MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau việc Hội An "nói không" với tiêu thụ thịt chó, mèo

Phía sau việc Hội An "nói không" với tiêu thụ thịt chó, mèo

Tình trạng buôn bán trái phép, vận chuyển và giết mổ chó, mèo vẫn đang diễn ra tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định việc này ảnh hưởng xấu tới du lịch, khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn chỉ ra rằng, việc buôn bán thịt chó và mèo tiềm tàng nhiều rủi ro sức khỏe cho con người.

Ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch

Chia sẻ tại buổi “Đối thoại các bên hữu quan về vấn đề buôn bán thịt chó, mèo – sức khỏe – du lịch” của FOUR PAWS vào ngày 8 tháng 12 năm 2022, ông Robert Rankin, Giám đốc quốc gia Công ty du lịch và lữ hành Abercrombie and Kent Việt Nam, nhấn mạnh: “Khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật, và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo.

Việc buôn bán thịt chó, mèo và những tác động đã được chứng minh đối với việc gia tăng dịch bệnh, khiến các nhà điều hành du lịch gặp khó khăn hơn trong việc quảng bá Việt Nam như một điểm đến du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và hiện đại. Abercrombie and Kent Việt Nam ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó mèo và cùng với nhiều công ty du lịch đã ký cam kết ủng hộ chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo của FOUR PAWS”.

Hội An là thành phố đi đầu trong việc phát triển du lịch thân thiện, không tiêu thụ chó mèo và loại trừ bệnh dại. UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập Ban Điều hành dự án, tiến hành khảo sát sơ bộ số hộ kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố và xúc tiến xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền. Hiện chính quyền thành phố vẫn đang hợp tác chặt chẽ với FOUR PAWS để đẩy mạnh tiến độ giải quyết triệt để vấn đề này.

Dự án “Xây dựng Hội An - thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ cộng đồng nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông. Một số hộ kinh doanh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố đã từ bỏ ngành nghề kinh doanh. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cần được phát huy trong thời gian tới.

Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết: “Các bên hữu quan chỉ ra việc buôn bán thịt chó và mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình là sự liên quan trực tiếp và gián tiếp với bệnh dại, nguy cơ xuất hiện của mầm bệnh mới có thể dẫn đến đại dịch.

Nhiều công ty lữ hành và khách du lịch đã bày tỏ quan điểm phản đối hoạt động buôn bán này. Đã đến lúc cần phải hành động, FOUR PAWS, cùng với các đối tác đã sẵn sàng chung tay đối phó với những hiểm hoạ đe doạ sức khoẻ cộng đồng và phúc lợi động vật”.

Sức khỏe cộng đồng có thể bị ảnh hưởng

Cũng tại buổi Đối thoại, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chia sẻ: “Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 65 người đã chết vì bệnh dại và tăng hẳn hơn so với năm ngoái 12-13 ca. Mỗi năm, có khoảng hơn nửa triệu người bị tai nạn do động vật cắn, cào nhưng 98-99% lại là do chó, mèo. Và số tiền phải chi trả cho vắc-xin phòng dại khoảng 800 tỷ/năm, nếu tính cả các chi phí khác như nghỉ học, nghỉ làm, phẫu thuật thẩm mỹ để chữa trị các vết thương, … thì lên đến 1.500 tỷ/năm”

Còn GS.TS Đậu Ngọc Hào - Hội Thú y, nhận định: “Việc buôn bán thịt chó, mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro, ít lợi ích. Cần phải có những bước đi tiếp theo để đề ra giải pháp đối với thực trạng này”.

Các bệnh lây truyền từ chó, mèo sang người có thể là bệnh bệnh dại, bệnh do xoắn khuẩn, leptospira và bệnh do ký sinh trùng. Ước tính nếu khoảng 1% chó mèo mắc bệnh dại trong trong số 6 triệu cá thể chó mèo bị giết thịt hàng năm thì đồng nghĩa với 60.000 chó mèo bị bệnh dại thông qua buôn bán trái phép. Đây là mối nguy vô cùng lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là những người giết mổ chó, mèo.

Bên cạnh bệnh dại, theo ThS. BS. Thú y Diệp Ngọc Trúc, Giám đốc bệnh viện thú y Trust Vet, bệnh giun sán lây từ chó mèo tại Việt Nam cũng có tỷ lệ rất cao.

Tiêu thụ thịt chó mèo có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi và các cơ quan nội tạng khác. Thậm chí, nó có thể xâm nhập vào não và mắt, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

Tại các tỉnh Cà Mau, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2015 ghi nhận tỷ lệ nhiễm giun móc 18,3%, giun đũa mèo 10,9% và sán lá gan lớn là 5,7%. Tại khu vực Nam Bộ, Lâm Đồng, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa năm 2017 là 25%, sán dây là 14,3%. Tại Cần Thơ, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa năm 2017 ở trẻ em lên đến 75%.

Ngoài ra, với người ăn thịt chó, mèo còn có thể mắc bệnh tả và ngộ độc. Theo WHO, ăn thịt chó có thể tăng gấp 20 lần khả năng mắc bệnh tiêu chảy, tả. Các chuyên gia tham dự Đối thoại đã đóng góp nhiều ý kiến và lo ngại đến việc không kiểm soát thịt chó mèo, có thể là mối an nguy gây ra nhiều bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

TS.BS. Phạm Đức Phúc – Viện Trưởng Viện sức khỏe môi trường và phát triển bền vững - Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam cho hay: “Nguy cơ từ việc buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam đối với những rủi ro gây dịch bệnh là chắc chắn. Từ sinh học do các vi rút, vi khuẩn gây ra các bệnh; từ vật lý do thương tổn trực tiếp từ chó, mèo cào, cắn, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong”.

TS. Sử Thanh Long - Học viện nông nghiệp Việt Nam: “Ngoài những bệnh về y học lây từ chó, mèo, thì còn có bệnh tâm lý khi giết mổ. Hình ảnh giết mổ chó, mèo là những con được nuôi như thú cưng có thể dẫn đến tác động tâm lý thô bạo cho bộ phận giới trẻ”.

Đặc biệt, TS. Sử Thanh Long cho biết, Học viện nhiều năm nay khi giảng dạy về sản phẩm nông nghiệp, chỉ có trâu, bò, lợn, gà, dê, thỏ..., không có vai trò của chó, mèo. Cho nên không có nghiên cứu khoa học cải tạo năng xuất sinh sản hay chất lượng của thịt chó, mèo. Thay vào đó là giảng dạy về bệnh của chó, mèo, về cứu hộ, điều trị,…

Chung tay chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó, mèo

Bà Phan Thanh Dung, Chuyên viên tư vấn chiến dịch tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết thêm: “Chúng tôi liên tục nhận được thông tin từ phía người dân yêu cầu hành động, cùng với hàng chục ngàn lá thư tâm huyết được gửi đến Chính phủ với mong muốn chấm dứt nạn buôn bán này. Công cụ báo cáo về buôn bán thịt chó mèo của chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh sau chưa đầy một tháng ra mắt. Điều này minh chứng rằng đại đa số người Việt Nam không đồng tình với việc buôn bán thịt chó, mèo".

Cần nhấn mạnh thêm rằng, hàng trăm nghìn người dân Việt Nam đã thể hiện quan điểm phản đối buôn bán thịt chó mèo, trong đó 95% người dân được hỏi trong một cuộc khảo sát tại các tỉnh thành đã cho biết, đây không phải là một phần trong văn hoá Việt Nam. Việc buôn bán này chỉ mang lợi cho một số ít người nhưng gây rủi ro cho nhiều người. Tôi tin rằng bằng cách cùng chung tay hành động, chúng ta có thể tiến tới chấm dứt vấn nạn này.”

Cùng quan điểm, GS.TS Đậu Ngọc Hào, cho hay: “Cuộc đối thoại ngày hôm nay là một bước tiến lớn hướng đến tương lai, và điều quan trọng là tất cả chúng ta cần chung tay hành động để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng của không chỉ người dân Việt Nam mà còn là toàn cầu, trước nguy cơ mà vấn nạn buôn bán này gây ra”.

Anh Tuấn

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên