Phát ngôn ấn tượng của những công ty Việt đi toàn cầu hóa
Năm 2016 là một năm đánh dấu nhiều thành công của các công ty Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người”. Sự lớn mạnh của những Viettel, FPT, Vinamilk… ở thị trường nước ngoài mang đến niềm tin về một tương lai chinh phục thế giới. Người Việt cũng biết cách kể chuyện “go global” theo cách của riêng mình.
- 28-01-2017Đầu năm Dậu nói chuyện ước mơ cùng huyền thoại Tập đoàn Daewoo
- 22-12-2016CEO Viettel: ‘Dám ước mơ có thể làm được điều phi thường’
- 02-12-2016Chỉ trích ước mơ lương 2.000 USD: Một thế hệ bạc nhược đã quá đủ!
1. Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Viettel: “Nghèo chính là sức mạnh vì từ đó chúng tôi có khát khao lớn hơn và vì nghèo nên khi làm bất cứ việc gì, Viettel cũng cố gắng bỏ ra chi phí thấp nhất”
Sau 10 năm đầu tư ra nước ngoài Viettel đã có mặt ở 10 quốc gia. Tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông thế giới. Có những nước mà chỉ sau 6 tháng đặt chân đến Viettel đã trở thành nhà mạng số một. 10 năm trôi qua Viettel là biểu tượng lớn nhất trên con đường toàn cầu hóa của doanh nghiệp Việt.
Chia sẻ về những thành công này ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Viettel nói “Thị trường trong nước sẽ đến lúc bão hòa, do vậy, thị trường nước ngoài mới là sân chơi lớn cho những doanh nghiệp muốn lớn mạnh. Khi đi ra bên ngoài, việc phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn của thế giới giúp chúng ta học hỏi được nhiều điều và lớn nhanh hơn”.
Khi được hỏi “cơ hội nào cho người Việt, doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới?” ông Hùng trả lời “Các bạn cứ lo lắng liệu người Việt Nam có làm được không? Tôi khẳng định rằng, người Việt Nam cái gì cũng làm được!”. “Chúng ta hay nói người Việt nước đến chân mới nhảy, nhưng điểm mạnh là khi nước đến chân người Việt nhảy một cách kinh hoàng, các quyết tâm được kích hoạt và có thể làm được những điều không tưởng”
Chia sẻ kinh nghiệm của Viettel ông nói “Nghèo chính là sức mạnh vì từ đó chúng tôi có khát khao lớn hơn và vì nghèo nên khi làm bất cứ việc gì, Viettel cũng cố gắng bỏ ra chi phí thấp nhất”.
2. Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Software: “Nếu cứ phân tích SWOT như các bạn Tây thì không công ty Việt Nam nào dám bước ra khỏi biên giới”
FPT Software có lịch sử 17 năm phát triển thị trường toàn cầu. Đến nay, công ty đã có 23 văn phòng tại 14 quốc gia. Và riêng thị trường Nhật Bản của FPT Software đã cán mốc doanh thu 200 triệu đô la Mỹ trong năm 2016.
Những thành công của FPT Software trong công cuộc đi chinh phục thế giới là không thể phủ nhận. Nhưng ít ai biết rằng trước khi có thành công lớn mang tên Nhật Bản, FPT đã gặp không ít thất bại ở các thị trường nhỏ hơn. Nói về những kinh nghiệm này, ông Hoàng Nam Tiến – chủ tịch FPT Software cho biết sau những thất bại ban đầu FPT cũng dần "go global" một cách bài bản hơn, “chúng tôi cũng thuê các công ty tư vấn từ Mỹ, tìm đến những người giỏi nhất trong lĩnh vực đấy. Trong nội bộ cũng thảo luận kỹ, phản biện. Thậm chí, chúng tôi mời các bạn nước ngoài có kinh nghiệm đi toàn cầu để phản biện… Về mặt chuẩn bị chúng tôi làm cũng kỹ nhưng đó rốt cục quan trọng là cái máu thôi”.
Sau cùng bài học lớn nhất mà chủ tịch FPT Software chia sẻ: “Để làm việc mới, lớn và khác người thì lãnh đạo phải có sự mơ mộng hay ngây thơ nhất định. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không đi ra toàn cầu được vì họ cẩn thận quá, cứ phân tích kiểu SWOT như các bạn Tây. Tôi khẳng định là nếu cứ phân tích kiểu đó thì không một công ty Việt Nam nào dám bước ra khỏi biên giới. Điều đó là hiển nhiên bởi nếu cứ so sánh hiểu biết, kinh nghiệm, tiền bạc… thì làm sao mà dám đi”.
3. Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk: “Công ty nào cũng mong muốn chinh phục được thị trường nội địa - nơi mà mình được khai sinh - rồi mới vươn ra thế giới. Để thành công khi ra bên ngoài biên giới quốc gia, chúng tôi phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình”
Năm 2016 là vừa tròn 40 năm thành lập, đến nay Vinamilk đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa tại Việt Nam và đang vươn mình mạnh mẽ ra quốc tế. Hiện nay ngoài 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zeland, Campuchia, 1 công ty con tại Ba Lan và đang xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường mới như Thái Lan, Myanmar và Châu Phi.
Không chỉ các khoản đầu tư vào các nhà máy, dự án tại nước ngoài, sự hiện diện của những sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các nước bạn.
Theo bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk, để hiện thực hóa kế hoạch trở thành một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới, công ty coi đầu tư ra nước ngoài là chiến lược chính trong thời gian sắp tới của mình. “Công ty nào cũng mong muốn chinh phục được thị trường nội địa - nơi mà mình được khai sinh - rồi mới vươn ra thế giới. Để cạnh tranh với các nước khác thì yếu tố quan trọng nhất là chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu, giá cả phải chăng và phong cách phục vụ. Để thành công khi ra bên ngoài biên giới quốc gia, chúng tôi phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình”
Nói về chiến lược vươn ra thế giới cho các doanh nghiệp Việt bà Liên cho biết, “muốn vươn đi thật xa, thực tiễn đã đúc kết cho tôi thấy mình phải trở thành chuyên gia của lĩnh vực đó ở tầm quốc tế. Muốn vậy, kiến thức rất quan trọng. Lúc đó mới quyết định việc gì nên làm, làm vào thời điểm nào? “Nhìn” được tương lai ra sao?. Nếu không có kiến thức, thì sẽ rất khó, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đã mở toang hết tất cả mọi cánh cửa”
4. Thái Hương - Chủ tịch HĐQT TH True Milk: “TH True MILK phải là loại sữa tươi sạch đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới. Nếu chỉ xác định sữa đó đạt tiêu chuẩn Việt Nam, thì người Việt mãi mãi chạy sau thế giới”
Năm 2016, Tập đoàn TH trở thành nhà đầu tư “đình đám” nhất Việt Nam với kế hoạch đầu tư Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, triển khai trong 10 năm. Không dừng chân ở thị trường trong nước, bà Thái Hương đã thực hiện thành công việc mở con đường lớn đưa sữa tươi sạch TH true MILK đến với xứ sở Bạch Dương.
Tại Diễn đàn Sữa quốc tế, bà Thái Hương đã gây bất ngờ cho nhiều người bởi từ một nước thuộc vùng trũng phát triển của bản đồ sữa, chỉ vài năm, tập đoàn TH đã xác lập Kỷ lục Châu Á về trang trại lớn nhất ứng dụng công nghệ cao. Và chưa đầy một năm sau, đã sẵn sàng trở thành nhà đầu tư quốc tế tầm cỡ.
Theo nhà sáng lập TH Milk, sở dĩ có được những thành công như vậy là do triết lý đúng đắn của tập đoàn TH: “Chúng tôi chọn đương đầu với thử thách không phải để bước lên bục vinh quang mà để được cống hiến, mang lại giá trị sống đích thực cho chính mình, cho gia đình và cho cộng đồng xã hội đã, đang bị hủy hoại sức khỏe từng ngày, từng giờ bởi chất độc hại được gieo rắc từ chính lòng tham con người”.
Theo bà Thái Hương thì “TH True MILK phải là loại sữa tươi sạch đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới. Nếu chỉ xác định sữa đó đạt tiêu chuẩn Việt Nam, thì người Việt mãi mãi chạy sau thế giới”