MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phi hành gia mắc kẹt trên vũ trụ, trở thành 'công dân Liên Xô cuối cùng'

28-04-2024 - 08:20 AM | Tài chính quốc tế

Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, phi hành gia Sergei Krikalev đang ở trong không gian và đã "mắc kẹt" trong một khoảng thời gian trước khi được trở về Trái đất.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, phi hành gia Sergei Krikalev đang ở trên trạm vũ trụ Mir và được mệnh danh là "công dân Liên Xô cuối cùng". Thời điểm ấy, ông Krikalev được thông báo rằng ông không thể quay lại Trái đất vì đất nước hứa đưa ông trở về đã không còn tồn tại.

Chuyện xảy ra với Krikalev

Bốn tháng trước đó, Krikalev, kỹ sư không gian 33 tuổi, đã lên đường tới trạm vũ trụ Mir từ Sân bay vũ trụ Baikonur của Liên Xô, nằm ở Kazakhstan. Nhiệm vụ của Krikalev dự kiến ​​kéo dài 5 tháng. Khi ấy, Krikalev không ngờ rằng một cuộc đảo chính có thể xảy ra và làm thay đổi mọi thứ.

Ông Krikalev nhớ lại: “Đối với chúng tôi, điều này hoàn toàn bất ngờ. Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi thảo luận về nó, chúng tôi chỉ cố gắng hiểu nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành vũ trụ”.

Và quả thực, những gì diễn ra sau đó đã làm đảo lộn ngành vũ trụ. Khi Liên Xô sụp đổ, Krikalev được thông báo rằng không có tiền để đưa ông trở lại Trái đất.

Phi hành gia mắc kẹt trên vũ trụ, trở thành 'công dân Liên Xô cuối cùng'- Ảnh 1.

Phi hành gia Sergei Krikalev. (Ảnh: TASS)

"Họ thừa nhận việc để tôi lại không gian là điều khó khăn, nó rất ảnh hưởng tới sức khoẻ của tôi. Nhưng bấy giờ đất nước đang rối ren, việc tiết kiệm tiền phải là ưu tiên hàng đầu", tạp chí Discover dẫn lời ông Krikalev.

Thực tế, ông đã có thể rời đi sớm hơn khi một tàu vũ trụ tới trạm Mir và dự tính quay về Trái đất. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc trạm vũ trụ Mir sẽ bị bỏ hoang và không có người chăm sóc.

"Tôi đã tự hỏi liệu mình có đủ sức khoẻ để thực hiện sức mệnh duy trì Mir hay không. Tôi thật sự không chắc", ông kể lại.

Việc ở ngoài không gian quá lâu có thể gây ra nhiều hệ luỵ tới sức khoẻ, bao gồm eo cơ, phóng xạ, nguy cơ ung thư, hệ thống miễn dịch ngày càng yếu đi.

Trong trường hợp của ông Krikalev, thời gian thực hiện sứ mệnh này kéo dài gấp đôi thời gian dự kiến ban đầu. Ông đã dành tổng cộng 311 ngày, tương đương với khoảng 10 tháng, trong không gian. Trong thời gian này, Nga đã cắt giảm 4 nhiệm vụ bay được lên lịch trình xuống còn 2 nhiệm vụ. Đáng nói, cả 2 nhiệm vụ này đều không đưa thêm một kỹ sư không gian nào khác lên trạm vũ trụ.

Nga, vào thời điểm đó đang gặp vấn đề lớn về tài chính do lạm phát, đã bán cho các quốc gia khác chuyến bay trên tên lửa Soyuz. Trong đó, Áo đã mua một ghế với giá 7 triệu USD, Nhật Bản mua một ghế với giá 12 triệu USD để cử một phóng viên truyền hình lên trạm vũ trụ.

Theo đó, trong khi các thành viên phi hành đoàn khác đã quay trở lại Trái đất, thì Krikalev, kỹ sư máy duy nhất vẫn phải ở lại trạm vũ trụ. Bị nhốt ngoài không gian, xa nhà, Krikalev đã phải nhờ các đồng nghiệp mang mật ong cho anh để vực dậy tinh thần. Nhưng những gì ông nhận được chỉ là chanh và cải ngựa.

Sự trở về

Ông Krikalev cuối cùng đã quay trở lại Trái đất vào ngày 25/3/1992 sau khi Đức trả 24 triệu USD để mua vé cho kỹ sư Klaus-Dietrich Flade, người có thể thay thế ông.

Khi hạ cánh, một người đàn ông vẫn mặc bộ đồ du hành vũ trụ có chữ “Liên Xô” và lá cờ Liên Xô màu đỏ. Một báo cáo mô tả ngoại hình ông "xanh xao như bột mì và đẫm mồ hôi, giống như một cục bột ướt". Đây cũng là khi cả thế giới biết tới “nạn nhân của không gian” này.

Sau đó, 4 người đã giúp ông đứng lên và đỡ ông khi ông xuống mặt đất. Một người trong số họ đưa áo khoác lông cho ông, trong khi người kia mang cho ông một bát súp.

Phi hành gia mắc kẹt trên vũ trụ, trở thành 'công dân Liên Xô cuối cùng'- Ảnh 2.

Ông Sergei Krikalev phải ở lại trạm vũ trụ Mir lâu gấp đôi thời gian dự kiến. (Ảnh: TASS)

Trong khi Krikalev "mắc kẹt" ngoài không gian, mọi thứ đã thay đổi. Vùng ngoại ô Arkalykh, thành phố nơi ông đặt chân đến, đã không còn thuộc Liên Xô mà trở thành một phần của nước cộng hòa độc lập Kazakhstan. Thành phố nơi ông sống không còn được gọi là Leningrad nữa mà được gọi là St. Petersburg.

Khi ở trong không gian, ông đã quay quanh Trái đất 5.000 lần và lãnh thổ đất nước của ông đã bị thu hẹp hơn 5 triệu km2. Đảng Cộng sản Liên Xô, từng lãnh đạo đất nước từ những năm 1920, đã không còn. Mức lương 600 rúp/tháng của ông, vào thời điểm ông bay vào vũ trụ và được coi là mức lương tốt đối với một nhà khoa học, đã bị mất giá thảm hại.

Krikalev nói trong cuộc họp báo vài ngày sau: “Tôi đã sống trên lãnh thổ Nga trong khi các nước cộng hòa thống nhất thành Liên Xô. Và giờ khi tôi trở về Nga lại là một phần của Cộng đồng các quốc gia độc lập".

Sau đó, ông đã được phong làm Anh hùng nước Nga và hai năm sau, tiếp tục thực hiện một sứ mệnh không gian khác, trở thành phi hành gia Nga đầu tiên bay trên tàu con thoi của NASA. Tiếp đó, ông cũng là người đầu tiên ở trên Trạm vũ trụ quốc tế mới.

Theo Kông Anh/VTC News

VTC News

Trở lên trên