Nga tuyên bố sẽ hỗ trợ quân sự nếu Triều Tiên bị tấn công
Nga sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên nếu quốc gia này bị tấn công, theo hiệp ước giữa Mátxcơva và Bình Nhưỡng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết.
- 16-10-2024Nga thần tốc lập kỷ lục ở Kursk, ông Zelensky họp khẩn; rộ đồn đoán 10 vạn binh Triều Tiên tới Ukraine
- 15-10-2024Đội tàu chở dầu ‘bóng tối’ của Nga tăng mạnh quy mô hoạt động
- 15-10-2024Nga giành nhiều lãnh thổ ở Kursk, dập tắt hy vọng của Ukraine về lá bài mặc cả
“Nếu một hành động gây hấn được tiến hành nhằm vào Triều Tiên , tất cả các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện theo hiệp ước của chúng tôi và của Triều Tiên”, ông Rudenko nói ngày 15/10, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Đông Bắc Á sau khi Triều Tiên phá huỷ một phần cơ sở hạ tầng giao thông biên giới với Hàn Quốc.
Các điều khoản mà ông Rudenko nhắc đến nằm trong hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin một ngày trước đó đã đệ trình hiệp ước lên Duma Quốc gia để phê chuẩn. Hiệp ước được ký tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6.
“Nội dung hiệp ước nói lên tất cả: Điều 3, Điều 4. Hiệp ước đã được ký kết, vì vậy nó được công khai", ông Rudenko nói. "Hiệp ước có Điều 4, đề cập đến việc hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị gây hấn. Theo đó, các bên - trong trường hợp một trong hai bên bị gây hấn - sẽ cung cấp cho nhau bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào, bao gồm cả hỗ trợ quân sự".
Hiệp ước quy định các bên phải duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có tính đến luật pháp quốc gia và nghĩa vụ quốc tế, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng, cũng như các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia. Các bên phải tìm cách thiết lập sự ổn định chiến lược toàn cầu và một hệ thống quốc tế đa cực công bằng, theo hiệp ước.
Văn bản cũng nêu rõ, rằng trong trường hợp có mối đe dọa về hành vi tấn công vũ trang nhằm vào một trong hai quốc gia, thì các quốc gia - theo yêu cầu - sẽ ngay lập tức kích hoạt các kênh tham vấn song phương để phối hợp lập trường, đồng thời thống nhất các biện pháp thực tế có thể tiến hành để hỗ trợ lẫn nhau loại bỏ mối đe dọa.
Trong trường hợp một bên bị một hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi biện pháp có thể, theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và theo luật pháp của Nga - Triều Tiên.
Tiền phong