MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phiên đấu giá bất thường tại Khánh Hoà

02-06-2018 - 09:36 AM | Bất động sản

Huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) vừa diễn cơn “sốt đất” ngay tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước đối với 46 lô đất nông thôn tại các xã: Diên Bình, Diên Điền, Diên Sơn.

Thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Diên Khánh thì buổi đấu giá đối với 46 lô đất ở nông thôn tại 3 xã là: Diên Bình, Diên Điền, Diên Sơn (huyện Diên Khánh) mỗi lô có diện tích từ hơn 150m2 đến hơn 300m2 và giá khởi điểm được UBND tỉnh phê duyệt đưa ra đấu giá là khoảng 500 nghìn đồng/m2.

Đất đấu giá cao bất thường

Theo nhận định của các “thổ địa” trong giới mua bán bất động sản thì những lô đất này không có gì đặc biệt. Bởi chúng đều xa trung tâm, hẻo lánh, vị trí không đẹp và cũng không phải là nơi đang sốt đất. Tuy nhiên, buổi đấu giá lại thu hút hơn 300 người đến tham gia vớ 2.400 hồ sơ của 418 cá nhân đăng ký đấu giá; trong đó có những lô đất có hơn 100 hồ sơ tham gia.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ địa chính xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) cho biết, xã có 7 lô mang đi đấu giá nhưng chỉ có 2 chủ nhân trúng. Một người trúng 1 lô, một người trúng 6 lô. Giá khởi điểm lô thấp nhất tại xã đưa ra có giá sàn 400.000 đồng X 192,6 m2 = hơn 96 triệu, tuy nhiên, lô nay lại đươc đấu giá lên đến 430 triệu.

Còn lô có diện tích cao nhất cũng trên địa bàn xã có giá sàn là 478.000 đồng/m2 x 308,5 m2 = hơn 147 triệu nhưng cũng được đấu giá lên đến 530 triệu. Đó là ít, có lô đất ở xã Diên Sơn có giá khởi điểm gần 250 triệu đồng, nhưng giá chốt bán lên đến 1,2 tỷ đồng.

Phiên đấu giá bất thường tại Khánh Hoà - Ảnh 1.

Giá đất ở các xã: Diên Bình, Diên Điền và Diên Sơn lên tới 5-6 triệu đồng/m2 là không thực tế

Ông Sơn nhận định: "Nếu đấu giá mà cao như vậy thì tôi thấy bất thường, tại sao họ mất công đi đấu giá lại mua với giá cao như vậy. Trong khi đó, các lô đất tương tự trên địa bàn xã cũng chỉ có giá từ 1/3 đến 1/2 so với các lô đất được đấu giá. Không biết mấy người đó họ có biết giá thị trường ở đây không, hay đấu giá cho đã rồi không đến nhận đất".

Anh Bình, một cò đất tại huyện Diên Khánh cho biết, buổi đấu giá thu hút rất đông người dân, cò đất và nhiều người lạ từ các tỉnh khác đến. Đây là buổi đấu giá đông nhất mà anh từng tham dự.

“Nói là đông người nhưng thực sự buổi đấu giá chỉ có khoản 10 người tham gia trực tiếp đấu giá và họ đa số là người lạ. Rất đông người dân có nhu cầu mua đất để xây nhà ở, một số cò đất, môi giới đến tham gia để đầu tư nhưng thấy vậy cũng “không có cửa” để lên tiếng vì họ đẩy giá quá cao”.

Phiên đấu giá bất thường tại Khánh Hoà - Ảnh 2.

Rất nhiều xe máy và ô tô của người tham gia buổi đấu giá

Chiêu làm giá của môi giới?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Thiên Long (đơn vị hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Diên Khánh để tổ chức đấu giá) cho biết, tổng giá trị của 46 lô đất giao cho công ty khoảng 5 tỷ đồng, nhưng đơn vị đã bán đấu giá được hơn 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng tỏ ra khó hiểu vì sao nhiều người lại trả giá quá cao ở những lô đất xa trung tâm huyện, có vị trí không thuận lợi như vậy. “Tôi cho rằng phiên đấu giá có ảnh hưởng bởi cơn sốt đất, nhưng vẫn khó lý giải vì sao cơn sốt đất lan đến tận vùng này”, bà Thủy nói.

Theo một Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Diên Khánh, mỗi hồ sơ tham gia đấu giá mỗi lô đất phải đóng tiền cọc là 20% giá trị của lô đất, khi phiên đấu giá kết thúc, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ pháp lý và biên bản rồi tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

Ví dụ, ông A, trúng lô số 1, xã nào, diện tích bao nhiêu, giá khởi điểm bao nhiêu và giá trúng là bao nhiêu tiền. Sau đó, mới chuyển quyết định đến Chi cục thuế làm thông báo nộp tiền thì lúc đó họ sẽ trừ tiền đặt cọc trước đó cho ông A. Nếu Chi cục thuế thông báo trong vòng 1 tháng mà ông A không đến nộp thì sẽ hủy kết quả đấu giá và ông A mất tiền cọc.

Theo ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, vị trí các lô đất đấu giá rất xa trung tâm,vậy tại sao họ lại mua với giá khá cao. Thứ nhất, có thể khẳng định những người dân có nhu cầu thật tại huyện Diên Khánh họ sẽ không bao giờ mua với giá này. Thứ hai, huyện Diên Khánh quỹ đất còn rất nhiều, không đến nỗi chật chội, thiếu thốn. Thứ ba, đây chính là chiêu trò thổi giá của những đơn vị môi giới để làm lợi cho các sản phẩm bất động sản của họ chuẩn bị tung ra.

Theo luật đấu giá, người tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền tương ứng, mà cụ thể ở đây là 20% (khoảng 20 triệu) nhưng khi vào cuộc đấu giá nếu anh muốn phá, ai hô bao nhiêu thì họ lại đưa cao hơn, cuối cùng họ quyết định không mua, chấp nhận mất tiền cọc. Mục đích của họ là tạo cho người dân một cơn sốt về giá đất, để các sản phẩm của họ chuẩn bị tung ra thị trường sẽ có giá cao lên.

"Lúc cơn sốt đất đã có trong dân thì chỉ cần họ bán các sản phẩm của mình giá khoảng bằng 70% giá của các lô đất được đấu giá thì họ cũng đã đạt được mục đích" - Ông Quý phân tích

Theo ông Quý, việc giá đất ở các xã: Diên Bình, Diên Điền và Diên Sơn lên tới 5-6 triệu đồng/m2 là không thực tế, không phản ánh đúng thị trường bất động sản hiện nay. Không nhưng chiêu thổi giá tại buổi đấu giá mà các cò mồi còn thông tin cho rằng giá đất bị đẩy lên cao là do trung tâm hành chính huyện Diên Khánh sẽ di dời về khu vực đó.


Theo THỤC UYÊN

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên