MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế

Dự án “Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh” của Thừa Thiên Huế vừa đoạt giải “Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huế chia sẻ cởi mở: “Để mức độ hài lòng của người dân lên tới 70%, chúng tôi phải mất 2 tháng, bình quân một tuần họp với Chủ tịch tỉnh 2-3 lần”.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 1.

Khi bắt đầu triển khai đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế gặp phải những khó khăn gì?

Khó khăn đầu tiên khi triển khai đô thị thông minh ở Huế, mà có lẽ cũng là khó khăn chung trên toàn quốc, là vấn đề nhận thức. Chưa nói đến việc hiểu cụ thể, hiểu một cách cơ bản về đô thị thông minh cũng là một vấn đề vô cùng thách thức đối với các cấp lãnh đạo. Đặc biệt là khái niệm "thông minh" nó đã trở thành thách thức trong cách hiểu, cách nhìn và yêu cầu phải đạt đến.

Thứ hai là khó khăn về mặt kinh phí. Đối với dịch vụ đô thị thông minh, ngay khi tiếp cận ban đầu kinh phí cũng rất lớn. Địa phương sẽ đặt ra câu hỏi, liệu có thành công hay không?

Thứ ba là việc nâng cao trình độ của người dân vì đô thị thông minh đa phần tương tác trên môi trường công nghệ. Hơn nữa, toàn bộ các quy trình thực hiện 100% trên môi trường mạng, nên việc đảm bảo khả năng tương tác kịp thời đối với dịch vụ đô thị thông minh không hề đơn giản.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 2.

Vậy còn thuận lợi thì sao, thưa ông?

Tỉnh ủy xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được đưa vào nghị quyết. Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh triển khai đề án theo hình thức thông qua đề án của Hội đồng nhân dân, từ đó đã tạo ra sự đồng thuận lớn trong hệ thống Nhà nước tại địa phương.

Đặc biệt quan trọng là sự ủng hộ, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh nhận thức được vai trò của công nghệ thông tin là rất lớn và xác định đây là công cụ quan trọng để chuyển đổi hình thức, nâng cao hiệu quả quản lý. Trong giai đoạn triển khai chính quyền điện tử, một số phương pháp, giải pháp và quy định đã được hình thành, từ đó tăng niềm tin và sự tin tưởng của chính quyền.

Quan trọng hơn cả, đồng chí Chủ tịch tỉnh ngoài việc quan tâm tạo điều kiện thì cũng hiểu rất sâu về công nghệ thông tin. Đồng chí thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ hữu hiệu để phục vụ cho theo dõi, giám sát và đặt bài toán yêu cầu. Vừa hiểu rõ vừa tạo điều kiện sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ có sự quan tâm.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 3.

Thông thường việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh sẽ kéo dài bởi cần sự phối hợp của nhiều ban ngành và có rất nhiều vấn đề phát sinh, Thừa Thiên Huế đã làm thế nào để có thể đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án?

Việc chuẩn bị cho thành phố thông minh thật ra không phải đến lúc đặt vấn đề với các đối tác mới có, mà có từ thời điểm xây dựng đề án. Song song với đó là lập kế hoạch từ khi xây dựng đề án nên khi khởi công rồi thì các công đoạn dự kiến được thực hiện rất thuận lợi.

Trong việc xây dựng đề án, lựa chọn lĩnh vực là rất quan trọng. Lĩnh vực được lựa chọn phải phù hợp với thực tiễn địa phương cũng như thế mạnh của địa phương. Thứ hai là lĩnh vực liên quan đến ngành nào thì phải đánh giá mức độ sẵn sàng của ngành đó.

Thứ ba, vô cùng quan trọng là khả năng phối hợp của Sở Thông tin và Truyền thông với các ngành để bắt tay ngay từ khi xây dựng đề án, tạo sự thống nhất khi đề án được ban hành và triển khai. Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế được giao nhiệm vụ xâu chuỗi đầu mối, được Chủ tịch ủy quyền các nhiệm vụ nhằm đảm bảo đề án thành công.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 4.

Sau 6 tháng đi vào vận hành, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh đã giải quyết được vấn đề gì của thành phố?

Đối với các vấn đề nội bộ cơ quan Nhà nước, có 4 kết quả đạt được. Thứ nhất là về mô hình (mô hình trung tâm giám sát tỉnh và mô hình trung tâm giám sát ngành). Trung tâm điều hành là trái tim của đô thị thông minh, đặt trung tâm ở đâu và mô hình đó hoạt động như thế nào cũng là câu chuyện tranh cãi rất lớn. Nhưng sau một thời gian thí điểm và sự chỉ đạo định hướng của lãnh đạo tỉnh, mô hình của Thừa Thiên Huế đã được hình thành với tính đồng thuận cao.

Thứ hai là quy trình, Thừa Thiên Huế đã hình thành được quy trình có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Trung tâm giám sát, điều hành và các ngành. Từ đó việc triển khai thông tin đầu vào xuất phát từ trung tâm điều hành đến các ngành được tiếp nhận, phối hợp xử lý một cách chặt chẽ, có giám sát.

Điều đặc biệt nữa, quan điểm của Chủ tịch UBND cũng xác định khá rõ vai trò của Trung tâm Giám sát điều hành này là trung tâm hỗ trợ cho Chủ tịch UBND tỉnh giám sát hoạt động của các ngành, nhằm giảm thiểu rủi ro của bộ máy hành chính thông thường.

Ví dụ, trong việc xử phạt vi phạm giao thông, khi hệ thống phát hiện vi phạm thì công an phải xử lý tương ứng. Trong trường hợp công an xử lý không đảm bảo số lượng, cần giám sát để có biện pháp giải  quyết.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 5.

Thứ ba là vấn đề nhân sự. Nếu như hệ thống vận hành trơn tru thì sẽ giảm bớt áp lực nhân sự rất nhiều. Khi một cảnh báo được phát hiện từ Trung tâm, hệ thống sẽ chuyển thông tin về cho các ngành. Và chỉ cần một nhân sự ngành là có thể theo dõi phản ánh đó.

Thứ tư, đến giai đoạn này chúng tôi tự khẳng định rằng mô hình này tuy thời gian hoạt động chưa dài nhưng thực tiễn đã chứng minh là hiệu quả. Hiệu quả lớn nhất là đã thay đổi được nhận thức về thông tin giữa các cơ quan tham gia, tạo ra một quy trình làm việc có thể khắc phục được những hạn chế hành chính thông thường.

Còn đối với xã hội và người dân thì thông qua hệ thống tương tác, người dân kết nối với chính quyền cực kỳ thuận tiện. Ngay từ đầu, tỉnh cũng chỉ đạo ban ngành triển khai ngay quy chế về thông tin đầu vào. Trong đó, thông tin cá nhân của công dân hay tổ chức phải theo cơ chế bảo mật. Người dân rất tin tưởng nên số lượng tương tác phản ánh thông tin ngày càng nhiều.

Ở Huế có 3 hệ thống chính: cổng dịch vụ đô thị thông minh trên Internet qua nền tảng web, ứng dụng Hue-S cho người dân và ứng dụng Hue-G dành riêng cho cán bộ cơ quan Nhà nước cũng trên nền tảng di động. Công cụ đánh giá mức độ hài lòng của người dân đã góp phần làm người dân tự tin và hào hứng hơn với việc tham gia vào hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 6.

Với các cơ quan bị giám sát, hiệu quả hoạt động có tăng lên không?

Ở Huế chúng tôi coi đó là "được giám sát" chứ không phải "bị giám sát" (cười). Cơ chế giám sát được hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đã có quy định rõ ràng về thời gian công bố kết quả, nếu trong 7 ngày không công bố, hệ thống sẽ tự động cảnh báo.

Trong quá trình tương tác nếu phát sinh vấn đề chuyên môn liên quan đến các cơ quan có thẩm quyền, Trung tâm được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền mời đơn vị đó tham gia. Hơn nữa, ngay từ ban đầu, số lượng nhân sự tham gia là giới hạn, được đào tạo và chọn lọc nên giảm bớt được rất nhiều vấn đề.

Thực tế, việc giám sát này có tạo ra áp lực với các cơ quan. Tuy nhiên, để giải quyết áp lực đó, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức họp để cùng tháo gỡ. Tham gia vào mạng lưới hoạt động của tỉnh là người đứng đầu các cơ quan. Ứng dụng đô thị thông minh được đơn giản hóa và triển khai trên môi trường di động nên lãnh đạo có thể xử lý mọi lúc mọi nơi.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 7.

Việc khuyến khích người dân sử dụng các tiện ích của đô thị thông minh diễn ra như thế nào?

Ngay từ khi triển khai, chúng tôi xác định: mỗi công chức là một công dân. Bản thân việc phản ánh, cán bộ công viên chức cũng tham gia từ đầu và vận động người dân.

Chúng tôi thí điểm từ tháng 9/2018, trong quá trình thí điểm thì số lượng tương tác còn thấp. Triển khai từ đầu năm 2019, chúng tôi tập trung nguồn lực trong vòng 2 tháng, bình quân một tuần họp với Chủ tịch tỉnh 2-3 lần, để theo dõi đôn đốc cơ quan Nhà nước thay đổi nhận thức, có vấn đề là khắc phục ngay. Đến tháng thứ 3 là hệ thống đi vào nề nếp, tỷ lệ hài lòng của người dân chiếm đến hơn 70%.

Dự án Trung tâm Giám sát điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế là dự án đầu tiên của Việt Nam đạt giải "Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á". Điều này có ý nghĩa gì với tỉnh?

Ý nghĩa lớn nhất vẫn là tạo ra lòng tin và sự tự tin. Dù nói thế nào, 6 tháng cũng chỉ là kết quả ban đầu, nếu đánh giá kết quả thực sự chính xác thì cần có thời gian dài hơn. Tuy nhiên, giải thưởng này sẽ tạo ra lòng tin cho lãnh đạo và các cơ quan triển khai, người dân cũng sẽ ủng hộ hơn. Đặc biệt, ý nghĩa quan trọng nhất là người dân có hiểu và tích cực tham gia thì đô thị thông minh mới thành công được.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 8.

Khi nhìn lại quá trình triển khai với các đối tác đưa ra giải pháp cho Trung tâm điều hành thông minh, ông thấy điều gì?

Khi triển khai đề án, chúng tôi có rất nhiều đối tác cả trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng rất cẩn trọng nghiên cứu các đối tác. Trước tiên phải thẳng thắn rằng, giải pháp của nước ngoài rất tốt. Tuy nhiên, giải pháp của họ cũng có hạn chế vì chỉ tốt theo thiết kế của họ thôi chứ không theo điều kiện thực tế của mình.

Nếu để đồng hành với địa phương, điều chỉnh kịp thời thì họ gặp phải rào cản không thực hiện được. Mỗi địa phương là một thực tiễn khác nhau mà muốn đạt hiệu quả thì phải điều chỉnh.

Còn đối với một số đối tác Việt Nam, chúng tôi phát hiện ra vấn đề là nhiều đơn vị rất giỏi nhưng điều đáng tiếc là tiếp cận từng dịch vụ theo từng lĩnh vực một chứ chưa tính phương án liên kết các dịch vụ lại, hoặc có tính tới nhưng chỉ trên lý thuyết chứ thực nghiệm thì chưa thể hiện rõ.

Riêng với Viettel thì chúng tôi thấy là các băn khoăn của Thừa Thiên Huế được giải quyết dù chưa triệt để. Thứ hai, Viettel có quan điểm về thể hiện trách nhiệm khá rõ, quan điểm này cũng song hành với hành động cũng như phát biểu của lãnh đạo Viettel. Thứ ba là việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp với địa phương được Viettel thực hiện tốt. Chúng tôi đánh giá cao điều này.

Một điểm nữa chúng tôi cũng đánh giá cao Viettel là thật thà (cười). Nếu có điểm gì còn chưa tốt, các vấn đề tồn đọng thì phía Viettel cũng nói thẳng thắn, không giấu diếm để cùng giải quyết. Cuối cùng là công tác phối hợp giữa 2 bên khá nhịp nhàng, ăn khớp nên triển khai khá thuận lợi.

Phía sau giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” của Thừa Thiên Huế - Ảnh 9.

Ông có thể chia sẻ 3 kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế trong việc triển khai đô thị thông minh?

Quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của lãnh đạo, kết hợp với sự am hiểu về lĩnh vực chuyên môn. Đơn vị chủ trì được giao nhiệm vụ phải chủ động quy trình chứ không thể chạy theo quy trình công nghệ, dựa trên cơ sở chia sẻ và đồng hành với các đơn vị khác.

Đơn vị chủ trì triển khai giải pháp nền tảng, các đơn vị tham gia thì phải đảm bảo được tính độc lập tương đối của các ngành. Và cuối cùng là sự chuẩn bị có kế hoạch và tiếp cận có quy trình sẽ giúp đưa ra các bài toán phù hợp trên cơ sở sự ủng hộ và ủy quyền của lãnh đạo tỉnh.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thì đầu tiên cần đánh giá, khảo sát như cầu nào là cấp thiết đối với người dân, doanh nghiệp và làm, để làm cơ sở xây dựng cho bài toán dịch vụ đô thị thông minh chứ không nên đứng trên cơ sở của tính thông minh của công nghệ.

Thái Trang
Lê Huy Hoàng Hải
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên