Phát triển ngành năng lượng phù hợp với cam kết tại Hội nghị Cop26
(Tổ Quốc) - Hội thảo tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh vừa được tổ chức vào sáng ngày 17 tháng 8 năm 2022 tại Hà Nội.
Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương đồng chủ trì tổ chức; nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn các chủ thể có liên quan về các nhiệm vụ, hành động để thực hiện thành công "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050"; Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Phát biển đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu rõ Việt Nam là quốc gia luôn chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề toàn cầu. Điều này đã được khẳng định qua sự tham gia, cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua diễn ra tại Vương quốc Anh. Cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng phù hợp với xu thế chung của toàn cầu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Một trong những văn bản hết sức quan trọng là dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng nhiều kịch bản, phương án để điều chỉnh, cập nhật Dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng giảm dần phụ thuộc nhiệt điện than và dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý. Hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới. Theo đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Những cơ chế hợp tác đa phương và song phương là rất có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành năng lượng và nền kinh tế quốc gia của Việt Nam. Để đảm bảo mục tiêu phát triển theo hướng tăng, ngành năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu sau: (i) Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; (ii) Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; (iii) Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; (iv) Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo (v) Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và sử dụng điện của nền kinh tế.
Song song với đó, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.
Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả đến từ các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các diễn giả đến từ các tổ chức: Đại sứ quán Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức GGGI tại Việt Nam.
Phần Tọa đàm tập trung thảo luận về nội dung chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh trong bối cảnh toàn cầu mới đã cung cấp nhiều thông tin mang tính tổng hợp, nhiều chiều cạnh, cập nhật nhất về chủ đề chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Hội nghị COP 26 vừa qua.
Tổ Quốc