[Phim hay] '12 Years a Slave': Bộ phim lịch sử về thời kỳ đen tối nhất nước Mỹ
Ngay từ những cảnh quay đầu tiên của 12 Years a Slave, người xem đã có thể mường tượng ra trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà bộ phim sẽ mang lại.
- 21-07-201410 bộ phim đắt giá nhất mọi thời đại
- 14-07-2014[Phim hay] Boyhood: Bản thiên anh hùng ca với những ý nghĩa sâu sắc
- 07-07-201410 bộ phim đáng xem trong mùa hè
CafeBiz xin gửi đến bạn đọc series "Phim hay" gồm các bài viết chia sẻ, giới thiệu về những bộ phim nổi tiếng thế giới được đầu tư công phu, hình ảnh đẹp, mang lại nhiều ý nghĩa, giá trị cho cuộc sống.
Series "Phim hay" đăng định kỳ vào thứ bảy hàng tuần.
"12 Years a Slave" được xây dựng dựa trên câu chuyện có thực diễn ra trước nội chiến Mỹ, kể về một người đàn ông da màu tự do nhưng bị bắt cóc và bán làm nô lệ.
Mãnh liệt, táo bạo nhìn thẳng vào sự thật, sử dụng hình ảnh, âm thanh và dàn dựng một cách triệt để, bộ phim xứng đáng là thước phim lịch sử khắc họa lại thời kỳ đen tối của nước Mỹ mà công chúng mong đợi.
Bộ phim không chỉ là một thành tựu mang tính hình thức. Nó thực sự có sức mạnh tinh thần to lớn vì được xây dựng công phu đến từng chi tiết.
"12 Years a Slave" đưa người xem quay trở lại năm 1841, với nhân vật chính là nghệ sĩ vĩ cầm Solomon Northup - một người da đen tự do có gia đình êm ấm cùng vợ và hai con ở Saratoga, New York.
Một ngày nọ, trong khi gia đình anh rời thị trấn, Northup được giới thiệu cho những kẻ tự xưng là "người săn tìm tài năng" và cam đoan rằng anh có thể kiếm được kha khá nếu làm nhạc công cho một gánh xiếc di động. Anh nhận lời và được đưa đến Washington.
Nhưng sau một đêm uống rượu, anh thấy mình tỉnh dậy trong một phòng ngủ, tay chân bị xiềng xích, xung quanh chìm trong sự u ám và tĩnh lặng.
Những gì xảy ra tiếp theo là một cuộc hành trình đầy đau khổ và kinh hoàng khi mà Northup luôn bị đánh đập vì khăng khăng nói mình là người tự do. Sau nhiều lần bị mua qua bán lại, cuối cùng anh bị đưa đến đồn điền của người chủ độc ác Edwin Epps (Michael Fassbender).
Bộ phim tập trung vào mối quan hệ của anh với Epps, kẻ đủ khôn ngoan để nhận thấy trí tuệ và nhận thức văn hóa của tên đầy tớ Northup là một mối đe dọa. Hắn xử lý vấn đề này giống như cách mà hắn giải tỏa lòng khao khát chiếm đoạt nữ nô lệ Patsey (Lupita Nyong’o): bạo lực và bạo lực.
Cách Epps trút nỗi bực tức của mình cũng được diễn tả rất tinh tế, khi hắn tùy tiện dựa lên người những nô lệ, coi họ như đồ đạc.
Tuy nhiên, bộ phim không đơn giản chỉ nói về sự tàn nhẫn của con người. Trong phim khán giả có thể bắt gặp nhiều mảnh đời với những số phận khác nhau: Từ người phụ nữ đau đến xé lòng khi bị chia cắt khỏi đứa con của mình đến người từng là nô lệ giờ hài lòng nép mình dưới vai trò vợ người chủ cũ.
Nhưng điều bộ phim thực sự hướng đến là dựng lên một bức tranh toàn cảnh, không chỉ khắc họa số phận những người gốc Phi ở miền Nam nước Mỹ trước nội chiến mà còn miêu tả nạn phân biệt chủng tộc.
Những khán giả da trắng ngày nay có lẽ không thể đồng cảm được với sự lạm dụng nô lệ quá mức tàn bạo mà Epps và người vợ ghê gớm của hắn (Sarah Paulson) gây ra. Nhưng còn với William Ford (Benedict Cumberbatch) - người chủ khá nhân từ của Northup - thì sao?
Đưa cảnh đàn áp nô lệ lên phim là một thách thức không nhỏ. Theo nguyên tắc truyền thống, đạo diễn thường xây dựng những cảnh bạo lực này có tính thẩm mỹ một chút hoặc giới hạn chúng ở mức độ an toàn. Tuy nhiên McQueen lại giải quyết vấn đề đó bằng cách thẳng thắn mô tả sự thật, không hề che đậy hay giấu giếm chút nào.
Cũng giống những đứa con tinh thần Hunger và Shame của ông, McQueen không tô vẽ chỉnh sửa hay phủ lên bộ phim lớp trang trí đẹp đẽ để làm vui lòng khán giả. Ông dẫn dắt người xem cùng nhìn thẳng vào sự tàn nhẫn giữa người với người, được tăng cường thêm bởi âm nhạc dồn dập mạnh mẽ của Hans Zimmer.
Dù là những cảnh quay khi Northup vất vả chống cự trên những đầu ngón chân, cổ bị treo lên bằng thòng lọng hay những cảnh đòn roi kéo dài đầy đau đớn, thì điều bộ phim hướng đến không phải là một bản cáo trạng về chế độ nô lệ mà là bức tranh giàu sắc thái về bạo lực, nỗi ám ảnh và những mâu thuẫn tâm lý.
Một điều tuyệt vời nữa mà "12 Years a slave" đã làm được là đặt tính nhân văn vào hoàn cảnh éo le nhất để phân tích mổ xẻ. Đó là khi Ejiofor thể hiện xuất sắc sự đấu tranh của Northup nhằm giữ gìn nhân cách và cá tính của mình giữa cơn ác mộng tăm tối.
Bộ phim của McQueen xứng đáng đặt ngang hàng với các tác phẩm như Gravity,Captain Phillips hay All Is Lost về khả năng khắc họa những nỗ lực mãnh liệt và khát vọng về sự tự do.
Chỉ có điều, trong 12 years a slave, có thể nói những rào cản đến với tự do khắc nghiệt hơn nhiều, không chỉ với Northup mà còn với những khán giả dõi theo cuộc hành trình của nhân vật này.
Chắc rằng không phải ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi xem 12 years a slaves, nhưng rất có thể họ sẽ thấy những tư tưởng đạo đức của mình được giải phóng.
>> Bí kíp luyện rồng 2: Viết tiếp hành trình đầy cảm xúc
Thu Thảo