Philippines áp trần giá gạo, nhà nhập khẩu đòi hủy đơn hàng, gạo Việt Nam sẽ ra sao?
Philippines - thị trường số 1 của gạo Việt Nam vừa áp giá trần gạo, nhiều khách hàng đòi hủy hợp đồng để tạo áp lực yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam giảm giá gạo
- 03-09-2023Thị trường gạo Thái Lan hỗn loạn do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ
- 02-09-2023Giá gạo cao kỷ lục, Ấn Độ tăng diện tích trồng lúa
- 02-09-2023Ấn Độ áp thuế với gạo đồ: Giá gạo Việt Nam thế nào sau khi lên đỉnh thế giới?
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ký sắc lệnh số 39 về việc "áp dụng giá trần bắt buộc đối với mặt hàng gạo". Sắc lệnh có hiệu lực cho đến khi được Tổng thống Philippines dỡ bỏ.
Theo đó, giá trần đối với gạo xay xát thông thường là 41 peso/kg (tương đương khoảng 0,74 USD/kg), giá gạo xay xát kỹ được đặt ở mức 45 peso/kg (0,81USD/kg). Ngay khi có sắc lệnh này, các nhà nhập khẩu Philippines đòi hủy hợp đồng gạo giá cao từ Việt Nam bởi nhập về sẽ lỗ.
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam. Cập nhật đến ngày 15-8, nước này đã nhập của Việt Nam 2,156 triệu tấn gạo, chiếm 40% thị phần nên việc áp giá trần và các nhà nhập khẩu đòi hủy hợp đồng làm dấy lên lo ngại cho gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), lại cho rằng động thái trên không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo Việt Nam vì nguồn cung gạo Việt Nam không còn nhiều.
"Giá gạo tại Philippines tăng quá nóng nên họ phải có biện pháp kiềm chế, trong đó có áp giá trần để hạn chế mức độ tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân Philippines" – ông Đôn nhận xét.
Thực tế, theo ông Đôn, giá gạo trong nước những ngày gần đây vẫn ổn định ở mức cao chứ không hề giảm. Ví dụ gạo DT8 tại các nhà máy ở Tiền Giang ở mức 16.500 đồng/kg, tương đương 720 USD/tấn xuất khẩu; gạo thông dụng xuất khẩu vẫn 650 USD/tấn.
"Gạo hè thu của Việt Nam không còn bao nhiêu, chỉ chờ thu hoạch vụ thu đông nhưng vụ này sản lượng ít. Tôi nghĩ rằng từ nay đến cuối năm giá gạo khó xuống" – ông Đôn dự báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), thông tin thêm Philippines nhập gạo từ Việt Nam chiếm đến 70-80%.
"Thương nhân bị vướng giá trần không nhập được gạo giá cao. Nếu không nhập thì sẽ có nguy cơ thiếu gạo vì phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Đây là bài toán khó mà Philippines phải giải" – ông Thành nói.
Đại diện một doanh nghiệp cung ứng gạo tại TP HCM cho rằng nếu vào thời điểm đầu vụ, việc Philippines hủy đơn hàng sẽ khiến thị trường giảm giá. Còn hiện tại, lúa gạo trong nông dân hầu như không còn mà đang trong kho nhà thương mại.
"Họ đủ khôn ngoan và tiềm lực để không bị ép giá. Lợi thế thị trường đang thuộc về phía người bán"– đại diện doanh nghiệp này nêu.
Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 31-8, giá gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm đã tăng lên 643 USD/tấn, gạo 25% tấm lên 628 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể trong đợt sốt giá gạo năm nay và cao nhất kể từ năm 2008.
Người lao động