MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát sốt vì 1 thứ ở Nga, nước châu Âu gửi tối hậu thư tới toàn EU: Đòn giáng vào Moscow sẽ bị chặn đứng?

16-10-2024 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Nước này đã từ chối cắt đứt quan hệ với Nga và mới đây nhất vừa chặn thỏa thuận cuối cùng về khoản vay 50 tỷ USD của EU, Mỹ và G7 dành cho Ukraine.

Hungary đe dọa chặn đòn giáng của EU vào Nga

Hãng tin RT (Nga) ngày 16/10 đưa tin, Hungary có thể chặn các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nếu nước này mất quyền miễn trừ đối với nguồn cung cấp năng lượng từ Moscow.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, Budapest sẽ chỉ cho phép áp dụng các hạn chế với Nga nếu chính sách của EU không gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của nước này.

Phát sốt vì 1 thứ ở Nga, nước châu Âu gửi tối hậu thư tới toàn EU: Đòn giáng vào Moscow sẽ bị chặn đứng?- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: RT

Trước đó, EU đã cấm vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển vào tháng 12/2022, như một phần chiến dịch trừng phạt quy mô lớn đối với Moscow do phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.

Tuy nhiên, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc – ba quốc gia không giáp biển – vẫn yêu cầu được miễn trừ ra khỏi lệnh cấm này do thiếu nguồn cung cấp thay thế. Hiện tại, nguồn năng lượng của Nga có tầm quan trọng sống còn với họ. Đặc biệt, Hungary đang phụ thuộc rất lớn vào Nga về dầu thô. Khoảng 70% lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đến từ Nga.

"Các lệnh trừng phạt thường được xem xét theo chu kỳ 6 tháng. Miễn là các lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực thì các quyền miễn trừ này phải được duy trì. Nếu không, chúng tôi sẽ phủ quyết các lệnh trừng phạt" – Ông Szijjarto nói.

Bộ trưởng Hungary nhấn mạnh, việc mua năng lượng từ Nga không thuộc phạm trù chính trị, mà là vấn đề an ninh năng lượng.

Thế nhưng, ngoài việc nhắm mục tiêu vào dầu mỏ Nga bằng các biện pháp trừng phạt, Brussels cũng đã đặt mục tiêu từ bỏ khí đốt của Nga vào năm 2028 theo khuôn khổ kế hoạch REPowerEU. Ông Szijjarto chỉ trích kế hoạch này là một quyết định "hoàn toàn phi lý", có động cơ chính trị.

Phát sốt vì 1 thứ ở Nga, nước châu Âu gửi tối hậu thư tới toàn EU: Đòn giáng vào Moscow sẽ bị chặn đứng?- Ảnh 2.

Hungary đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng từ Nga. Ảnh: intellinews

"Cách tiếp cận này hoàn toàn không liên quan gì tới khả năng cạnh tranh kinh tế hay quá trình chuyển đổi xanh. Đây rõ ràng là một cam kết chính trị, và việc đưa ra các cam kết chính trị trong lĩnh vực năng lượng hoàn toàn không có ý nghĩa gì" – Ông Szijjarto nói, đồng thời cáo buộc EU áp dụng "cách tiếp cận ý thức hệ giáo điều" nhưng không thể bắt Hungary tuân thủ.

"Bạn chỉ thay thế một nguồn cung cấp năng lượng trong hai trường hợp – một là không hài lòng với mối quan hệ hợp tác, hai là nhận được một đề nghị tốt hơn.

Vậy thì tại sao chúng tôi lại phải thay đổi một nguồn năng lượng đã tồn tại dựa trên sự hợp tác đáng tin cậy (với Nga) thành một thứ gì đó không chắc chắn, và trên hết là đắt tiền hơn?" – Ông Szijjarto lập luận, ám chỉ tới những nỗ lực của EU nhằm tìm nguồn cung ứng ở các thị trường thay thế, chẳng hạn như Trung Đông và Mỹ.

Hoạt động nhập khẩu dầu của Hungary từ Nga đã gặp nhiều áp lực từ đầu năm nay sau khi Kiev không cho phép trung chuyển dầu thô do tập đoàn năng lượng Lukoil (Nga) cung cấp qua đường ống Druzhba, với lý do trừng phạt công ty này.

Budapest chỉ trích động thái của Ukraine là "tống tiền" và từ chối cắt đứt quan hệ với Nga. Nước này đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu can thiệp, nhưng đã bị từ chối với lý do quyết định của Kiev không ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của khối. Hiện tình hình vẫn chưa được giải quyết.

Phát sốt vì 1 thứ ở Nga, nước châu Âu gửi tối hậu thư tới toàn EU: Đòn giáng vào Moscow sẽ bị chặn đứng?- Ảnh 3.

Hungary từ chối cắt đứt quan hệ với Nga. Ảnh: EuroNews

Tăng cường "chốt đơn" bất chấp sức ép

Bất chấp sức ép từ EU, hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 15/10 cho biết, Budapest và tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga đang đàm phán các giao dịch mua bổ sung trong năm tới. Động thái này dự kiến sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Hungary vào khí đốt Nga.

"Về cơ bản, chúng tôi sẽ tăng khối lượng. Chúng tôi đã ký một thỏa thuận cho quý cuối cùng năm nay, trong đó bao gồm các khối lượng (khí đốt) bổ sung với mức giá đảm bảo giá cả cạnh tranh" – Ông Szijjarto nói.

"Chúng tôi hiện đang đàm phán một thỏa thuận cho năm tới" – Ngoại trưởng Hungary lưu ý thêm rằng thỏa thuận này sẽ bao gồm khối lượng khí đốt lớn hơn do công suất được cải thiện của đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", chạy từ Nga đến châu Âu qua Biển Đen.

Theo tờ Kyiv Independent, Hungary hiện là quốc gia thân thiện nhất với Moscow trong EU và NATO, khi liên tục cản trở viện trợ cho Kiev và các kế hoạch trừng phạt nhằm vào Nga. Cá nhân ông Szijjarto cũng đã nhiều lần tới thăm Nga trong quá trình xung đột Ukraine diễn ra.

Mới đây nhất, Hungary đã chặn thỏa thuận cuối cùng về khoản vay 50 tỷ USD của EU, Mỹ và G7 cho Ukraine. Một nhà ngoại giao EU cho biết, các thành viên còn lại trong EU đang tích cực gây áp lực nhưng Thủ tướng Hungary Viktor Orbán "vẫn không nhượng bộ".

Budapest nhận được khoảng 4,5 tỷ mét khối khí đốt của Nga hàng năm theo thỏa thuận kéo dài 15 năm ký từ 2021. Gazprom và công ty năng lượng MVM của Hungary đã ký biên bản ghi nhớ về việc tăng nguồn cung cấp khí đốt tại một diễn đàn ở St. Petersburg hôm 10/10.


Theo Minh Minh

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên