Phát hoảng khi năm đầu về làm dâu, trích hẳn 50 triệu để tiêu Tết mà vẫn thiếu
Tháng 10 năm ngoái, Hải My (sinh năm 1993, quê ở Lạng Sơn, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) kết hôn. Tết 2024 cũng chính là cái Tết đầu tiên cô phải tự mình lo lắng chuyện chi tiêu của gia đình nhỏ.
- 14-11-2024Cố hết sức cũng chỉ để ra được 5 triệu tiêu Tết: Vậy làm thế nào để hợp lý?
- 07-02-2024Ngày làm việc cuối cùng của năm: Nhiều bạn trẻ vẫn đau đáu câu hỏi “tiền đâu tiêu Tết?”
- 05-01-2024Cắt giảm tiền tẩy nhuộm tóc, làm nails đính đá: Có người tiết kiệm được hơn 10 triệu gửi mẹ chi tiêu Tết
Với các nàng dâu mới, Tết đầu tiên tại nhà chồng chính là dịp để "ghi điểm" trong mắt của bố mẹ, họ hàng. Tuy nhiên, lần đầu tiên đón Tết tại nhà chồng luôn khiến các nàng dâu mới cảm thấy bỡ ngỡ, lo lắng. Tự nhận thấy mình không phải người giỏi giang trong việc quán xuyến nhà cửa nhưng vì làm kinh doanh nên cô cũng được nhiều người đánh giá là khéo léo, biết tính toán và chi tiêu, song, năm Tết đầu tiên khi đi làm dâu của Hải My vẫn diễn ra trong sự hoang mang, khiến cô do dự nhiều hơn khi Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần.
"Mình còn nhớ như in, Tết năm ngoái trích hẳn 1 khoản 50 triệu đồng để chi tiêu. Ban đầu mình còn nói với chồng, 50 triệu để tiêu mỗi cái Tết chắc chắn là xông xênh rồi nên toàn bộ thu nhập trước Tết và tiền thưởng của chồng mình chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm. Ai ngờ đến ngày 30 Tết đã sốt sắng lo thêm tiền", Hải My nói.
Lớn lên trong nền tảng gia đình kinh tế ở mức trung bình nhưng Hải My từ nhỏ đến lớn đều không phải lo lắng về việc chi tiêu Tết, đặc biệt liên quan tới chuyện biếu xén. Trên thực tế, điều này gần như đúng với tất cả mọi người, chúng ta chỉ thực sự phải lo toan cho tới khi có gia đình riêng.
"Gia đình chồng mình thuộc diện khá giả nên biếu bố mẹ ít quá thì sợ không ổn. Mà mừng tuổi cho họ hàng cũng không chắc bao nhiêu là đủ để bản thân tôi thấy thoải mái", Hải My cho biết số tiền mừng biếu và lì xì cả 2 bên gia đình ban đầu cô dự tính chỉ gói gọn trong 30 triệu. Tuy nhiên, con số phát sinh ngay sau khi bàn bạc với chồng.
Dâu mới trích 50 triệu đồng để tiêu Tết vẫn không đủ!
Theo tính toán ban đầu của Hải My, trong số 50 triệu đó, cô sẽ biếu bố mẹ 2 bên mỗi bên 10 triệu để sắm Tết, tổng hết 20 triệu đồng. Số tiền 30 triệu còn lại được chia nhỏ thành các khoản: 10 triệu đồng tiền lì xì bố mẹ/họ hàng/các con của bạn bè và 20 triệu đồng là tiền để sắm sửa đồ ăn/quần áo và chi tiêu dịp Tết Nguyên đán của 2 vợ chồng.
Tuy nhiên, khi chia sẻ với chồng, Hải My ngay lập tức nhận thấy con số này là không đủ. Chồng My cho biết, trước khi kết hôn, gia đình anh có thông lệ các con sẽ biếu bố mẹ 10 triệu mỗi dịp Tết. Vậy nên, sau khi đã lấy vợ, chồng My muốn biếu bố mẹ nhiều hơn vì thu nhập của anh hiện không giảm, thậm chí còn cao hơn trước đây.
"Chồng mình muốn biếu bố mẹ mỗi bên 15 triệu đồng, ngoài ra còn phải có thêm giỏ quà Tết để thắp hương gia tiên. Như vậy ít nhất cũng cần số tiền 16 - 17 triệu đồng, tăng gấp rưỡi so với chi phí dự toán của mình", Hải My nói.
Các khoản còn lại như tiền lì xì hay chi tiêu Tết cho 2 vợ chồng, Hải My cho biết chồng cô không can thiệp, cô có thể tự tính.
"Chồng mình là người luôn hướng về gia đình nên việc anh muốn báo hiếu cho bố mẹ, mình hiểu và hoàn toàn đồng ý. Chỉ có điều, số tiền chi tiêu dịp Tết khiến mình khá hoảng", Hải My chia sẻ.
Ngoài số tiền kể trên, việc mua sắm cho khoản ăn uống, cúng bái dịp Tết Nguyên đán cũng đã tăng nhiều so với dự tính của cô Hải My.
"Ngày Tết, cái gì cũng tăng cao, cầm 5 triệu đi sắm Tết chỉ vèo cái là hết. Do tính chất công việc và tính cách thích giao tiếp, chơi với đông đảo bạn bè nên dịp Tết nhà mình thường tiếp đón rất nhiều khách.
Tiền mua thực phẩm lại rất tốn kém trong khi, ngoài bánh kẹo thì hầu hết đều không thể mua trước quá lâu để dự trữ", Hải My bày tỏ và cho biết bản thân cảm thấy rất lo lắng về tiền mua thực phẩm trong dịp Tết năm nay, khi kinh tế suy thoái và nhiều mặt hàng có khả năng tăng cao.
Chia sẻ thêm, Hải My cho biết tổng kết Tết năm ngoái, vợ chồng cô chi 62 triệu đồng. Cụ thể:
- 30 triệu đồng tiền biếu bố mẹ 2 bên trước Tết, ngoài ra tặng thêm 2 giỏ quà trị giá 1 triệu đồng/giỏ. Tổng là 32 triệu đồng.
- Tiền lì xì người thân, họ hàng, con cháu của bạn bè là 10 triệu đồng.
- Tiền mua thực phẩm và đồ ăn dịp Tết là 10 triệu đồng.
- Tiền mua sắm cũng như chi tiêu cho các khoản phát sinh của 2 vợ chồng là 10 triệu đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hải My cho biết cô vẫn chưa dự trù cho khoản chi tiêu Tết năm nay. Song, Hải My chia sẻ, số tiền chắc chắn sẽ không thể chênh lệch quá nhiều vì đó hoàn toàn là các khoản phải chi và cô cũng đã tính toán cẩn thận, chắc chắn rồi.
Phụ nữ số