Phí tham quan vịnh Hạ Long tăng sốc: Cái gốc là khâu quản lý
Chỉ hơn một năm mà Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã 2 lần đề xuất tăng phí tham quan, lần nào cũng tăng mạnh
Ban Quản lý vịnh Hạ Long vừa có đề xuất tăng phí tham quan ra vào vịnh từ ngày 1-1-2019. Nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành kêu trời. Đa phần cho rằng Hạ Long đang tận thu, mức phí liên tục tăng trong khi chất lượng dịch vụ không thay đổi. Việc tăng phí sẽ làm giảm sức cạnh tranh, giảm lượng khách đến Hạ Long.
Theo đề xuất, phí tham quan sẽ tăng 20% các tuyến 1 (các hang Ba Hang, Thiên Cung, Đầu Gỗ, các hòn Chó Đá, Đỉnh Hương, Trống Mái); tuyến 2 (bãi tắm Soi Sim, Ti Tốp; các hang Sửng Sốt, Bồ Nâu, Luồn, Trống, Trinh Nữ; động Mê Cung; hồ Động Tiên); tuyến 4 (các hang Cỏ, Thầy, Cống Đỏ, Cạp La, Vông Viêng; khu sinh thái Tùng Áng - Cống Đỏ, Công viên Hòn Xếp) và tuyến 5 (các hòn Chó Đá, Đỉnh Hương, Trống Mái; hang Ba Hang, bến Gia Luận - Cát Bà, Hải Phòng) đều tăng từ 250.000 đồng lên 300.000 đồng vé. Riêng tuyến 3 (Cửa Vạn, hang Tiên Ông, hồ Ba Hầm, đền Bà Men, Áng Dù) giữ nguyên mức 200.000 đồng/vé. Đối với các tuyến tham quan và nghỉ đêm trên vịnh đều tăng 73%. Phí lưu trú 1 đêm tăng từ 550.000 đồng lên 950.000 đồng/người. Phí lưu trú 2 đêm tăng từ 750.000 đồng lên 1,3 triệu đồng/người.
Một góc bến tàu Tuần Châu - Hạ Long Ảnh: Trọng Đức
Điều đáng nói là ngày 1-4-2017, phí tham quan vịnh Hạ Long đã được điều chỉnh tăng thêm. Như vậy chỉ hơn một năm mà 2 lần tăng phí, lần nào cũng tăng mạnh.
Trong kinh doanh, việc điều chỉnh giá cả, tăng - giảm tùy điều kiện thực tế là chuyện bình thường. Ngành nào cũng có tăng và giảm. Riêng phí tham quan ở Việt Nam, chỉ có tăng và tăng, chưa bao giờ giảm với điệp khúc "Tăng, tăng nữa, tăng mãi", chưa biết lúc nào kết thúc. Hai địa phương đang quyết liệt giành ngôi quán quân tăng phí tham quan là Hạ Long và Ninh Bình.
Một số DN không thèm kêu vì cũng chẳng giải quyết được gì, cứ như gió thổi nhà trống nên họ chọn thái độ "im lặng là vàng"; dành thời gian bức xúc để lo kinh doanh, tiết kiệm, tự cứu mình và tập "sống chung với lũ".
Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề không phải là liên tục tăng phí mà ở khâu quản lý. Phí tham quan thả nổi, mạnh ai nấy quyết, chẳng có quy chuẩn, quy trình nào cả.
Ở các nước, các điểm tham quan đều do bộ hoặc tổng cục du lịch quản lý và được xếp loại theo từng cấp độ - di sản thế giới - danh thắng và di tích quốc gia - danh thắng và di tích vùng. Mỗi cấp độ lại chia thành loại 1, 2, 3 hoặc sao để định phí tham quan gốc theo giá trần. Phí này sẽ được cộng thêm quy mô đầu tư dịch vụ, phương tiện tại điểm đến. Giá cả, tăng/giảm do tiểu ban định giá đề xuất, bộ du lịch quyết định. Có những điểm, phí tham quan mấy chục năm không đổi. Mùa thấp điểm còn giảm giá hoặc khuyến mãi kiểu mua 2 hay 3 tặng 1… Nguồn thu chủ yếu không phải từ phí tham quan mà là tiền sử dụng các dịch vụ, không chăm bẳm và chờ thời cơ tăng phí.
Có người đoán là Hạ Long đang muốn chia bớt khách cho Cát Bà (TP Hải Phòng) vì cảnh quan tương đồng, giá cả dịch vụ mềm hơn. Hải Phòng có sân bay, đi đường bộ từ Hà Nội xuống cũng gần hơn; chỉ là chưa có thương hiệu như Hạ Long.
Tăng phí tham quan vịnh Hạ Long chỉ là phần ngọn của cành lá. Bài toán phải được giải quyết từ gốc. Quản lý theo ngành dọc chứ không thể hình chéo ngôi sao như hiện nay. Nếu không thay đổi, chuyện tăng phí đột biến như lâu nay sẽ trở nên rất bình thường, không có gì mà ầm ĩ.
Quá nhiều bất cập
Theo các DN đang khai thác tour đưa du khách tham quan vịnh Hạ Long, Hạ Long đang tồn tại nhiều bất cập gây bức xúc với du khách và DN.
Cụ thể, hạn chế về mặt tuyến điểm sau khi tăng giá vé khiến du khách không được tham quan các điểm thoải mái mà phải theo đúng tuyến. Tàu du lịch có thể chạy xen kẽ các điểm tham quan của tuyến 1, 2, 3 nhưng không được tùy ý chạy tuyến 4 (Cảnh Sơn - Vung Viêng - Bái Tử Long). Nếu muốn sang tuyến 4 phải quay về bến, làm lệnh lại và phải trả thêm phí.
Việc hạn chế du khách ngủ đêm tại Lườm Bò theo ngày, không được chọn ngày cụ thể mà ban quản lý chỉ định khiến cho lịch trình DN cam kết với du khách không được thực hiện. Theo quy định hiện hành, du khách chỉ có thể tắm biển tại bãi tắm Ti Tốp (được ban quản lý cấp phép), còn lại hàng ngàn bãi tắm đẹp, hoang sơ ở Hạ Long bị cấm tắm, cấm bơi. Do đó, với những khách lưu trú 1 đêm, đành phải giảm bớt thời gian được thư giãn trên bãi biển, còn những khách muốn nghỉ ngơi 2-3 đêm trên vịnh cũng chỉ đi quanh bãi Ti Tốp để tắm, còn lại phần lớn thời gian "chôn chân" trên tàu, vô hình trung làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến.
T.Phương
Ăn dày thì sống với ai?
Vào tháng 4-2017, phí lưu trú trên vịnh Hạ Long đã tăng 275% cho 2 đêm và 200% cho 1 đêm, nay lại tăng thêm đến mức kinh hãi. Chưa tính chi phí ăn uống, ngủ nghỉ trên tàu, mức tham quan và lưu trú tăng thêm sẽ khiến các công ty du lịch và khách nản chí bởi chất lượng dịch vụ không tăng mà giá dịch vụ lại cao, bất hợp lý và không tương xứng.
Với việc đề xuất lần này, phải cân nhắc lợi hại. Tăng phí thì thu thêm bao nhiêu, mà cái mất có khi lớn gấp bội phần. Trong làm ăn, kinh doanh, cứ càng nhắm mắt mà thu thì đó cũng là cách tự hại mình nhanh nhất. Cứ nghĩ độc quyền, tận thu rồi mất khách, không ai thèm đến. Lúc đó hả họng mà kêu. Đó là lối tư duy làm ăn chụp giật, ngắn hạn, không nghĩ đến lâu dài của địa phương, đất nước. Tận thu hết mức rồi ai chơi với ta, ta chơi với ai?
Mấy năm trước đây, khi Quảng Bình dự kiến tăng phí tham quan du lịch động Phong Nha, Tổng cục Du lịch đã có công văn đề nghị hạn chế tăng giá vé và UBND tỉnh này đã đồng ý, chỉ đạo các đơn vị quản lý, kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giữ nguyên giá vé, tạo điều kiện tốt nhất cho khách tham quan. Năm 2017, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chủ động đề xuất UBND tỉnh giảm giá vé tham quan Phong Nha và động Thiên Đường từ 20%-30% để thu hút du khách.
Du lịch là đem lại sự thoải mái, thân thiện, vui vẻ, để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Khi đã vui vẻ, thoải mái, du khách tiêu tiền mới đúng nghĩa công nghiệp không khói. Sau du lịch còn là thể diện, uy tín quốc gia và nhiều giá trị cao đẹp khác mà du khách cảm nhận. Đó mới là quảng bá du lịch tốt gấp nhiều lần những lời sáo rỗng.
Hãy nghĩ đến lợi ích lớn lao và lâu dài. Đừng nghĩ ngắn, làm ngắn, đừng làm theo tư duy nhiệm kỳ. Hãy rút lại đề nghị này đi là tốt nhất.
Hoàng Hoa
Người Lao động