Phía sau quyết định về quê "cày cuốc" của hàng triệu lao động TQ: Nỗi đau và những giấc mơ dang dở
Sau khi đại dịch COVID-19 "thổi bay" hàng chục triệu việc làm ở khu vực đô thị và đặc biệt là các nhà máy của Trung Quốc, nhiều người lao động thất nghiệp đã quyết định trở về quê.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nền kinh tế của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, hàng chục triệu việc làm tại khu vực đô thị và đặc biệt là trong các nhà máy đã bị "thổi bay", theo đài NPR (Mỹ).
Trước tình trạng này, một số người lao động và chủ doanh nghiệp đã cùng "hiệp lực" để gây áp lực đối với các công ty hoặc chính quyền địa phương để được nhận các khoản tiền trợ cấp và bồi thường.
Thế nhưng, nhiều người lao động mất việc lại có sự lựa chọn khác biệt hoàn toàn: đó là trở về quê hương. Theo NPR, vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc giờ đây giống như một miếng bọt biển thu hút những người thất nghiệp, giúp những người lao động đến hoặc trở về từ tỉnh ngoài kiếm được thu nhập tạm thời từ công việc đồng áng trên những thửa đất nhỏ của gia đình họ.
"Ví dụ, trước đây một nhà máy có thể thuê đến 1.000 lao động thời vụ, nhưng giờ đây khi họ không nhận được đơn hàng mới, thì họ cũng chẳng thể lấy đâu ra ngân sách để thuê ngần ấy lao động", Yan Xiyun, một nhà tuyển dụng trung gian, nói với đài NPR.
"Nhà máy tôi từng cộng tác trong những năm trước có thể dễ dàng thuê đến 2.000 lao động. Hiện giờ họ chỉ có rất ít công nhân [đang làm việc tại nhà máy]", Yan nói.
10 năm trước là lần đầu tiên Yan rời quê hương - ngôi làng gần một thành phố nhỏ của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) - và gia nhập lực lượng lao động di cư. Hiện tại, cô đang làm công việc tuyển dụng trung gian (headhunter), kết nối hàng ngàn người lao động đến từ các vùng nông thôn và các nhà máy điện tử có nhu cầu về nhân lực.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch, Yan cho biết mức lương theo giờ đã giảm, một số nơi nơi giảm hơn 35%. Và các khu công nghiệp lớn ở miền Nam Trung Quốc như Thâm Quyến và Đông Quan cũng giảm nhu cầu về người lao động đến từ vùng nông thôn.
"Các nhà máy đều đang cắt giảm lao động. Họ không đủ khả năng chi trả cho tất cả mọi người khi họ không nhận được đơn đặt hàng và không nhập khẩu được nguyên liệu sản xuất", Yan nói.
Ảnh: NPR
Giấc mơ dang dở
Nền kinh tế toàn cầu giảm tốc có thể sẽ tác động tiêu cực tới mục tiêu xóa nghèo ở vùng nông thông của Trung Quốc vào cuối năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra khi ông nhận chức vụ này vào năm 2012.
Khoảng 5,5 triệu người dân ở vùng nông thôn vẫn sống dưới chuẩn nghèo - theo định nghĩa của Trung Quốc là những người có thu nhập hàng năm dưới 2.300 nhân dân tệ (324 USD).
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Standford và Đại học Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành khảo sát gần 700.000 dân làng từ 7 tỉnh của Trung Quốc, và thu được kết luận rằng những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của những người lao động di cư giảm đáng kể, và buộc những người này phải cố gắng chi tiêu tiết kiệm bằng cách giảm mua thức ăn.
"Cuối tháng 4, chỉ có khoảng 50% số người lao động đến từ vùng nông thôn có việc làm từ năm ngoái vẫn giữ được công việc của mình", ông Scott Rozelle, một nhà kinh tế học tại trường Đại học Standford và đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu nói trên, cho biết.
"Đây vừa là tin tốt, vừa là tin xấu. Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh và cũng áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc phong tỏa. Nhưng vẫn có những tác động tiêu cực đối với người lao động", ông Rozelle nói.
Một điều tồi tệ hơn nữa là chỉ có khoảng 10% số người thất nghiệp của Trung Quốc nhận được trợ cấp thất nghiệp của chính phủ, vì những quy định thường ưu tiên người lao động trong các văn phòng, công sở.
Theo đó, chỉ có những người đã trả tiền cho quỹ bảo hiểm xã hội trong vòng 12 tháng, cùng với đó là đóng góp của chủ doanh nghiệp, mới có thể được nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Trung Quốc. Như vậy, đa số những người lao động di cư làm công việc thời vụ không đáp ứng điều kiện nhận bảo hiểm xã hội.
Do đó, hàng trăm triệu người lao động di cư đã lựa chọn trở về quê hương và làm nông để kiếm sống qua ngày.
Nhưng bên ngoài vùng Trú Mã Điếm, giữa những cánh đồng lúa mì vàng óng và bụi bặm, nhiều ngôi làng cũng đã cảm nhận được "nỗi đau" kinh tế.
Ảnh: NPR
Giống như nhiều thành phố khác ở miền Trung Trung Quốc, Trú Mã Điếm là nơi cung cấp nguồn lao động di cư ổn định cho các nhà hàng và nhà máy từ Thượng Hải tới Thâm Quyến. Thế nhưng, năm nay, vì Trú Mã Điếm tọa lạc ở vị trí khá gần với tâm dịch COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc, nhiều người lao động đã "mắc kẹt" ở làng và không có công việc.
Cuối tháng 2, chính quyền thị xã Trú Mã Điếm thậm chí đã thuê xe chở hàng trăm lao động tới các nhà máy điện tử ở tỉnh Quảng Đông để giúp họ tìm được việc làm. Tuy nhiên, đến tháng 4, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm khiến nhiều nhà máy nhỏ hơn phải đóng cửa cho đến cuối năm, chi vài tuần sau khi họ mở cửa trở lại sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Trong số những người từng rời đi và trở lại có những cư dân của làng Đại Triệu - ngôi làng của những người mang họ Triệu. Những người thường tìm được công việc ở cách xa làng giờ đây phải làm những công việc thời vụ gần nhà và có mức lương thấp hơn nhiều.
"Con gái tôi vừa trở về làng rồi! Nhà máy điện tử đó đã phải đóng cửa. Vì COVID-19, chẳng ai mua đồ của Trung Quốc và nhà mát cũng chẳng nhập khẩu được nguyên liệu sản xuất", một người đàn ông trung niên trong làng cho biết.
Gia đình và họ hàng của ông giờ đây phải dựa vào vụ mùa lúa mì sắp tới để kiếm được chút thu nhập ít ỏi. Dự kiến vụ mùa năm nay sẽ chỉ bằng 4/5 so với vụ mùa năm ngoái.
"Thời tiết khô hạn quá, chẳng có mưa mấy. Mọi thứ chúng tôi trồng năm nay đều lụi hết cả", người đàn ông này cho biết.
Ảnh: NPR
Tỉ lệ thất nghiệp được Trung Quốc công bố không chính xác?
Theo số liệu chính thức được công bố, tỉ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc được duy trì ở mức rất ổn định trong vòng 5 tháng qua, ngay cả trong giai đoạn các biện pháp phong tỏa và hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng khiến gần 300 triệu người lao động di cư không thể di chuyển tới các thành phố để tìm kiếm việc làm, theo NPR.
Cách tính tỉ lệ thất nghiệp truyền thống của Trung Quốc là thống kê số người chính thức nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, do đó những lao động nhập cư làm công việc thời vụ, không chính thức thường sẽ bị bỏ qua.
Các nhà phân tích kinh tế đã chỉ ra rằng số liệu của Trung Quốc về tỉ lệ thất nghiệp - thường dao động ở khoảng 4-6% - gần như chắc chắn là không chính xác. Tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc "không có quan hệ chặt chẽ với chu kỳ kinh tế", một nhóm nhà phân tích của công ty Zhongtai Securities viết hồi tháng 5 vừa qua, theo NPR. Tuy nhiên nhận định này sau đó đã bị xóa khỏi trang web của công ty.
Vào năm 2018, cục thống kê Trung Quốc bắt đầu công bố tỉ lệ thất nghiệp dựa trên phương pháp lấy mẫu nghiên cứu ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, phương pháp mới này vẫn được cho là có thể dễ dàng bỏ qua hàng triệu người lao động vùng nông thôn đến các thành phố lớn để làm các công việc thời vụ, vì việc lấy mẫu chỉ tập trung vào đối tượng sinh sống tại thành phố trong cả năm trời.
Thực tế, tỉ lệ thất nghiệp được Trung Quốc công bố chính thức đã giảm nhẹ vào tháng 3, trong khi có gần 1 triệu việc làm ở thành phố "bốc hơi" vì lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trong Quý I năm nay.
Vào tháng 4, phương pháp khảo sát đã kết luận rằng có 6% số người lao động của Trung Quốc bị mất việc làm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích độc lập cho rằng tỉ lệ thất nghiệp thực tế tại Trung Quốc phải ở mức gần 20% - gần 80 triệu người lao động, chủ yếu là do số người lao động di cư rất lớn của nước này.
Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, số lao động di cư trở lại các thành phố trong tháng 2 năm nay ít hơn khoảng 50 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái vì họ không có việc làm, và thay vào đó họ đã quyết định về quê làm nông.
Ảnh: NPR
Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, Bắc Kinh đã quyết định không công bố mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay do những yếu tố bất định của đại dịch COVID-19. Thay vào đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng trước đã cam kết sẽ tăng cường các chương trình phúc lợi xã hội, đặc biệt là đối với những người lao động di cư đến từ các vùng nông thôn.
Nhận thức được rằng đất nông nghiệp có vai trò "vùng đệm" hữu ích để ngăn tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao hơn nữa, nhiều chính quyền địa phương đã khuyến khích dân làng tìm kiếm các công việc ở gần nhà họ trong năm nay.
Chủ tịch của công ty thực phẩm nổi tiếng Trung Quốc Wahaha thậm chí còn đề nghị chính phủ tạm dừng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản từ nước ngoài nhằm tăng giá nông sản trong nước và cung cấp sinh kế cho nhiều cư dân ở vùng nông thôn.
Tuy nhiên, ở Trú Mã Điếm, nhiều người dân làng cho biết họ đã rất muốn rời đi.
Ye Xindio, một cư dân ở Trú Mã Điếm, cho biết năm nay anh không đến thành phố cảng Nam Kinh để làm việc như những năm trước sau khi nhận được thông báo rằng lương của anh sẽ bị cắt giảm 30%. Để kiếm thu nhập, Ye đã phải tìm những công việc bán thời gian ở quê như giao đồ ăn và giúp đỡ gia đình thu hoạch lúa mì.
Trong khi đó, Zhang Ping, một người bạn từ thuở nhỏ của Ye, lại may mắn giữ được công việc quản lý tại một công ty lớn hơn ở tỉnh Quý Châu. Thế nhưng Zhang cho biết anh đã buộc phải sa thải hàng chục nhân viên có kinh nghiệm.
"Nếu không phải vì lí do đó, thì bạn làm sao có thể thấy nhiều người đàn ông trẻ tuổi ở làng quê vào thời điểm này trong năm chứ" - Zhang nói.
Tổ Quốc