MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phi đô la hóa ‘nóng’ lên: 2 quốc gia chủ chốt BRICS có động thái mới nhất nhằm lật đổ đồng USD, vị thế của đồng bạc xanh thêm lung lay?

16-07-2024 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Các nước BRICS đang nỗ lực hợp tác thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng sẽ không có thách thức đáng kể nào đối với vị thế của đồng bạc xanh trong tương lai gần.

Phi đô la hóa ‘nóng’ lên: 2 quốc gia chủ chốt BRICS có động thái mới nhất nhằm lật đổ đồng USD, vị thế của đồng bạc xanh thêm lung lay?- Ảnh 1.

Xu hướng phi đô la hóa tiếp tục thu hút sự chú ý mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng mối đe dọa này bị thổi phồng khi Ấn Độ và Nga vừa công bố quan hệ đối tác mới. Trong đó, hệ thống thanh toán của hai nước – RuPay của Ấn Độ và MIR của Nga – sẽ được tích hợp nhằm cho phép giao dịch xuyên biên giới mà không cần đến đô la Mỹ.

Mối hợp tác được công bố sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Moscow. Nhân dịp này, hai nước đã củng cố quan hệ hợp tác và các thỏa thuận thương mại mới. Tại cuộc họp, Ấn Độ khẳng định cam kết mở cửa thương mại với Nga – một đối tác quan trọng trong BRICS, đồng thới tạo điều kiện giao thương thuận lợi bằng cách sử dụng hệ thống thanh toán RuPay và MIR.

Theo thỏa thuận, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi được cho là đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2030.

Việc sử dụng hệ thống thanh toán trong nước và đồng nội tệ dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mỗi nước vì việc này giúp tiết kiệm hàng triệu USD theo tỷ giá hối đoái và rời xa đồng đô, từ đó giúp củng cố đồng nội tệ và kinh tế.

“Chúng tôi [BRICS] phải phát triển hệ thống thanh toán riêng của mình, bao gồm các nền kinh tế Nam bán cầu. Điều này cho phép chúng tôi thực hiện các giao dịch bằng nội tệ chứ không phải đô la Mỹ”, Andrey Kostin – Tổng giám đốc điều hành của Ngân hàng VTB (Nga), cho biết tại một cuộc họp báo vào tuần trước. “Ấn Độ rất tích cực trong việc hợp tác với Nga”, ông nói thêm.

Kostin cho biết cả hai đang nỗ lực nhằm tích hợp RuPay và MIR cho các giao dịch thương mại. BRICS muốn thoát khỏi đồng đô la Mỹ, euro và các loại tiền tệ phương Tây khác, vị giám đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiều nhà phân tích khẳng định rằng mối đe dọa đối với phi đô la hóa đang bị thổi phồng, nhưng không thể phủ nhận rằng tỷ trọng đồng USD trong các giao dịch có thể giảm đáng kể nếu các nước BRICS tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia cho hoạt động thương mại.

Các ngành ngân hàng và tài chính Mỹ có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi BRICS rời bỏ đồng đô la. Điều này cũng có thể dẫn đến xáo trộn trên thị trường ngoại hối khi các cặp tiền tệ mới tăng lên trong quá trình chuyển đổi, làm suy yếu thêm đồng đô la Mỹ.

Trong bối cảnh các ngân hàng Mỹ đang cho vay hàng triệu đô la trên toàn cầu, bất kỳ động thái dịch chuyển khỏi đồng đô la đều có thể khiến các hoạt động này bị giảm sút, gây tổn hại đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Hệ thống tài chính Mỹ nói chung cũng có thể bị ảnh hưởng vì việc sử dụng đồng bạc xanh giảm trên toàn cầu sẽ khiến các khoản tiền này quay trở lại Mỹ, do đó có khả năng đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.

Thỏa thuận thanh toán giữa Nga và Ấn Độ là diễn biến mới nhất của chiến dịch phi đô la hóa mà các nước BRICS theo đuổi. Tuy vậy, theo tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, không một đồng tiền nào, dù là đồng euro hay bất kỳ đồng tiền nào của BRICS, có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc toàn cầu vào đồng đô la.

“Vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng đô la vẫn đảm bảo trong ngắn hạn và trung hạn”, một báo cáo mới từ Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết. “Đồng đô la tiếp tục thống trị các khoản dự trữ ngoại hối, hóa đơn thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu. Tất cả các đối thủ tiềm năng, bao gồm cả đồng euro, đều ít có khả năng thách thức đồng đô la trong tương lai gần”.

Đề cập những nỗ lực phi đô la hóa của BRICS bằng kế hoạch phát triển một loại tiền tệ chung, báo cáo của cho biết: “Các thành viên BRICS đã chuyển sự chú ý từ đồng tiền chung sang các hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới, với mục tiêu tạo ra một hệ thống tài chính đa cực hơn. Đơn cử, Trung Quốc đang dẫn đầu nỗ lực này bằng việc đẩy nhanh việc phát triển Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) – một cơ chế thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ”.

Thông tin từ Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024, CIPS có thêm 62 thành viên tham gia trực tiếp. Hiện hệ thống này đã có 142 người tham gia trực tiếp và 1.394 người tham gia gián tiếp”.

Báo cáo đánh giá, “các cuộc đàm phán xung quanh hệ thống thanh toán nội bộ BRICS đang ở giai đoạn đầu, nhưng các thành viên đã đạt được các thỏa thuận song phương và đa phương với nhau, tập trung vào tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương bán buôn xuyên biên giới (CBDC) và các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Các thỏa thuận này có thể khó mở rộng quy mô do các vấn đề về quy định và thanh khoản, nhưng về lâu dài có thể tạo cơ sở cho một nền tảng trao đổi tiền tệ hiệu quả”.

Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự của đồng đô la Mỹ ở thời điểm hiện tại không phải từ BRICS. Theo Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng Mỹ và cựu Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ, mối đe dọa thực sự đối với đồng bạc xanh là sự tăng trưởng không bền vững của nợ quốc gia Mỹ.

“Chúng ta phải thức tỉnh trước mối đe dọa của nợ quốc gia ngày càng gia tăng đối với tương lai của đất nước trước khi quá muộn”, ông Pompeo viết. Ông lưu ý, “một báo cáo gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính thâm hụt ngân sách năm nay của Mỹ sẽ là 2 nghìn tỷ USD, vượt xa mức dự báo 400 tỷ USD vào tháng 2 và lớn mức thâm hụt 300 tỷ USD vào năm ngoái”.

Theo Kitco News

Y Vân

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên