MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau lợi nhuận khủng của các ngân hàng

27-07-2019 - 07:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc các ngân hàng đạt lợi nhuận cao sẽ tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay, điều này tốt cho nền kinh tế.

Bên cạnh hoạt động truyền thống là cho vay, gần đây nhiều ngân hàng tập trung “tấn công” mạnh vào mảng dịch vụ, nhất là các dịch vụ mới nhằm lôi kéo khách hàng.

Đổi mới, chuyển hướng kinh doanh

Trong nửa đầu năm nay, Vietcombank dẫn đầu thị trường khi đạt 11.280 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2018. Năm ngoái ngân hàng này cũng giữ vị trí số một và duy trì một khoảng cách xa về lợi nhuận với các ngân hàng khác.

ACB cũng cho biết lợi nhuận trước thuế đạt được trong sáu tháng qua là 3.620 tỉ đồng, hoàn thành 50% chỉ tiêu cả năm 2019 là 7.200 tỉ đồng. Ngân hàng Quân đội (MB) công bố lãi trước thuế đạt 4.306 tỉ đồng, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Tương tự, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm nay cũng ở mức kỷ lục 1.820 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác như Sacombank, An Bình, SCB, TPBank... cũng công bố đạt lợi nhuận khủng trong nửa đầu năm nay.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng thu lãi lớn chủ yếu nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực và kiểm soát tốt nợ xấu. Đặc biệt nhiều ngân hàng đã mạnh dạn đổi mới như đầu tư mạnh vào mảng dịch vụ và thu kết quả khả quan. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, khẳng định: “Hiện nay Vietcombank đang tập trung giảm thu nhập từ tín dụng và đẩy mạnh thu nhập từ mảng bán lẻ, dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn. Qua đó phấn đấu từ nay đến cuối năm thu nhập phi tín dụng đạt ít nhất 35%, trong đó thu dịch vụ phải chiếm tỉ trọng 25%-26% trong tổng thu nhập, tương đương hơn 5.000 tỉ đồng”.

Không chỉ ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ cũng tung ra nhiều giải pháp mới để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó phải kể đến các dịch vụ từ thẻ tín dụng, thẻ ATM, POS, dịch vụ kiều hối, tham gia vào kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Ông Hồ Phan Hải Triều, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối ngân hàng số Vietbank, cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh số hóa các dịch vụ ngân hàng truyền thống, đưa các sản phẩm truyền thống như mở tài khoản, gửi, rút tiết kiệm, vay tiêu dùng lên các kênh ngân hàng số đồng nhất (Mobile Banking, Internet Banking, website…). Từ đó mang đến các tiện ích, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho khách hàng”.

Phía sau lợi nhuận khủng của các ngân hàng - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, khách hàng cá nhân và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: THÙY LINH

Phải thực chất

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, phân tích việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường kiểm soát với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư chứng khoán… sẽ khiến lợi nhuận các ngân hàng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải đẩy mạnh mảng bán lẻ, cạnh tranh phát triển dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu và giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Đây được xem là hướng đi mới và đúng. Bởi thực tế cho thấy với nhiều ngân hàng, phân phối sản phẩm bảo hiểm đang được xem là “gà đẻ trứng vàng”. Theo đó, ngân hàng có thể thu được hoa hồng từ việc bán các sản phẩm bảo hiểm và phí ứng trước từ các hợp đồng độc quyền. Điều quan trọng hơn, phương thức này còn giúp phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân lẫn doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận thị trường đang chứng kiến một sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu khách hàng ở những ngân hàng có lợi nhuận tốt. Đó là thu hẹp hoạt động bán buôn, mở rộng hoạt động bán lẻ, tấn công vào mảng khách hàng cá nhân, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ.

Tuy vậy, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lưu ý lợi nhuận hơi cao sẽ đem đến cơ hội giảm lãi suất cho vay , điều này là vô cùng tốt cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhưng điều quan trọng là mức tăng trưởng lợi nhuận đó phải thực chất. Bởi có những ngân hàng vẫn còn nợ lớn tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong khi lợi nhuận vẫn cao vút thì không hợp lý.

“Do đó, để phát triển một cách bền vững thì cần phải xem xét ngân hàng đó đã trích lập hết dự phòng rủi ro một cách thực chất hay chưa. Chỉ khi nào trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng nói chung” - vị lãnh đạo ngân hàng trên nêu quan điểm.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay cơ chế phân loại trích lập dự phòng của ngân hàng đưa ra những tiêu chuẩn cao. Nghĩa là khách hàng ở ngân hàng khác có thể chưa bị xếp vào diện xấu nhưng khi vay vốn tại Vietcombank có thể đã bị xem là xấu. “Hiện nay, quỹ trích lập dự phòng rủi ro của chúng tôi được tính toán theo cơ chế cứ 100 đồng nợ xấu đã có 165 đồng dự phòng. Đây là hướng trích lập dự phòng rủi ro an toàn, hiệu quả và theo thông lệ quốc tế” - ông Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh những ông lớn lời khủng cũng có không ít ngân hàng tốp dưới làm ăn không hiệu quả hoặc lợi nhuận rất thấp. Báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm nay của một số ngân hàng nhỏ cho thấy họ tập trung chủ yếu vào hoạt động tín dụng, nghiệp vụ bán buôn, cung ứng vốn cho những khách hàng quy mô lớn.

“Nhìn vào hoạt động của các ngân hàng lợi nhuận kém cho thấy tính minh bạch không cao, chậm đổi mới hoạt động. Một số ngân hàng tốp dưới thậm chí không công bố phần thuyết minh báo cáo tài chính, chỉ công bố vài số liệu thông thường, khó hiểu” - một chuyên gia tài chính lý giải vì sao các ngân hàng trên hoạt động kém.

Tăng trưởng tín dụng cao, nợ xấu giảm

Đến hết tháng 6 vừa qua, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng rất tốt khi đạt quá nửa chỉ tiêu hoặc dùng gần hết room được giao. Theo số liệu thống kê từ NHNN, tín dụng tăng 7,33% trong sáu tháng đầu năm. Mức tăng này xấp xỉ mức tăng của năm 2018. Tốc độ tăng trưởng sáu tháng đầu năm cao, tập trung các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo và xuất khẩu.

Ngoài ra, nợ xấu tại nhiều ngân hàng giảm. Chẳng hạn tại TPBank, tính đến ngày 31-6, tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,47%. Tại ACB, tỉ lệ nợ xấu là 0,7%. Tại VIB, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 2,29% xuống 1,8%. Với Sacombank, tỉ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống 1,96%. Đáng chú ý là ngân hàng này đã tăng cường thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng với hơn 11.000 tỉ đồng đã xử lý trong sáu tháng đầu năm.

Nhờ tín dụng tăng trưởng cao, nợ xấu giảm… nên mới đây một số ngân hàng được NHNN nới thêm room tín dụng. Ví dụ, VPBank được nâng từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%.

Theo Thuỳ Linh

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên