Phiên 11/7: VN-Index giảm nhẹ, nhóm cổ phiếu chứng khoán "hút tiền"
VN-Index đóng cửa phiên 11/7 giảm 2,14 điểm về 1.283,8 điểm. Thanh khoản trên HOSE tuy có phần giảm so với phiên hôm trước, song vẫn duy trì mức 18.500 tỷ đồng.
- 11-07-2024Chấm dứt chuỗi 24 phiên xả hàng liên tiếp, khối ngoại bất ngờ chi gần 300 tỷ đồng mua cổ phiếu Việt Nam
- 11-07-2024Người nhà Kiểm toán nội bộ PV Power lên tiếng về việc mua “chui” cổ phiếu POW, lý do gây bất ngờ
- 11-07-2024Thua lỗ chứng khoán, tiền ảo, nữ kế toán trưởng tham ô chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Hưởng ứng tích cực từ đà tăng của chứng khoán Mỹ, VN-Index khởi đầu phiên sáng 11/7 đầu hứng khởi, có thời điểm tăng hơn 7 điểm vượt 1.293 điểm. Tuy nhiên, sức ép tăng cao tại một số cổ phiếu lớn khiến VN-Index vẫn không thể giữ phong độ.
Độ rộng sàn HoSE khá cân bằng với số cổ phiếu tăng/giảm không chênh lệch quá nhiều . Điểm tích cực là không nhiều cổ phiếu bị ép quá sâu, số giảm trên 1% cũng chỉ 62 mã, nhỉnh hơn phiên sáng một chút. Đại đa số cổ phiếu giảm với biên độ hẹp và thanh khoản xuống thấp phản ánh trạng thái dao động thông thường.
VN-Index đóng cửa phiên 11/7 giảm 2,14 điểm về 1.283,8 điểm. Thanh khoản trên HOSE tuy có phần giảm so với phiên hôm trước, song vẫn duy trì mức 18.500 tỷ đồng.
Trái với diễn biến ảm đạm của thị trường chung, giao dịch khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi họ bất ngờ quay đầu mua ròng với giá trị 275 tỷ trên toàn thị trường, dứt chuỗi bán ròng 24 phiên liên tiếp trước đó.
Áp lực điều chỉnh rõ nét khi sắc đỏ thắng thế tại rổ VN-30. Hai "ông lớn" ngân hàng VCB và TCB gây thất vọng khi lần lượt "kéo tụt" 0,67 và 0,6 điểm của chỉ số. Bên cạnh đó, MSN, FPT, VPB cũng là những cái tên gây áp lực cho thị trường chung. Ở chiều tích cực, ngay cả trụ mạnh nhất là VIC lúc đóng cửa cũng bị ép mạnh chỉ còn tăng 1,23%, song cũng góp công lớn nhất giúp VN-Index thu hẹp đà giảm. Đồng thời, sự bứt phá của nhiều cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm sáng tích cực cho chỉ số.
Sự phân hoá cũng diễn ra khá mạnh mẽ nếu xét theo nhóm ngành. Nhóm ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh với nhiều đại diện góp mặt trong top cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường. HDB, TPB là hai mã ngân hàng duy nhất trong nhóm VN30 còn đóng cửa trên tham chiếu. Ngược lại, nhóm chứng khoán, bất động sản lại giữ nhịp khá tốt.
Tâm điểm là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi bứt phá mạnh bất chấp thị trường chung ảm đạm. Sự hưng phấn của nhóm cổ phiếu chứng khoán không thực sự đồng pha với thanh khoản thị trường khi vẫn neo ở mức thấp. Thông tin không chính thức về kết quả kinh doanh quý 2 ở một số công ty chứng khoán đã kích thích dòng tiền mua khá mạnh.
Sắc xanh bao phủ gần như toàn bộ nhóm ngành, cả nhóm có tới hàng chục mã tăng trên 1%, MBS, VDS thậm chí tăng trên 3%. Hàng loạt cổ phiếu khác cũng có mức tăng ấn tượng như VCI (+1,7%), CTS (+1,8%), SSI (+1,3%), HCM (+1,4%).
Cùng pha tăng với nhóm chứng khoán, cổ phiếu DSE của "tân binh" Chứng khoán DNSE cũng có phiên giao dịch khởi sắc đóng cửa tăng 1,12% lên 27.100 đồng/cp. Thanh khoản cũng duy trì với hơn 230 nghìn đơn vị khớp lệnh trong phiên.
Ngày 1/7 vừa qua, 330 triệu cổ phiếu DSE của Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE đã chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). DNSE là công ty chứng khoán duy nhất thực hiện việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và được chấp thuận đăng ký niêm yết trong 5 năm trở lại đây.
Việc DNSE niêm yết lên sàn HoSE được kỳ vọng sẽ tạo làn gió mới trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang thiếu nguồn cung "hàng hóa" mới trên sàn.
Bên cạnh thu hút nhà đầu tư trong nước, cổ phiếu DSE cũng hấp dẫn dòng vốn ngoại. Trong phiên 2/7, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 6,6 triệu cổ phiếu DSE. Theo tìm hiểu, đó là giao dịch mua vào cổ phiếu của Consilium Investment Management (Hoa Kỳ). Sau giao dịch, Quỹ này nắm hơn 2% vốn DNSE.
Trong báo cáo mới đây, KBSV cho rằng nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có những nhịp tăng giá mạnh mẽ so với thị trường chung, phản ánh kì vọng của thị trường vào đà tăng của VN-Index cũng như việc vận hành hệ thống KRX vào cuối năm.
Theo KBSV, thanh khoản thị trường sẽ duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm nhờ nền lãi suất thấp. Mặc dù khả năng để thị trường Việt Nam có thể được quyết định nâng hạng trong kì tháng 9/2024 là không cao, song với quyết tâm từ phía chính phủ, KBSV kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong năm 2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2025 – 2026 và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho nhóm chứng khoán.
An ninh Tiền tệ