Phát hiện nhiều vi phạm của TikTok tại Việt Nam
TPO - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc kiểm tra toàn diện ban đầu cho thấy TikTok có rất nhiều vi phạm tại Việt Nam. Quá trình kiểm tra vẫn đang tiếp tục.
- 05-06-2023Một năm thần tốc của TikTok Shop: Tổng giá trị hàng hóa tăng 11 lần, số nhà bán vượt cả Lazada và Tiki, bí quyết nằm ở một thế lực ngày càng hùng hậu
- 23-05-2023Người Việt ngày càng thích mua sắm trong cơn hưng phấn không chủ đích, Shopee dần thất sủng, TikTok Shop tăng trưởng cực kỳ đều đặn
- 18-04-2023Thế trận TMĐT quý I/2023: Shopee chiếm 63% thị phần doanh thu, TikTok Shop đuổi sát sườn Lazada
Tại Họp báo thường kỳ tháng 6 diễn ra hôm nay (5/6), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành đã và đang kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Những phát hiện ban đầu cho thấy, nhận định của cơ quan chức năng về các vi phạm pháp luật Việt Nam của nền tảng TikTok là có cơ sở. Đoàn kiểm tra phát hiện rất nhiều vi phạm. Hoạt động kiểm tra sẽ còn tiếp tục, kết luận sẽ được công bố trong thời gian tới.
Bên cạnh việc kiểm tra toàn diện TikTok, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gặp gỡ trao đổi với cộng đồng những người sáng tạo nội dung và người có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó TikTok.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Một mặt chúng ta kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm của nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và tổ chức, cá nhân có liên quan. Mặt khác phải kêu gọi, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật đến cộng đồng người sáng tạo nội dung lành mạnh trên nền tảng mạng xã hội để giúp họ tuân thủ và làm cho đúng pháp luật. Đồng thời, qua hoạt động của mình, những người sáng tạo nội dung sẽ đóng góp tích cực tạo nên không gian mạng xã hội lành mạnh, góp phần lên tiếng đấu tranh để các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hiểu đúng việc làm sạch, làm đúng, tuân thủ pháp luật mới là xu hướng lâu dài, giúp họ có thể tồn tại, nếu không sẽ bị xử lý.
Trước đó, vào giữa tháng 5, Đoàn kiểm tra hoạt động của TikTok tại Việt Nam được thành lập với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Một số nội dung kiểm tra gồm quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, xử lý khiếu nại của người dùng. Trong đó có việc kiểm tra thuật toán phân phối, đề xuất nội dung cho người dùng và việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Đoàn công tác cũng kiểm tra việc chấp hành các quy định về quảng cáo, việc quản lý người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên TikTok (Idol TikTok). Bên cạnh đó, tập trung vào việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng, đồng thời đánh giá tác động của TikTok đối với thanh thiếu niên.
Đoàn công tác cũng kiểm tra việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của TikTok.
Việc kiểm tra toàn diện TikTok được thực hiện trong bối cảnh, nền tảng xuyên biên giới này đang có nhiều sai phạm khi hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Theo cơ quan chức năng, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội; lôi kéo giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
Cùng với việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, thời gian qua, Bộ tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam.
Làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn, đồng thời tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, fanpage vi phạm.
Bộ cũng làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên Youtube và gỡ bỏ các kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam.
Từ 15/4-15/5, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 399 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 91%). Google gỡ 1.901 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 94%). TikTok đã chặn, gỡ bỏ 51 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 98%).
Tiền Phong