MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Phe con gấu' trở lại, Tesla tiếp tục là cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất thế giới

19-05-2021 - 18:08 PM | Tài chính quốc tế

'Phe con gấu' trở lại, Tesla tiếp tục là cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất thế giới

Theo dữ liệu của S3 Partners, giá trị giao dịch bán khống đối với cổ phiếu Tesla ở mức 22,5 tỷ USD tính đến ngày 13/5.

Trong quý trước, văn phòng gia đình của Michael Burry đã thực hiện một khoản đặt cược bán khống lớn vào Tesla. Dẫu vậy, nhà đầu tư nổi thế của tác phẩm "The Big Short" không phải là người duy nhất có động thái như vậy.

Ihor Dusaniwsky - giám đốc điều hành bộ phận phân tích dự đoán của S3 Partner, chia sẻ với Yahoo Finance Live: "Cho đến nay, Tesla là công ty có tỷ lệ bán khống cao nhất trên thị trường. Đây là cổ phiếu bị bán khống mạnh nhất trên toàn thế giới trong vài năm nay."

Theo dữ liệu của S3, giá trị giao dịch bán khống đối với cổ phiếu Tesla ở mức 22,5 tỷ USD tính đến ngày 13/5. Như Dusaniwsky đã chỉ ra, con số này gần bằng tỷ lệ bán khống đối với cổ phiếu Amazon và Microsoft cộng lại.

Phe con gấu trở lại, Tesla tiếp tục là cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất thế giới - Ảnh 1.

Các cổ phiếu bị bán khống mạnh nhất tính đến ngày 13/5 theo dữ liệu của S3 Partners (đơn vị: tỷ USD).

Giải thích một cách đơn giản, bán khống cổ phiếu cho phép nhà đầu tư đặt cược rằng giá cổ phiếu đó sẽ giảm. Nhà đầu tư đi vay một cổ phiếu để bán, sau đó sẽ cover hoặc mua lại, thường thời điểm lý tưởng là khi mức giá thấp hơn, và lấy phần chênh lệch.

Khi giá cổ phiếu không giảm như dự đoán, cổ phiếu đó đôi lúc sẽ ở mức quá đắt và nhà đầu tư không thể nắm giữ thêm. Điều này có thể khiến họ phải "buy to cover" (mua lại cổ phiếu đã vay để thoát khỏi vị thế bán trước đó). Hành động này của các nhà đầu tư bán khống có thể đẩy giá cổ phiếu đó. Nếu những người khác mua vào, giá có thể tăng mạnh và gây ra tình trạng "ép bán" (short squeeze).

Đó là những gì đã xảy ra với cổ phiếu Tesla trong vài năm qua: tỷ lệ bán khống tăng nhưng giá tăng vọt. Do đó, nhà đầu tư bán khống bị rơi vào thế "ép bán" và giúp cổ phiếu này còn tăng mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, xu hướng này đã hạ nhiệt trong năm nay, khi cổ phiếu Tesla đã giảm khoảng 30% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào ngày 8/1. Ngay cả khi giá của các cổ phiếu tăng trưởng cao đã giảm, thì lượng giao dịch bán khống vẫn tiếp tục diễn ra.

Dusaniwsk cho hay: "Mọi người đang gia nhập xu hướng đặt cược giá xuống này. Do đó, họ tiếp tục đặt cược bằng cách bán khống khi giá cổ phiếu đi xuống."

Ông ước tính, tổng giá trị giao dịch bán khống đối với các cổ phiếu ông theo dõi là 1,1 nghìn tỷ USD, tăng từ 990 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Hôm 18/5, truyền thông Mỹ đưa tin, trong cuối quý I, huyền thoại "The Big Short" Michael Burry đã mua 800.100 quyền chọn bán đối với cổ phiếu Tesla, tương đương giá trị chịu rủi ro là 534 triệu USD, theo một hồ sơ gửi lên SEC. Hồ sơ cho thấy, tính đến ngày 31/3, Burry đã sở hữu 800.100 hợp đồng quyền chọn bán, chưa xác định giá trị, giá thực hiện hay ngày hết hạn.

Trước đó, Burry đã nói trong một dòng tweet rằng việc Tesla dựa vào các chứng nhận không phát thải (regulatory credit) để tạo ra lợi nhuận là một mối đe doạ. Tuy nhiên, nội dung này sau đó đã bị xoá. Khi ngày càng có nhiều công ty tự sản xuất xe chạy bằng pin, thì rõ ràng nhu cầu đối với chứng nhận không phát thải của Tesla sẽ giảm bớt. 

Tham khảo Yahoo Finance

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên