Đội tàu chở dầu ‘bóng tối’ của Nga tăng mạnh quy mô hoạt động
Đội tàu chở dầu "bóng tối" của Nga đang vận chuyển 70% lượng dầu bằng đường biển, bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm hạn chế doanh thu năng lượng ở Moskva.
- 19-05-2024Houthi lần đầu tấn công tàu chở dầu đi từ Nga tới Trung Quốc
- 27-04-2024Houthi bắn tên lửa vào tàu chở dầu từ Nga trên biển Đỏ?
- 01-04-2024Người đàn ông đứng chặn giữa đường ray để ngăn tàu chở dầu đi qua, tưởng bị phạt nào ngờ còn được trọng thưởng hơn 1 tỷ đồng
- 26-02-2024Khủng hoảng Biển Đỏ gây ra tình trạng thiếu tàu chở dầu
Theo báo cáo từ Trường Kinh tế Kiev (KSE), sản lượng dầu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu - vốn bảo dưỡng với chất lượng kém và không có bảo hiểm đầy đủ, tăng gần gấp đôi trong vòng một năm qua, lên mức 4,1 triệu thùng/ngày.
Những phát hiện này nhấn mạnh khó khăn chồng chất mà đồng minh phương Tây của Ukraine phải đối mặt trong nỗ lực cô lập nền kinh tế của Nga, buộc Moskva chấm dứt cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Hồi tháng 12/2022, Vương quốc Anh cùng các nước G7, Australia và EU áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng để hạn chế công ty phương Tây vận chuyển dầu thô của Nga.
Động thái của phương Tây được xem là sự thỏa hiệp giữa lo ngại lệnh cấm vận hoàn toàn có thể dẫn đến giá dầu tăng vọt và gây ra cú sốc giá dầu toàn cầu. Tuy nhiên, Nga nhanh chóng tìm ra giải pháp tạm thời bằng cách sử dụng đội tàu chở dầu cũ không rõ chủ sở hữu, cho phép bán với giá cao hơn giá trần.
Báo cáo của KSE ước tính Nga đầu tư ít nhất 10 tỷ USD vào đội tàu này kể từ đầu năm 2022. "Chiến lược này làm giảm đáng kể đòn bẩy trừng phạt của các nước phương Tây" , báo cáo thông tin.
Theo dịch vụ thông tin hàng hải Lloyd's List Intelligence có hơn 630 tàu chở dầu, trong đó có một số tàu hơn 20 năm tuổi tham gia vận chuyển dầu của Nga.
Thời gian qua, chính phủ phương Tây luôn cố gắng tìm cách ngăn chặn hạm đội "bóng tối" của Nga. Hồi tháng 9, Vương quốc Anh công bố lệnh trừng phạt đối với 10 tàu chở dầu nghi ngờ thuộc quyền sở hữu của Moskva.
KSE cũng kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với dầu mỏ của Nga và cảnh báo đội tàu ngầm không được bảo hiểm của Nga có thể gây ra thảm họa môi trường ở vùng biển châu Âu. Phần lớn dầu mỏ của Nga được vận chuyển qua tuyến đường vận tải quốc tế, bao gồm biển Baltic và eo biển Gibraltar.
VTCnews