Phiên họp Chính phủ tháng 5: Các địa phương thông báo hàng loạt chỉ số, tín hiệu tích cực
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã thông báo nhiều tín hiệu, số liệu tích cực trên các lĩnh vực, cho thấy tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4 và tính chung 5 tháng, tình hình có nhiều điểm sáng.
- 04-06-2023Bộ Công thương xử lý ra sao các dự án điện gió, mặt trời không nằm trong quy hoạch?
- 03-06-2023Lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó các dự án tại Cần Thơ
- 03-06-2023Khả năng chịu đựng của doanh nghiệp đã đến mức tới hạn
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc… và lãnh đạo nhiều địa phương khác cho biết, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các địa phương rất ấn tượng với nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đầu tư, kinh doanh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính… Những nỗ lực, giải pháp này là rất nổi bật, ấn tượng và đã lan tỏa cho cả hệ thống.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã ghi nhận sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, cho thấy dấu ấn các quyết sách vĩ mô, sự quyết liệt của Chính phủ cộng với nỗ lực của địa phương. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, sản xuất công nghiệp xây dựng thoát âm... là những yếu tố giúp kinh tế Thành phố vượt lên trong quý 2. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP quý 2 của Thành phố tăng 5,87% so với cùng kỳ.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng, các bộ, ngành đã hướng dẫn tháo gỡ 18/30 vướng mắc của thị trường bất động sản, TPHCM đang tập trung giải quyết 16/36 nội dung thuộc thẩm quyền. Tổ công tác do Chủ tịch UBND Thành phố đứng đầu đã họp hằng tuần để giải quyết các vấn đề, dự kiến cuối tháng 6 sẽ phân nhóm, phân định trách nhiệm rất rõ với các dự án bất động sản cụ thể.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, thủ tục, phòng cháy chữa cháy. Số doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng quy mô vốn giảm. Các thị trường bất động sản, trái phiếu phục hồi nhưng chưa mạnh… Vì vậy, chúng ta cần củng cố, nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Thời gian tới, TPHCM tập trung sơ kết nửa nhiệm kỳ về phát triển kinh tế-xã hội gắn với tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và cụ thể hóa Nghị quyết đang được Quốc hội xem xét thông qua về TPHCM; tập trung tháo gõ khó khăn cho bất động sản; phấn đấu giải ngân 35% vốn đầu tư công trong quý II; dự kiến ngày 18/6 sẽ khởi công đường Vành đai 3; triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch trong 3 tháng hè; tập trung cao cho chăm lo an sinh xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết mỗi ngày, tỉnh thông quan 1.000-1.200 chuyến container hàng hóa, tương đương trên 20.000 tấn hàng hóa, hiệu suất thông quan so với trước dịch đã có lúc cao hơn. Đơn cử, với nền tảng cửa khẩu số, hàng hóa được khai báo từ trước, cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày thông quan 700 xe trong khoảng 10 tiếng và làm việc tới 20h tối, trung bình 1 xe chỉ mất 45 giây. Thời gian thông quan trung bình tại cửa khẩu Tân Thanh lâu hơn, khoảng 1,5 phút do nhiều hàng hóa không chính ngạch, mất nhiều thủ tục hơn.
Ông Thiệu cho rằng việc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay chủ yếu do lượng hàng hóa rất lớn tập trung trong thời gian gắn, trong đó hoa quả mùa vụ chiếm tới 85%. Ông đề nghị các biện pháp đồng bộ như các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hoa quả trong nội địa; các doanh nghiệp cân nhắc, lựa chọn cửa khẩu phù hợp, tránh dồn về một địa điểm; các bộ, ngành tiếp tục cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như kiểm dịch; trao đổi với phía Trung Quốc để đẩy tốc độ thông quan hơn nữa và mở thêm một số cửa khẩu đã đóng trong đại dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, đến nay, giải ngân đầu tư công đã đạt 34%, nằm trong nhóm đầu cả nước; tỉnh cũng cơ bản giải phóng xong mặt bằng cho cầu Rạch Miễu, khởi động tuyến đường ven biển… Để duy trì tốc độ giải ngân, Bến Tre sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 công trình, dự án trọng điểm; trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án trọng điểm.
Đặc biệt, trước tình trạng giá dừa giảm sâu và kéo dài (trên 1 năm), tỉnh đã có nhiều nỗ lực tìm giải pháp như trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc; Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc trực tiếp tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) về để thúc đẩy tiêu thụ dừa chính ngạch…, nhờ đó, đến nay giá dừa đã tăng.
Bến Tre kiến nghị cơ chế đặc thù cho mỏ cát Ba Lai (khoảng 15 triệu tấn) để vừa cung cấp cho các dự án hạ tầng trong tỉnh và cả đường Vành đai 3, 4 TPHCM, vừa khôi phục và nâng cấp sông Ba Lai là dự án lớn nhằm xây dựng hồ chứa nước ngọt Ba Lai.
Trả lời ngay kiến nghị này, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý vấn đề quy hoạch mỏ cát này trong vòng 15 ngày.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, GRDP dự kiến 6 tháng tăng trưởng 10% so với 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP dự kiến tăng trên 12%. Đặc biệt, thành phố đã có 22 xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến đến năm 2025, dự kiến hoàn thành toàn bộ 137 xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành phố cũng vừa khởi công 4 dự án nhà ở xã hội với số lượng 1.500 căn hộ, đạt 50% chỉ tiêu so với chỉ tiêu Thủ tướng giao tới năm 2025; nhà ở công nhân đã đạt 10.000 căn, gần đạt chỉ tiêu tới năm 2026.
Ông Tùng cho biết, các kinh nghiệm hay của Hải Phòng là công tác giải phóng mặt bằng do Chủ tịch các cấp trực tiếp chỉ đạo, không giao cho cấp phó; "doanh nghiệp không tìm mình mà mình tìm doanh nghiệp để giải quyết khó khăn". Cũng theo Chủ tịch Hải Phòng, các kiến nghị của thành phố, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch, đã được Chính phủ và các bộ ngành cơ bản xử lý xong, không có kiến nghị thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng thông báo, nhiều lĩnh vực phát triển khá, đặc biệt đến thời điểm này, tỉnh đã đón 4,14 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,8 lần cùng kỳ, trong đó có trên 200.000 khách quốc tế, gấp 8 lần cùng kỳ, doanh thu du lịch gấp 3,4 lần năm 2022. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5, tăng 5,2% so với tháng trước. Dự kiến trong 6 tháng, tăng trưởng GRDP đạt 7,56%.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, Ninh Bình hoàn thành sớm hàng đầu cả nước 2 đoạn cao tốc Bắc-Nam là Cao Bồ-Mai Sơn và Mai Sơn-Quốc lộ 45. Trong đó, tuyến Cao Bồ-Mai Sơn được Bộ GTVT ủy quyền cho tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư và là dự án cao tốc đầu tiên hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra trong nhiệm kỳ này. Tỉnh cũng đã xây dựng hạ tầng kết nối với cao tốc. Đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới, khí thế phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu dịch vụ mới, thực tế 2 năm vừa qua nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, khảo sát, đầu tư dự án mới trên địa bàn.
Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục và thắng lợi kép
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay, đạt bình quân 517 USD/tấn, cao nhất trong 10 năm qua. Ngành gạo đạt thắng lợi kép, vừa giảm chi phí, vừa tăng giá bán cho nông dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đầu tuần tới, phiên đàm phán cấp Bộ trưởng với UAE về hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước sẽ bắt đầu; đồng thời ngày mai, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với phía Trung Quốc về các giải pháp thúc đẩy giao thương giữa hai nước, trong đó có việc quyết liệt tháo gỡ nông sản ùn ứ tại cửa khẩu.
Trình bày báo cáo tổng hợp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, nước ta nằm trong nhóm 10 thị trường logistics mới nổi.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5 tiếp tục có chuyển biến so với tháng 4 và quý I. Tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II.
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng 4 lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD).
FDI đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 05 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (04 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 05 tháng tăng 12,6%, là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khó khăn, thách thức lớn của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư,... trong nước.
"Đây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong"một sớm, một chiều", trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao", ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
VGP