Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn: Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định
Thành phố Đà Nẵng quyết tâm xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn; trong đó phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để phát triển ngành công nghiệp này.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, TP Đà Nẵng quyết tâm xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn; trong đó, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để phát triển ngành công nghiệp này.
Mới đây, tại TP Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ châu Á và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Khoảng 30 học viên tham gia khoá học trong thời gian 3 tháng là các giảng viên và sinh viên của các trường Đại học, chuyên đào tạo về khoa học kỹ thuật trên địa bàn TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là thông tin vui đối với những bạn trẻ đam mê ngành học này.
Bạn Nguyễn Khắc Hưng, sinh viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng bày tỏ: “Em là sinh viên ngành công nghệ thông tin và vi mạch bán dẫn là ngành em yêu thích. Đây cũng là lĩnh vực TP Đà Nẵng chú trọng phát triển, nên hy vọng các bạn sinh viên có cơ hội theo học và tìm kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường”.
Điểm nổi bật của khóa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn là học viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch. Với việc khai giảng khoá đào tạo này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại miền Trung, Tây Nguyên.
PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho biết, nhà trường triển khai chương trình đào tạo và mở thêm phòng thí nghiệm. Đây được xem là phòng thí nghiệm đầu tiên của TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung có các thiết bị đo kiểm thử các chip, vi mạch bán dẫn. Sau khi các học viên thiết kế, nhà trường có thiết bị để đo kiểm thử lại.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định thành lập 2 tổ triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP Đà Nẵng” gồm Tổ công tác và Tổ tư vấn... Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn. Để thực hiện mục tiêu này, Đà Nẵng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn.
Mục tiêu của TP Đà Nẵng đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP, 8.950 DN công nghệ số, 115.000 nhân lực công nghệ số, 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm,… Những năm gần đây, các trường Đại học, cơ sở đào tạo tại TP Đà Nẵng chủ động hình thành, mở rộng, nâng cao chất lượng đào đạo, đào tạo chuyên sâu ngành điện tử, vi mạch nhằm đón đầu nhu cầu phát triển…
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng khẳng định, thành phố xác định phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn lấy nhân lực là yếu tố quyết định; đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới. Cùng với đó, thành phố xây dựng các chính sách tập trung vào hệ sinh thái kết hợp giữa nhà nước, nhà trường và DN.
Trong đó bao gồm chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành vi mạch, trí tuệ nhân tạo; Chính sách về bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch và trí tuệ nhân tạo, ưu đãi, thu hút đầu tư; Chính sách về hoàn thiện bộ máy tổ chức nhân sự tham mưu cho lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt là việc thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm nghiên cứu đào tạo, phát triển vi mạch và trí tuệ nhân tạo…
“Muốn phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phải ưu tiên trước hết nhân lực, DN và cơ sở đào tạo. Đồng thời phải có môi trường, thể chế, chính sách quản lý địa phương song hành để thúc đẩy phát triển nhân lực, DN và cơ sở đào tạo ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Cần có các chương trình hỗ trợ các trường Đại học, cơ sở đào tạo tiếp cận các công nghệ để đầu tư vận hành hạ tầng phục vụ phát triển chip bán dẫn và vi mạch, như trung tâm thiết kế vi mạch, trung tâm tính toán hiệu năng cao, trung tâm ươm tạo, nghiên cứu và phát triển”, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT, đơn vị đang phối hợp với các địa phương, các ngành, các trường Đại học và các chuyên gia xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2045.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu của các DN đang hoạt động và nhu cầu của các nhà đầu tư trong tương lai, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Dự kiến đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ hơn 200.000 kỹ sư.
Để đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Đề án đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chính bao gồm: Đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và phát triển; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ; thu hút chuyên gia, nhân tài; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển DN; hỗ trợ triển khai; cơ chế tài chính.
“Trong đào tạo nguồn nhân lực sẽ tập trung đào tạo giảng viên, đào tạo sinh viên hệ chính quy, hệ ngắn hạn chuyển tiếp, nhân lực trình độ sau Đại học. Ngoài ra, đề án khuyến khích các cơ sở, DN tham gia quá trình đào tạo. Để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đạt chất lượng, việc hợp tác rất quan trọng. Đặc biệt là việc hợp tác giữa trường Đại học, Viện nghiên cứu và DN cũng như hợp tác quốc tế”, ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ.
vov.vn