được điêu khắc tinh tế hay ao, hồ nước. Đặc biệt hơn cả bãi đá trứng nhân tạo khổng lồ, đan xen giữa sắc xanh bao la của cây cỏ. Hay hang đá giếng ong, nơi được nhiều du khách gọi là một “thế giới hoàn toàn khác” ở Đan viện.
Những yếu tố trên kết hợp với nhau, tạo nên khuôn viên Đan viện ngập tràn màu sắc, được du khách ví như "Khu vườn cổ tích". Không chỉ là điểm đến để tìm hiểu về văn hóa lịch sử, giờ đây, Đan Viện Châu Sơn là điểm đến có kiến trúc và cảnh quan nổi bật, rất xứng đáng giới thiệu để thu hút đông đảo du khách hơn nữa.
Khuôn viên nhiều cây xanh hay các công trình phụ ở Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn (Ảnh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn)
Một vài góc khác trong khuôn viên Đan viện (Ảnh Nguyễn Xuân Thu, Hàn Việt Anh)
Bãi đá trứng nhân tạo khổng lồ bên ngoài khuôn viên Đan viện (Ảnh Sở Thông tin & Truyền thông Ninh Bình)
Theo lời của những du khách đã có kinh nghiệm tới Đan Viện Châu Sơn, hiện nay Đan viện mở cửa tham quan miễn phí cho du khách tất cả các ngày trong tuần. Tuy nhiên du khách nên đến vào các khung giờ từ 8h00 - 10h30 và 14h30 - 16h30, trước và sau giờ lễ nguyện. Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, du khách có thể liên hệ trước để đảm bảo chắc chắn được vào lễ và tham quan Đan viện.
Du khách Lưu Thị Thanh Tuyền (Hà Nội) chia sẻ: "Trong chuyến đi vào năm 2019 khi mình đến thì thấy cửa đóng, trên tường có treo một tấm poster thông báo: 'Để giữ bầu khi yên tĩnh, thánh thiêng và cầu nguyện, xin quý vị vui lòng không tự do vào khuôn viên, nhà thờ, vườn...'. Bên dưới có số điện thoại để liên hệ nếu ai muốn xin vào lễ và tham quan. Khi tới đây cần mặc trang phục lịch sự, hạn chế mặc đồ trễ vai, váy ngắn".
"Đoàn mình năm 2017 đi tầm mùng 10 tháng Giêng Âm lịch cũng phải gọi điện hẹn Cha trong Đan viện trước để phòng trường hợp Tết các Cha không trực, không mở cửa đón du khách được", du khách Harper Nguyen (Hà Nội) nói thêm.
Một số hình ảnh của du khách khi tới thăm Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn (Ảnh ST)
Một số lưu ý khác du khách có thể tham khảo trước khi tới thăm Đan Viện Châu Sơn:
- Nếu đến đúng giờ lễ nguyện, đảm bảo không gây mất trật tự, đặc biệt là khu vực trong và ngoài gần Thánh đường
- Nếu đi theo đoàn đông tốt nhất du khách nên liên hệ trước
- Lựa chọn trang phục lịch sự, trang nhã, kín đáo cả về kiểu dáng lẫn màu sắc
- Du khách có thể mang theo xu lẻ để tích lộc tại Đan viện
- Nếu du khách theo Đạo, đến đúng vào giờ lễ nguyện vẫn có thể tham gia cùng
Tổ quốc