MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hiện nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ vi phạm quy định

25-04-2023 - 13:59 PM | Xã hội

TPO - Năm 2022, khoảng 3.000 trường hợp đại lý bảo hiểm bị phát hiện vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Các lỗi phổ biến như tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ…

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ chính thức (gồm cả tổ chức và cá nhân). Thời gian qua, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, hạn chế của kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022, khoảng 3.000 trường hợp đại lý bị phát hiện vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Các lỗi phổ biến như tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ…

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Đoàn Minh Phụng - Trưởng khoa Ngân hàng - Bảo hiểm (Học viện Tài chính) đánh giá, không chỉ tại Việt Nam, ở nước ngoài vẫn có thể xảy ra việc đại lý bảo hiểm nhân thọ chưa hiểu rõ, chưa nắm chắc về sản phẩm bảo hiểm đã tư vấn không đúng, không đầy đủ cho khách hàng. Thậm chí, đại lý bảo hiểm nhân thọ vì lợi ích của mình, quên đi đạo đức nghề nghiệp, cố tình quên đi việc phải tư vấn chính xác, đầy đủ, thậm chí có dấu hiệu lừa khách hàng.

“Ngay cả ở những nước văn minh, với sự ra đời của ngành bảo hiểm cả trăm năm vẫn xảy ra câu chuyện người đại lý bảo hiểm tư vấn chưa chính xác, chưa đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm gây ngộ nhận cho khách hàng. Để xảy ra thực trạng này, bản thân tư vấn viên, đại lý bảo hiểm là người có lỗi và doanh nghiệp bảo hiểm có một phần trách nhiệm”, ông Phụng cho biết.

Phát hiện nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ vi phạm quy định - Ảnh 1.

Theo ông Phụng, doanh nghiệp sử dụng kênh bán bảo hiểm qua đại lý phải có trách nhiệm đào tạo cho đại lý hiểu biết thật rõ về sản phẩm và có nghĩa vụ tư vấn chính xác, đầy đủ cho khách hàng. Hơn nữa, DNBH phải quản lý đội ngũ đại lý của mình, nắm bắt những phản ánh trái chiều của khách hàng về sản phẩm, về tư vấn viên để có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, cảnh báo trên toàn hệ thống và không để lây lan thành hiện tượng xã hội như vậy.

Dẫn ví dụ về kinh nghiệm quốc tế, ông Phụng cho biết, ở nhiều quốc gia, để làm đại lý bảo hiểm, cá nhân đại lý phải ký quỹ một khoản tiền. Trong trường hợp, đại lý bảo hiểm làm sai, phần ký quỹ sẽ bù đắp một phần cho công ty bảo hiểm. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa thật sự coi trọng việc ký quỹ trước khi trở thành tư vấn viên bảo hiểm. Nếu mỗi cá nhân phải ký quỹ vài chục triệu để trở thành tư vấn viên bảo hiểm, DNBH sẽ khó tuyển được đại lý.

“Doanh nghiệp bán bảo hiểm qua kênh đại lý, theo luật họ phải chịu trách nhiệm về những sai sót nghề nghiệp của đại lý làm ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng như sai sót của chính nhân viên của công ty. Nếu đại lý tư vấn sai cho khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm”, ông Phụng đề xuất.

Tại cuộc họp ngày 15/4, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.

"Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm", Bộ Tài chính yêu cầu.

Số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới giảm mạnh

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến cuối tháng 3/2023, có khoảng 13,68 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giảm 250 nghìn hợp đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Sự sụt giảm này do ảnh hưởng của tâm lý tiêu cực thị trường bảo hiểm giai đoạn vừa qua và cũng có một số hợp đồng đến thời điểm đáo hạn.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 39.588 tỷ đồng, tăng 3,1%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Từ tháng 9/2022 đến nay, báo Tiền Phong liên tục có bài viết phản ánh về việc, đại lý bảo hiểm tư vấn không đầy đủ thông tin cho khách hàng trước khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thậm chí, nhiều trường hợp, khách hàng gửi tiết kiệm bị nhân viên ngân hàng tư vấn lập lờ chuyển sang mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên