MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phất lên nhờ xoài 3 màu

24-01-2017 - 22:32 PM | Thị trường

Bao đời nay, người dân cù lao Giêng (gồm 3 xã Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chủ yếu sống bằng cây lúa. Những năm gần đây, cây xoài bén duyên và chiếm vị trí độc tôn ở cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu này. Hàng trăm hộ dân đổi đời, phất lên nhờ cây xoài 3 màu.

Bỏ lúa trồng xoài xuất khẩu

Người tiên phong đưa cây xoài 3 màu về trồng ở cù lao Giêng là ông Nguyễn Hoàng Dư (Bình Phước Xuân). “Gần chục năm trước, trong lúc lặn lội đi tìm giống cây trồng phù hợp với đất cù lao, khi đến vùng Cái Mơn (Bến Tre), tui thấy nhiều người trồng xoài 3 màu (còn gọi là xoài Đài Loan) hiệu quả nên mang loại này về trồng thử”- ông Dư thổ lộ. Lúc đầu, ông Dư ghép giống xoài 3 màu trên những cây xoài cát đang cho hiệu quả kinh tế kém.

Sau hai năm, những cành ghép cho đợt trái đầu tiên, mỗi trái nặng trên dưới 1 kg, cá biệt có trái nặng gần 2 kg. Tuy nhiên, lúc đầu bán không ai mua. Sau biết được thị trường Trung Quốc rất chuộng loại xoài này, lại được giá, ông bỏ lúa chuyển sang trồng xoài với số lượng lớn và rủ cả bà con xung quanh cùng trồng để đủ số lượng xuất khẩu. Với mỗi héc ta xoài 3 màu, ông Dư thu được 20 tấn trái/năm, trừ chi phí, ông lãi trên 500 triệu đồng/ha/năm. Ông Dư cho biết, do áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa cho thu hoạch rải vụ nên xoài cho trái quanh năm, và dù số lượng tăng vọt nhưng hiện tại vẫn không đủ xoài để xuất khẩu.

Nhìn gương thành công của ông Dư và những người xung quanh, bà con ở cù lao Giêng chuyển hướng và học hỏi làm theo. Ông Bùi Văn Hải (xã Mỹ Hiệp) hiện có 20 công đất (1.000m2/công) trồng xoài. Ông cho biết, cây xoài rất thích hợp với điều kiện đất đai nơi đây. Không chỉ mua xoài giống về trồng, ông và bà con ở đây còn mày mò học cách ghép và giờ đã thành thạo kỹ thuật ghép xoài. “Mặc dù không qua trường lớp nào, chỉ học hỏi lẫn nhau, nhưng tạo ra hai, ba loại màu trên quả xoài là chuyện bình thường”- ông Hải nói với nụ cười tươi.

Theo ông Trần Văn Phương - Phó trưởng ấp Đông, xã Mỹ Hiệp, với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, cộng thêm giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với cây lúa, tất cả bà con đã bỏ hẳn lúa sang trồng xoài. “Từ ba năm nay, cuộc sống người dân ở đây chủ yếu nhờ xoài” - ông Phương nói.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp Trần Phú Hào cho biết, trên địa bàn xã Mỹ Hiệp hiện có 1.627ha xoài, đến nay đã thu hoạch khoảng 950ha, với năng suất 15 tấn/ha, tổng sản lượng xoài toàn xã đạt khoảng 25.000 tấn. Với giá bán 20.000đ/kg, có thời điểm giá lên trên 40.000đ/kg, bà con trồng xoài xã Mỹ Hiệp đã thu về hàng trăm tỷ đồng. “Hiệu quả từ trồng xoài đã góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người của xã từ 21 triệu đồng/người năm 2011 lên hơn 35 triệu đồng/người năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4%, phấn đấu cuối năm 2017 xã Mỹ Hiệp đạt chuẩn xã nông thôn mới” - ông Hào nói.

Tạo vị thế cho xoài cù lao Giêng

Mặc dù đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao, song chính quyền và người dân cù lao Giêng vẫn không khỏi trăn trở về sự bền vững của cây xoài. Theo ông Trần Văn Phương, sản xuất theo VietGAP đòi hỏi nhiều yêu cầu, quy trình phức tạp, trong khi bà con nông dân đa phần sản xuất theo thói quen truyền thống, dựa vào kinh nghiệm. Trong khi đó, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thị trường Trung Quốc. “Sự lệ thuộc này sẽ tiềm ẩn rủi ro vì nếu người ta không mua nữa thì không biết bán cho ai”- ông Phương lo ngại.

Ông Nguyễn Văn Sanh – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Mới cho biết, để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán khi người dân đua nhau trồng xoài hoặc lệ thuộc vào một thị trường, chính quyền địa phương đã quy hoạch, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm có thể dễ dàng được tiêu thụ tại thị trường nhiều nước khác ngoài Trung Quốc như hiện nay.

Hiện tại ở xã Bình Phước Xuân đã thành lập Hợp tác xã sản xuất trái cây GAP với diện tích 7,5 ha. Đây là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận VietGAP trên trái cây mang thương hiệu “Xoài 3 màu cù lao Giêng”. Tuy nhiên, số lượng diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn rất hạn chế so với diện tích xoài hiện có của địa phương cũng như nhu cầu thị trường.

Ngoài thị trường Trung Quốc, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản… đã đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua xuất khẩu nhưng với điều kiện phải có diện tích sản xuất xoài VietGAP đủ lớn để đáp ứng các đơn hàng của nước ngoài.

Ông Sanh cũng cho biết, chính quyền địa phương đang hỗ trợ người dân để mở rộng diện tích xoài sản xuất và đạt chứng nhận VietGAP. Đồng thời đang triển khai thành lập Hợp tác xã xoài VietGAP với diện tích khoảng 130ha. Cùng với đó, huyện đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả trên địa bàn nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Theo Cảnh Kỳ

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên